07:09 12/07/2011

Nghiên cứu và sản xuất giống lúa lai tại Việt Nam: Cần một đề án quy hoạch hoàn chỉnh

Lúa lai có khả năng tăng trưởng, phát triển tốt hơn các giống lúa thuần trong điều kiện thời tiết bất thường, biến đổi khí hậu và sâu bệnh. Nhưng, sau gần 20 năm nghiên cứu và sản xuất, hiện nay, trên 2/3 lượng giống lúa lai phục vụ sản xuất nông nghiệp của nước ta vẫn phải nhập khẩu.

Lúa lai có khả năng tăng trưởng, phát triển tốt hơn các giống lúa thuần trong điều kiện thời tiết bất thường, biến đổi khí hậu và sâu bệnh. Nhưng, sau gần 20 năm nghiên cứu và sản xuất, hiện nay, trên 2/3 lượng giống lúa lai phục vụ sản xuất nông nghiệp của nước ta vẫn phải nhập khẩu.

Nhập khẩu tới 70% lượng giống lúa lai

Sau gần 20 năm nghiên cứu và sản xuất, Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được nguồn giống lúa lai cho bà con nông dân. Nguyên nhân là do đầu tư vốn dàn trải, nguồn nhân lực nghiên cứu vừa thiếu, lại vừa yếu. Doanh nghiệp trong nước cũng không “mặn mà” sản xuất lúa lai vì rủi ro cao về bản quyền.

Cung chưa đáp ứng được cầu

Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), diện tích lúa lai thương phẩm ở miền Bắc có hơn 370.000 ha, chiếm 32,6% diện tích nhưng miền Nam chỉ có trên 27.700 ha, chiếm 1,3% diện tích. Tính chung, diện tích lúa lai của cả nước mới đạt gần 400.000 ha, chiếm 12% diện tích trồng lúa cả nước.

Công ty cổ phần giống cây trồng Thái Bình tập kết hạt giống chuẩn bị cung ứng cho các địa phương. Ảnh: Đình Huệ - TTXVN


Qua sản xuất thực tế, lúa lai có ưu thế về nhiều mặt: Sức sinh trưởng mạnh, thời gian sinh trưởng ngắn, cây cứng khỏe, chống chịu tốt với điều kiện thời tiết khó khăn: Lạnh, nóng, hạn, ngập úng... nên cho năng suất cao, chất lượng khá tốt.

Theo tổng kết chung của các nước trồng lúa lai trên thế giới (trong đó có Việt Nam) thì năng suất lúa lai cao hơn lúa thường 20- 30%, thời gian sinh trưởng ngắn hơn, kháng đạo ôn tốt, sử dụng phân bón tiết kiệm, trong điều kiện khí hậu thời tiết khó khăn thì lúa lai chống chịu tốt hơn lúa thường nên năng suất ổn định hơn.

Nhưng việc sản xuất giống lúa lai của nước ta hiện mới chỉ đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu, theo số liệu của Cục Trồng trọt, hiện mỗi năm Việt Nam chỉ sản xuất được khoảng 3.500 – 4.000 tấn hạt giống lúa lai F1, mới đáp ứng được 20 – 25% nhu cầu trong nước. Trên 70% lượng hạt giống lúa lai F1 phục vụ sản xuất trong nước phải nhập từ nước ngoài, chủ yếu là từ Trung Quốc.

Theo Viện Sinh học nông nghiệp (Đại học Nông nghiệp Hà Nội), việc nghiên cứu và sản xuất giống lúa lai của nước ta vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Từ năm 2004 đến nay, chúng ta mới chỉ có 10 tổ hợp lúa lai được công nhận giống quốc gia và 16 giống được công nhận sản xuất thử. Nguyên nhân là do vốn đầu tư dàn trải, nguồn nhân lực nghiên cứu lúa lai vừa thiếu lại vừa yếu. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp không ưu tiên sản xuất giống lúa lai F1 tại Việt Nam do tính rủi ro cao và sợ mất bản quyền.

Không chỉ thiếu giống, Việt Nam chưa có nhiều dòng lúa bố mẹ có đặc tính nông học tốt, có khả năng kết hợp và cho ưu thế lai cao. Hơn nữa, “năng suất của một số tổ hợp lúa lai chọn tạo trong nước còn thấp nên chưa thu hút được người nông dân tham gia sản xuất hạt giống lúa lai F1. Đã vậy, các tổ hợp lai chưa phong phú, đặc biệt còn thiếu các tổ hợp lai chống chịu với sâu bệnh (nhất là rầy nâu, bạc lá) và điều kiện ngoại cảnh không thuận lợi như mặn, hạn, úng, rét. Các giống lúa lai có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa và xuất khẩu cũng còn ít”, ông Nguyễn Trí Ngọc, Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết.

Cấp thiết tăng năng suất bằng lúa lai

Theo nghiên cứu vừa được công bố đầu tháng 7/2011 của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Ciem), đến tháng 7/2011, diện tích đất trồng lúa của Việt Nam đang giảm đi nhanh chóng, bình quân trong giai đoạn 2000 – 2009, diện tích đất trồng lúa giảm gần 18.000 ha/năm, hơn nữa phần lớn đất chuyển đổi này nằm trong các khu vực màu mỡ của đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long. Do vậy, theo các chuyên gia nông nghiệp, cần phải tăng diện tích trồng lúa lai để tăng năng suất, bù đắp cho những phần diện tích trồng lúa bị mất đi.

Để có đủ nguồn giống lúa lai cung ứng cho sản xuất, ông Nguyễn Trí Ngọc, Cục trưởng Cục Trồng trọt cho rằng, về lâu dài phải có chiến lược đào tạo đội ngũ nghiên cứu chọn tạo lúa lai, đầu tư cơ sở cho các đơn vị nghiên cứu hoàn thiện quy trình công nghệ duy trì nhân dòng lúa bố mẹ và sản xuất hạt lai F1, qui hoạch vùng sản xuất tập trung để tiến tới có thể tự túc 50 - 70% lượng giống đáp ứng nhu cầu của sản xuất. Muốn vậy cần khoảng 5.000 ha cho sản xuất lúa lai tập trung; trong đó vùng Bắc Hà (Lào Cai) 500 ha, vùng Eaka (Đắk Lắk) 1.000 ha, vùng Đại Lộc (Quảng Nam) 1.000 ha, vùng Thanh Hóa 500 ha cho sản xuất hạt lai F1 trong vụ mùa…

Theo GS.TS Hoàng Tuyết Minh, Hội Giống cây trồng Việt Nam, chương trình phát triển và nghiên cứu lúa lai đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quan tâm sớm, nhưng qua gần 20 năm nghiên cứu vẫn chưa đáp ứng và theo kịp được sản xuất. Vì vậy, cần gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu, chọn tạo giống với doanh nghiệp để thương mại hóa sản phẩm.

Bên cạnh đó, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ rủi ro cho sản xuất giống lúa lai cao hơn mức hiện nay; có chính sách ưu tiên đầu tư trang thiết bị, đào tạo đội ngũ cán bộ nghiên cứu để có đội ngũ đủ mạnh và tích lũy kinh nghiệm cho việc nghiên cứu và phát triển thành công lúa lai ở Việt Nam.

V.H