08:07 18/08/2014

Ngư dân băn khoăn với tàu vỏ thép

Nghị định 67/2014/NĐ - CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản (Nghị định 67), ban hành ngày 7/7/2014 đã tạo cú hích mạnh mẽ cho ngành thủy sản nói chung và hàng nghìn ngư dân tỉnh Quảng Ngãi nói riêng. Tuy nhiên...

Nghị định 67/2014/NĐ - CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản (Nghị định 67), ban hành ngày 7/7/2014 đã tạo cú hích mạnh mẽ cho ngành thủy sản nói chung và hàng nghìn ngư dân tỉnh Quảng Ngãi nói riêng. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, hiệu quả đánh bắt của tàu vỏ thép như thế nào còn tùy thuộc vào ngành nghề và ngư trường khai thác.

 

Ngư dân Dương Minh Thạnh, ở xã An Hải, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi và các bạn chài, những người có nhiều kinh nghiệm khai thác đánh bắt cho biết, với chính sách này, họ không còn phải lo đến tài sản thế chấp khi vay vốn mà có thể dùng chính con tàu mình đóng để thế chấp ngân hàng. Thế nhưng, đối với nghề lặn, tàu vỏ thép không thực sự cần thiết mà chỉ phù hợp đối với nghề lưới vây và nghề câu cá ngừ đại dương dài ngày trên biển.

 

Tàu cá vỏ sắt của ngư dân Lê Sang (phường Thuận Phước, quận Hải Châu, Đà Nẵng) được đóng mới giá 12 tỷ đồng, có trang thiết bị đi biển hiện đại để khai thác thủy hải sản và làm dịch vụ hậu cần nghề cá.
Ảnh: Trần Lê Lâm- TTXVN

 

Hiện nay, để đóng mới một tàu vỏ thép cần khoảng 7 tỷ đồng, ngư dân được vay ngân hàng tối đa 95% tổng giá trị đóng mới với lãi suất 7%/năm (thời hạn vay 11 năm), ngư dân chỉ trả 1%/năm nhưng được miễn lãi và chưa phải trả nợ gốc, ngân sách nhà nước cấp bù 6%/năm. Đây là những điều kiện tốt giúp ngư dân mạnh dạn vay vốn đóng tàu vỏ thép. Tuy nhiên, nguồn lợi thủy sản ngày càng khan hiếm, đầu ra bấp bênh, điều khiển tàu vỏ thép không dễ. Đó là nỗi lo của nhiều ngư dân khi quyết định có nên đóng tàu vỏ thép hiện đại hay không.

 

Ngư dân Lê Trung Thành, ở xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi cho biết: Lâu nay, ngư dân chủ yếu điều khiển tàu gỗ nên còn phân vân với việc điều khiển tàu vỏ thép. Do vậy, các ngành chức năng tỉnh của Trung ương nên mở lớp tập huấn hướng dẫn hoặc tuyên truyền để ngư dân hiểu về điều kiện lái tàu, lợi ích của tàu vỏ thép so với tàu gỗ và mở lớp đào tạo thuyền trưởng cho loại tàu này... Từ đó, bà con ngư dân mới mạnh dạn đầu tư.

 

Bên cạnh đó, nhiều ngư dân băn khoăn, trong thời gian đầu hoạt động nếu không hiệu quả có thể ngư dân khó hoàn vốn được cho Nhà nước thì sẽ giải quyết như thế nào?

 

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi, toàn tỉnh đã có 150 hồ sơ đăng ký đóng mới tàu theo Nghị định 67 của Chính phủ. Trong đó, nhiều người xin đóng tàu đánh cá vỏ thép, tàu composic, tàu hậu cần nghề cá. Trên cơ sở nghiên cứu của các chuyên gia về nguồn lợi thủy sản của từng ngư trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định không phải ngành nghề nào cũng đóng tàu vỏ thép mà phải chú ý đến từng ngư trường, vùng miền.

 

Ông Phan Huy Hoàng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi cho biết: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng xác định, trong tổng số lượng tàu thuyền của cả nước, chỉ đóng thêm được 2.000 chiếc vỏ thép. Trong số 2.000 tàu được phân bổ, tùy theo địa phương mà bố trí.


Nghị định 67 của Chính phủ ra đời ưu đãi về vốn vay cho ngư dân đóng tàu vỏ thép vươn khơi xa bám biển là phù hợp với nguyện vọng của nhiều bà con ngư dân. Tuy nhiên, việc vận động ngư dân đóng tàu vỏ thép không nên làm ồ ạt theo kiểu phong trào mà phải được tính toán kỹ. Đặc biệt, cần có mô hình để rút kinh nghiệm sau đó mới vận động ngư dân đóng mới và nhân đại trà với số lượng lớn ở từng địa phương rút kinh nghiệp từ bài học thất bại của Dự án đánh bắt xa bờ năm 1997.


Nguyễn Đăng Lâm