07:05 17/07/2011

Ngôi nhà của mẹ

Tôi sinh ra bên bờ sóng, giữa màu cát trắng. Mẹ tôi kể rằng hôm tôi ra đời mẹ đang đi cào con “ngao ngán” về nấu cháo, thì chuyển dạ. Ngán họ nhà hến, thân nhỏ bằng hạt đậu, vỏ màu trắng, thịt bùi, luộc lên nước đùng đục...

                                                                                           Kính tặng mẹ Việt Nam Anh hùng Trần Thị Vượng, mẹ liệt sĩ Hoàng Sĩ Nắng

Tôi sinh ra bên bờ sóng, giữa màu cát trắng. Mẹ tôi kể rằng hôm tôi ra đời mẹ đang đi cào con “ngao ngán” về nấu cháo, thì chuyển dạ. Ngán họ nhà hến, thân nhỏ bằng hạt đậu, vỏ màu trắng, thịt bùi, luộc lên nước đùng đục. Nước ngao ngán nấu cháo ăn ngòn ngọt, ngầy ngậy. Đó là “bữa cơm” thường nhật của người dân vùng quê bãi ngang nghèo ở huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh ngày ấy. Hôm đó, nắng như đổ lửa. Màu cát loa lóa, chói chang, như thể nung chín da thịt người. Nhúm nhau của tôi được mẹ vùi vào lòng cát khi tôi vừa cất tiếng khóc chào đời. Vì thế, mẹ đặt tên tôi là Cát.

Tôi có người bạn nối khố, hoàn cảnh sinh ra giống hệt tôi, tên là Nắng. Tôi và Nắng thân nhau lắm. Tóc để chỏm, hai chúng tôi bàn chân trần lún sâu trong cát mát rượi sớm mai, chiều hôm, hò reo chạy đuổi bắt dã tràng. Rồi khi đã mệt nhoài, hai đứa nằm xoài trên bãi biển vốc cát xây những lâu đài cát. Bố của Nắng mất sớm, khi con thuyền câu mực của ông gặp cơn lốc biển bất ngờ ngoài Cửa Hội, để lại Nắng cho người mẹ gần 50 tuổi. Nhà Nắng vốn nghèo, nay lâm vào cảnh mẹ góa, con côi, càng nghèo. Tôi không còn nhớ đã bao lần mẹ Nắng một mình thẫn thờ ra biển. Bà lặng lẽ đứng nhìn chúng tôi. Rồi mẹ ngồi xụp xuống vuốt mái tóc hoe hoe đỏ màu nắng, ướt đẫm nước biển mặn mòi của Nắng, của tôi, thầm thì:

- Giá mà Cát xây được cho mẹ con chúng ta ngôi nhà, dù nhỏ bé thôi, chỉ mong che được mưa, được nắng, chắn được sóng gió, bão giông. Để mỗi khi bão tố, khỏi gồng gánh kéo nhau chạy nạn, nói chi đến xây những lâu đài…!

Minh họa: Trần Thắng

Tôi và Nắng ngơ ngác nhìn mẹ. Cái tuổi lên 5 lên 6, làm sao chúng tôi hiểu được cái nỗi niềm xa xôi trong lời nói của bà. Rồi mẹ đứng dậy, lúp xúp đi về cái xóm chài nghèo, nơi những túp lều tranh le te nằm loi thoi trên trảng cát nắng chang chang bên bờ sóng.

Hai đứa tôi lớn dần lên. Rồi hai đứa cắp sách tới trường. Con đường tới trường chỉ đẫm một màu cát trắng và biếc màu hoa mua tím. Bàn chân nhỏ xíu của hai đứa tôi ngập trong cát. Trên sân trường cát trắng, lũ con gái nhảy dây, đánh chài; lũ con trai chơi bi, đá bóng. Bụi cát bay mù mịt. Chúng tôi có biết đâu, cái bụi cát khô khốc nồng nàn mùi nắng ấy đã ngấm sâu vào huyết quản, như một vết khắc vào tâm hồn thơ dại, trong trắng của lũ trẻ chúng tôi, để vương vít cả cuộc đời…!

Nắng học giỏi lắm. Năm nào các môn học Nắng cũng đứng nhất trường. Nắng ham làm thơ, bạn bè vẫn gọi là “Nắng thi sĩ”. Nhưng hình như có điều gì đó lạ lắm, làm cho Nắng lại nuôi ước mơ trở thành kỹ sư nông nghiệp. Khi tôi gặng hỏi, Nắng ngập ngừng bảo là bởi vì thương lắm quê mình. Nắng không vui khi thấy lũ anh em cùng trang lứa từ thành phố về, khi đi trên đường làng chúng nó cứ nhảy choi choi mà xuýt xoa đất đai chi mà cỗi cằn, khí hậu chi mà khắc nghiệt. Làm như thể nơi cát, nắng thế này thì con người sống làm sao nổi! Tôi hiểu lòng bạn. Bởi với Nắng, với tôi, với người dân quê tôi, cát, nắng đã là tình yêu, đã là máu thịt. Ai đó nơi phồn hoa đô hội làm sao hiểu được cát, nắng đã gắn bó, thủy chung với người dân quê tôi đến thế nào. Bãi cát mềm đỡ con thuyền cha xuống biển tìm cá. Cát dịu êm đỡ tấm lưng mẹ bớt mỏi sau buổi cày cấy nhọc nhằn. Biết bao giọt mồ hôi mặn chát đổ xuống cát, ngấm sâu vào lòng cát cho củ khoai, củ lạc nên ngọt, nên bùi; cho dẻo thơm hạt gạo; cho “gừng chín tháng, gừng hỡi còn cay”, cho ai “tình nặng ngãi dày”! Đến bát nhang trên bàn thờ nơi vùng quê gió cát này cũng được chọn thứ cát sạch sẽ, tinh khiết, để xuân thu nhị kỳ, giỗ chạp, Tết nhất, nhà nhà, người người cắm vào đó nén hương thơm nhớ về tiên tổ, mát lòng người đã một đời trung trinh sống cùng nắng mà chết về với cát…

Năm tháng đi qua, thời gian cộng thêm tuổi trời càng đằm sâu thêm tình yêu quê hương. Nắng càng lúc càng băn khoăn bởi suốt đời những người cha phơi tấm lưng trần trong nắng miệt mài kéo lưới; suốt cuộc đời bao người mẹ đen sạm đi làn da nõn nà con gái cần mẫn cấy cày, mà cái nghèo cứ bám riết lấy đất này?! Cái làng chài nhỏ nhoi bên bờ sóng vẫn chỉ le te những túp lều tranh, vách đất? Dạo ấy, bao lần tôi và Nắng ì ạch gánh “ ngao ngán”, cho mẹ đi chợ làng. Nhìn những dãy cá trích, cá lẹp cùng những gánh ngao ngán, bạc phếch dưới cái nắng chang chang, Nắng ngao ngán thốt lên:

“Chợ quê mình chỉ lắm cá, lắm cua

Thiếu màu rau xanh, thương cồn cát trắng…”(*).

Ôi chao là cái tình thương thi sĩ! Cái câu thơ đau đáu ấy đã theo tôi và Nắng ra trận khi những quả bom đầu tiên của đế quốc Mỹ rơi xuống quê tôi. Đang học Đại học Nông nghiệp Hà Nội, Nắng không chịu ở lại hậu phương theo chính sách ưu tiên con độc nhất. Gác mơ ước thành kỹ sư, Nắng đi làm người lính. Ngày lên đường, Nắng thủ thỉ với tôi:

- Quê mình nghèo quá, cậu ạ. Hết giặc, nếu còn sống, chúng mình sẽ học cho xong đại học rồi về với quê nhà. Chúng mình sẽ chọn các thứ cây giống, vật nuôi phù hợp với đồng đất bãi ngang này. Ta sẽ tạo ra giống lúa mới cho năng suất cao hơn. Năm 1942, cụ Nguyễn Lý Thái người xã Đan Tràng ta từng lập đồng nuôi tôm nước lợ ở đây mà làm giàu, sao giờ ta không làm được? Rồi cậu xem, đất đâu có phụ người, nếu biết làm ăn cho có khoa học, giàu lên mấy nỗi!

Hai đứa tôi ngoéo tay nhau. Rồi Nắng ôm lấy vai mẹ, bồi hồi: “ Mẹ ơi! Mẹ đừng lo, ngày toàn thắng con sẽ về xây cho mẹ ngôi nhà vững chãi, che được mưa, được nắng, chắn được sóng gió, bão giông, như ước ao của mẹ!”.

Nhưng bạn tôi đã nằm lại phương trời Nam nắng gió, trong một trận đánh không cân sức với kẻ thù. Nắng đành lỗi hẹn với trường đại học, với bao dự định với quê nhà, với mẹ. Còn tôi thì xuất ngũ trở lại trường đại học. Tốt nghiệp, tôi được phân công về vùng đất đỏ mỡ màu. Cố quên lời hẹn cùng Nắng ngày nào, tôi chọn cao nguyên làm bến đỗ. Năm lại năm, sống trong hạnh phúc đủ đầy, nhưng đêm đêm, tôi vẫn khắc khoải trong lòng cồn cào nhớ về Nắng, nhớ về cái làng chài nhỏ nhoi bên bờ sóng, nơi có mái lều tranh le te của mẹ bạn tôi, khi anh không thể trở về xây ngôi nhà mới cho mẹ. Tháng bảy này, nỗi nhớ cố hương không dằn lòng được giục bước tôi về. Quê tôi đó vẫn những cồn cát trắng mênh mông. Nhưng thấp thoáng trong những hàng phi lao xanh mát là những khu đồng nuôi tôm xuất khẩu trên cát, là những ngôi nhà đủ dáng, đủ kiểu, đủ màu sắc như một vùng thị tứ. Rẽ qua con đường nhựa, đường bê tông phẳng lì, tôi cởi giày cầm tay để bàn chân mình ngập trong cát mịn. Cát ôm lấy bàn chân trần của tôi mát rượi. Bàn chân đứa con tha hương đang xao xuyến tìm về với tuổi thơ, tìm về với quê nhà; bước chân tôi cứ ríu lại, lòng tôi cứ nôn nao. Mùi cát, mùi biển mặn nồng nàn, thân thuộc say say trong lòng tôi, cay cay trong khóe mắt tôi.

Mẹ Nắng rưng rưng nước mắt đón tôi trước ngôi nhà ba gian ngói đỏ, tường vôi khiêm nhường mà vững chãi bên hàng phi lao vi vút gió. Tôi bần thần nắm lấy bàn tay chai sạn của mẹ:

- Mẹ ơi, con và Nắng thân nhau từ lúc tóc còn để chỏm. Hai đứa cùng đi đánh giặc. Con thì được trở về còn anh ấy chẳng may hy sinh. Đã là bạn bè, đồng đội thì phải sống có thủy, có chung. Vậy mà bao năm nay con chỉ biết lo cho riêng mình. Ngẫm cho cùng, con đã phụ anh ấy, phụ mẹ, phụ quê hương mình rồi!

Mẹ lại vuốt tóc tôi như thuở hai đứa xây lâu đài cát bên bờ biển :

- Mấy năm nay, hàng năm con vẫn gửi quà về cho mẹ đó thôi. Thằng Nắng hy sinh vì dân, vì nước, nên có bà con xóm mạc, có các con, có anh em đồng đội thay nó lo cho mẹ. Anh em, đồng đội đã lặn lội đưa thằng Nắng của mẹ từ nghĩa trang Gò Dầu trong Tây Ninh xa ngái về nghĩa trang huyện nhà. Rứa là mẹ con được gần nhau, để sớm hôm hương khói. Có thằng Nắng về ở gần, mẹ cũng đỡ tủi buồn. Đơn vị nó còn cử người về cùng huyện, xã, xóm xây ngôi nhà ni cho mẹ đó, lại còn chu cấp tiền nong phụng dưỡng mẹ đến hết đời. Ân nghĩa lắm, con ạ! Thật không sao kể hết tình người…! Với lại, từ ngày đổi mới, quê ta giàu lên nhiều, khởi sắc lắm. Cả làng không ai còn phải ăn cháo “ngao ngán” thay cơm như “ ngày xưa” nữa đâu. Mà tức cười lắm con ơi, cái thứ cháo con nhà nghèo nớ mà giờ lại thành đặc sản trong khách sạn, nhà hàng trên phố đó!

Tôi ôm choàng lấy mẹ, lặng lẽ đứng nhìn ngôi nhà của mẹ, ấm áp biết mấy nghĩa tình “uống nước nhớ nguồn”. Bổi hổi trong lòng tôi thưa:

- Mẹ ơi! Con sẽ về lại quê nhà góp sức mình với quê hương, làm tiếp những ước mơ, những khát khao dang dở vì chiến tranh của con, của Nắng, của bao người cầm súng ra đi không trở lại. Con sẽ về để chuộc lỗi lầm bao năm của con với Nắng, với mẹ, với quê hương yêu dấu của mình, mẹ ạ!

Tháng 7 /2011

---

(*)Thơ BVD Nguyễn Xuân Diệu