01:07 10/01/2015

Ngoại trưởng Nga, Ukraine, Đức và Pháp hội đàm ngày 12/1

Ngoại trưởng các nước Ukraine, Nga, Đức và Pháp sẽ gặp nhau vào ngày 12/1 tới tại Berlin (Đức) nhằm thảo luận về cuộc xung đột ở Ukraine.

Ngày 9/1, Bộ Ngoại giao Đức cho biết ngoại trưởng các nước Ukraine, Nga, Đức và Pháp sẽ gặp nhau vào ngày 12/1 tới tại Berlin (Đức) nhằm thảo luận về cuộc xung đột ở Ukraine.

Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier (thứ 2, phải), Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (phải), Ngoại trưởng Ukraine Pavlo Klimkin (thứ 2, trái) và Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius trước cuộc họp tại Berlin, ngày 17/8/2014. Ảnh: AFP-TTXVN.


Cuộc gặp trên được các bên nhất trí trong một cuộc điện đàm vào cùng ngày giữa Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, Ngoại trưởng Ukraine Pavlo Klimkin, cùng người đồng cấp Pháp Laurent Fabius và Ngoại trưởng nước chủ nhà Đức Frank-Walter Steinmeier. 


Trong khi đó cùng ngày, tại khu vực miền Đông Ukraine, đã có 4 binh sĩ chính phủ và 2 dân thường thiệt mạng trong các cuộc tấn công bằng rocket và súng cối. Các vụ bạo lực này bùng phát chỉ vài ngày trước khi diễn ra các cuộc đàm phán quốc tế về cuộc khủng hoảng tại quốc gia Đông Âu này.


* Nga yêu cầu Đức nêu quan điểm chính thức về tuyên bố của Thủ tướng Ukraine


Ngày 9/1, Thứ trưởng Ngoại giao thứ nhất Nga, ông Vladimir Titov cho biết Moskva đã yêu cầu Berlin đưa ra quan điểm chính thức liên quan tới tuyên bố của Thủ tướng Ukraine Arseny Yatsenyuk về việc "Liên Xô xâm lược Đức và Ukraine".

Phát biểu với các phóng viên, ông Titov nói: "Chúng tôi đã gửi công hàm tới Bộ Ngoại giao Đức yêu cầu đưa ra quan điểm chính thức của Đức liên quan tới những tuyên bố cực đoan của Thủ tướng Yatsenyuk, bóp méo lịch sử". 


Trước đó, ông Yatsenyuk trong chuyến thăm Berlin đã nói rằng "chúng ta đều nhớ rõ cuộc xâm lược của Liên Xô vào Ukraine và Đức". 


Ngày 1/9/1939, phát xít Đức tấn công Ba Lan, mở màn cho Chiến tranh Thế giới thứ II. Quân đội Liên Xô ngày 17/9/1939 đã tiến vào lãnh thổ Tây Ukraine và Tây Belarus, mà Ba Lan nhận được sau khi kết thúc chiến tranh Ba Lan-Liên Xô giai đoạn 1919-1921. Chính quyền Xô-viết tuyên bố do Ba Lan tan rã nên Moskva đã tiến hành bảo vệ cuộc sống và tài sản của người dân Tây Ukraine và Tây Belarus. Sau chiến tranh, Chính phủ Ba Lan trong hiệp định ký với Liên Xô năm 1945 đã khẳng định đường biên giới được xác lập sau chiến tranh.



TN