06:05 18/06/2014

Ngư dân liên kết phát triển kinh tế biển

Nhờ có những chủ trương, chính sách ưu tiên về phát triển kinh tế biển đảo, những năm qua tại Quảng Trị đã xuất hiện nhiều nhân tố, mô hình làm ăn mới có hiệu quả.

Nhờ có những chủ trương, chính sách ưu tiên về phát triển kinh tế biển đảo, những năm qua tại Quảng Trị đã xuất hiện nhiều nhân tố, mô hình làm ăn mới có hiệu quả. Những mô hình này đã giúp thay đổi nhận thức và cách làm của người dân trong khai thác các thế mạnh kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

 

Trở lại cảng cá Cửa Việt, thuộc thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị vào một ngày giữa tháng 6, chúng tôi đã chứng kiến không khí chuẩn bị cho một chuyến đánh bắt mới của bà con ngư dân nơi đây. Tại các cơ sở sửa chữa đóng mới tàu thuyền, những tốp thợ đang tất bật hoàn thiện những khâu cuối cùng để nhanh chóng hạ thủy những con tàu mới. Còn phụ nữ, trẻ em cũng bận rộn không kém khi người nào việc nấy góp sức bằng việc kiểm tra, khâu vá lại ngư lưới cụ…

 

Đội tàu đánh bắt thủy sản của các xã vùng biển bãi ngang của Quảng Trị trên đường về bến cá Cửa Việt sau một đêm đánh bắt trên biển.
Ảnh: Hồ Cầu-TTXVN


Anh Võ Linh Quyền, ở khu phố 5, thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh đang sở hữu một đội tàu đánh bắt xa bờ cho biết: Năm 1997, khi đang gặp khó khăn về nguồn vốn để nâng cấp, đóng mới tàu thuyền có công suất lớn để khai thác xa bờ thì anh nhận được thông tin Chính phủ có chủ trương cho ngư dân vay vốn ưu đãi theo Quyết định 393/QĐ-TTg. Ngay sau đó, anh tiếp xúc với các cơ quan chức năng để tiến hành vay vốn từ chương trình. Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi này, gia đình anh Quyền đã đóng mới được tàu để ra khơi xa khai thác hải sản. Có tàu mới, ngư cụ không ngừng được đầu tư, ngư trường khai thác lại rộng lớn cộng với ý chí bám biển làm giàu, thu nhập của gia đình anh từ đội tàu cứ tăng dần qua năm tháng.


Khác với đội tàu của anh Võ Linh Quyền, Tổ hợp tác đánh bắt và dịch vụ chế biến thủy sản Tiến Phát ở thôn Xuân Tiến, xã Gio Việt, huyện Gio Linh lại là mô hình kinh tế biển tập thể với những con người dám nghĩ, dám làm, biết liên kết, hỗ trợ lẫn nhau trong việc bám biển làm giàu. Năm 2010, nhận thấy nhu cầu cần phải liên doanh, liên kết để có điều kiện khai thác trong đánh bắt và chế biến thủy sản, 6 hộ dân ở thôn Xuân Tiến đã đứng ra thành lập Tổ hợp tác đánh bắt và dịch vụ chế biến thủy sản Tiến Phát. Anh Nguyễn Công Bắc, Tổ trưởng Tổ hợp tác cho biết: Sau khi thành lập, Tổ hợp tác đã định hình và ổn định sản xuất. Hiện Tổ hợp này đã có 3 cơ sở chế biến thủy sản đóng tại địa phương hoạt động với công suất gần 20 tấn/ngày.

Là người có thâm niên đi biển, anh Võ Linh Quyền chia sẻ: Xác định gắn bó cả đời với biển, ngoài việc tuân thủ các quy định của pháp luật thì các quy định nghiêm khắc trong nghề cá luôn được đề cao. Các ngư dân luôn tuân thủ các quy định về lãnh thổ và ý thức về chủ quyền về vùng biển của Tổ quốc. Chính vì vậy, mối liên hệ, liên kết trên biển giữa các ngư dân diễn ra thường xuyên và không ngừng được phát huy. Việc thường xuyên liên lạc giúp các ngư dân kịp thời giúp đỡ lẫn nhau khi có sự cố về thiên tai hoặc gặp nạn trên biển. Mặt khác, việc này cũng tạo điều kiện cho ngư dân trong và ngoài tỉnh trao đổi kinh nghiệm nhằm khai thác có hiệu quả trên vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.


Trần Tĩnh