08:23 24/08/2012

Ngôi chùa Khmer có bề dày truyền thống cách mạng

Ngôi chùa Phật giáo Nam tông Bôrây Sarây Chum (chùa Ngã Cạy) không chỉ là nơi sinh hoạt văn hóa của đồng bào Khmer huyện Long Mỹ (Hậu Giang), mà còn là di tích lịch sử, in đậm dấu ấn của phong trào chống Mỹ cứu nước năm xưa.

Ngôi chùa Phật giáo Nam tông Bôrây Sarây Chum (chùa Ngã Cạy) không chỉ là nơi sinh hoạt văn hóa của đồng bào Khmer huyện Long Mỹ (Hậu Giang), mà còn là di tích lịch sử, in đậm dấu ấn của phong trào chống Mỹ cứu nước năm xưa.


 

Ông Sơn Kích, Lục A Cha của chùa đang chỉ hầm bí mật nuôi giấu cán bộ cách mạng tại ngôi chánh điện của chùa. Ảnh: Cao Oanh

Chùa Bôrây Sarây Chum được xây dựng cách đây hơn 300 năm bằng tre, lá, đây là nơi để đồng bào Khmer trong vùng tới sinh hoạt tín ngưỡng, văn hóa. Trải qua nhiều lần trùng tu, xây dựng mới, đến nay chùa đã khang trang hơn, với diện tích rộng trên 21.000 m2, gồm chánh điện, sa la, nhà dạy học, khu nhà ở, nhà khách và sân vườn. Trong chánh điện của chùa nhiều tượng Phật, trong đó có bức tượng Phật bằng đá sơn vàng cao 2 m được thỉnh về từ Ấn Độ vào năm 2005. Đây là ngôi chùa duy nhất trong tỉnh Hậu Giang có tượng Phật thỉnh về từ Ấn Độ, nên được nhiều Phật tử và đồng bào Khmer thăm viếng.


Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, chùa Ngã Cạy là nơi nuôi giấu, cung cấp lương thực cho cán bộ, nơi cán bộ họp để vận động người dân tham gia cách mạng, tiêu diệt địch. Ông Lâm Ngưm - Lục a cha chùa Bôrây Sarây Chum, chia sẻ: Các sư sãi và đồng bào Khmer trong vùng đã cùng nhau đào hầm ngay giữa chánh điện để nuôi giấu cán bộ cách mạng. Hầm bí mật nay đã được lấp, nhưng vẫn để lại vết tích ngay giữa nền chánh điện. Trên các bức tường của khu sa la, khu chánh điện vẫn còn những vết đạn địch bắn.


Sư cả - trụ trì chùa Bôrây Sarây Chum, Danh Xmấy, cho biết: Thời kỳ chống Mỹ, sư sãi và đồng bào Khmer đã hết lòng tham gia cách mạng, nay mọi người lại cùng cố gắng làm việc, trồng trọt, chăn nuôi để phát triển kinh tế. Chùa Ngã Cạy trở thành nơi dạy học, truyền đạt giáo lý nhà Phật, rèn luyện nhân cách cho con em đồng bào Khmer, tuyên truyền cho người dân các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, phát động phong trào học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Chùa còn có tủ sách về giáo lý nhà Phật, sách pháp luật, các sách hướng dẫn trồng trọt, chăn nuôi, dạy dỗ con cái với ngôn ngữ tiếng Việt - Khmer để người dân Khmer dễ đọc và tham khảo. Hiện nhà chùa cũng dành một phần đất bên cạnh nhà tăng lữ để xây 4 phòng học cho điểm trường tiểu học Xà Phiên 2, phục vụ việc học tập cho con em trong khu vực.


Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Xà Phiên, Lê Hoài Hận cho biết: Chùa Ngã Cạy là một công trình tôn giáo văn hóa - di tích lịch sử của địa phương. Huyện Long Mỹ đã phối hợp với xã làm đường từ đường liên xã dẫn vào chùa dài hơn 1,5 km, rộng 3,5 m để phục vụ người dân Khmer vào chùa làm lễ. Hiện xã đang làm hồ sơ đề nghị huyện công nhận chùa là di tích lịch sử - một địa điểm văn hóa - cách mạng của địa phương.

 

Nguyễn Xuân Dự