05:15 09/05/2014

Ngư dân Lý Sơn phản đối Trung Quốc hạ giàn khoan trái phép

Đại diện cho ngư dân huyện đảo, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã An Hải, huyện Lý Sơn nhấn mạnh: Chủ quyền về Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam là không thể chối cãi. Chúng tôi yêu cầu Trung Quốc phải tôn trọng, rút phương tiện, tàu và máy móc ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế biển Việt Nam.

Sáng 9/5, ngư dân Nghiệp đoàn nghề cá xã An Hải và An Vĩnh, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức phản đối hành động Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 vào vùng biển Việt Nam.

Việc Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981, cùng 80 tàu các loại, trong đó có cả tàu chiến vào khu vực đảo Hoàng Sa, cách đảo Lý Sơn 119 hải lý; đồng thời có hành động gây hấn, tông, làm hư hỏng tàu kiểm ngư của Việt Nam đã gây sự phẫn nộ trong dư luận quốc tế và trong nước, đặc biệt là của người dân sống gần khu vực này là đảo Lý Sơn. Hàng ngàn người dân Lý Sơn và các vùng lân cận đã tập trung để bày tỏ sự phản đối kịch liệt đối với hành động sai trái trên của Trung Quốc.

Tàu của ông Nguyễn Lộc ở Lý Sơn bị tàu ngư chính Trung Quốc đâm hỏng nặng.


Ngư dân Lý Sơn nói riêng và cả nước nói chung đề nghị Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam. Đại diện cho ngư dân huyện đảo, ông Nguyễn Quốc Chinh, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã An Hải, huyện Lý Sơn nhấn mạnh: Chủ quyền về Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam là không thể chối cãi. Chúng tôi yêu cầu Trung Quốc phải tôn trọng, rút phương tiện, tàu và máy móc ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế biển Việt Nam.

Ngư dân Nguyễn Hồng (39 tuổi), bức xúc: Hành động ngang ngược xâm phạm chủ quyền biển của Việt Nam; đe dọa việc hoạt động khai thác của ngư dân địa phương là không chấp nhận được.

Ngư dân Lê Bình khẳng định: Hành động hung hăng, ngang ngược của Trung Quốc đối với các tàu của Việt Nam là việc làm vi phạm quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam tại vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam. Ngư dân chúng tôi quyết tâm vươn khơi bám biển, bám ngư trường truyền thống Hoàng Sa, Trường Sa, khai thác hải sản, phát triển kinh tế, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Trước đó, từ ngày 6/5, sau khi Tổng Công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc đưa giàn khoan HD 981 đến khu vực vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, cách đảo Lý Sơn 119 hải lý, nhiều ngư dân Quảng Ngãi đã lên tiếng kịch liệt phản đối việc làm sai trái này. Ngư dân Quảng Ngãi nói riêng cũng như miền Trung nói chung vẫn kiên quyết bám biển Hoàng Sa, vùng biển truyền thống bao đời nay của cha ông mình .

Tại cảng cá xã Nghĩa Phú, thành phố Quảng Ngãi, nhiều tàu cá của ngư dân vừa từ vùng biển Hoàng Sa trở về bán sản phẩm. Trong số đó, ngư dân Phạm Thanh Quang, xã Nghĩa An, thành phố Quảng Ngãi cho rằng: Trung Quốc vào đặt giàn khoan gần đảo Lý Sơn, thuộc vùng biển Việt Nam là việc làm sai trái. Ngư dân chúng tôi phản đối việc làm này của Trung Quốc. Còn ngư dân Trần Thọ, ở xã Nghĩa Phú, thành phố Quảng Ngãi cho biết: Ông có trên 30 năm đi ra vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa khai thác hải sản. Tàu của ông thường xuyên chạy từ Lý Sơn ra vùng biển Hoàng Sa thì phải đi ngang qua tọa độ nơi Trung Quốc đặt giàn khoan. Đây là vùng biển của Việt Nam nên ngư dân đi làm thường xuyên phải đi ngang qua đó. Bây giờ, khi ngư dân đến khu vực trên phải đi vòng né tránh gây thiệt hại lớn mỗi chuyến ra khơi. Bà con ngư dân miền Trung nói chung, ngư dân tỉnh Quảng Ngãi nói riêng vẫn kiên quyết bám biển Hoàng Sa, vùng biển truyền thống bao đời nay của cha ông mình.

Tọa độ giàn khoan HD981 của Trung Quốc hạ đặt trái phép trên vùng biển Việt Nam. Ảnh: TTXVN phát


Ngư dân Nguyễn Việt, đoàn viên Nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Châu, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) cho biết: Hiện nay xã Bình Châu có hơn 8.000 người làm nghề biển, chiếm hơn 50% dân số địa phương, toàn xã có hàng trăm chiếc tàu cá chuyên khai thác hải sản ở vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa. Việc Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 đến khu vực vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, cách đảo Lý Sơn 119 hải lý là vi phạm chủ quyền biển của Việt Nam. Đề nghị phía Trung Quốc khẩn trương rút dàn khoan khỏi vùng biển của Việt Nam, tuân thủ theo quy định của Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982.

Việc làm ngang ngược trên của Tổng công ty dầu khí Hải dương Trung Quốc đã dấy lên sự bất bình của đông đảo ngư dân đang hoạt động đánh bắt hải sản tại vùng biển nơi đây đồng thời đi ngược lại tinh thần hợp tác giữa hai tập đoàn dầu khí quốc gia, trái với thông lệ của các hoạt động dầu khí quốc tế cũng như phương châm hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam và Trung Quốc.


Đinh Hương-Đăng Lâm