10:23 13/10/2011

Nghĩa tình Kinh - Thượng ở vùng biên giới Đức Cơ

Hộ K'sor Tiên - dân tộc J'rai ở làng Kror và hộ Phan Bá Hậu - dân tộc Kinh ở thôn Thanh Giáo cùng chung sống trên địa bàn xã Ia Krer thuộc huyện biên giới Đức Cơ (Gia Lai), luôn gắn bó keo sơn, giúp đỡ nhau trong lao động sản xuất, cũng như trong cuộc sống gia đình.

Hộ K'sor Tiên - dân tộc J'rai ở làng Kror và hộ Phan Bá Hậu - dân tộc Kinh ở thôn Thanh Giáo cùng chung sống trên địa bàn xã Ia Krer thuộc huyện biên giới Đức Cơ (Gia Lai), luôn gắn bó keo sơn, giúp đỡ nhau trong lao động sản xuất, cũng như trong cuộc sống gia đình. Người dân trong làng Kror thấy đó mà vui, ai cũng khen "cặp hộ" này như anh em ruột thịt và ao ước trong làng có thêm nhiều cặp hộ như vậy...

“Cặp hộ” Tiên - Hậu giúp đỡ nhau trong sản xuất.


Đầu năm 2008, hộ K'sor Tiên và hộ Phan Bá Hậu, hai hộ công nhân của Công ty cao su 75 (Binh đoàn 15), đã được "gắn kết" với nhau theo chủ trương của đơn vị, nhằm giúp đỡ nhau phát triển sản xuất và xây dựng cuộc sống mới ở buôn làng. Theo phong tục của người J'rai, trong buổi lễ gắn kết ấy phải làm 1 con gà và vài ché rượu cần để trước hết là cúng Yàng (Trời) chứng giám, sau nữa là mời đại diện dân làng và Ban lãnh đạo đơn vị đến chia vui. Thời điểm ấy, dân làng Kror chẳng mặn mà gì bởi cho đây là chuyện lạ mà từ trước tới nay chưa hề diễn ra theo tục lệ. Tuy nhiên, buổi lễ gắn kết vẫn mang đậm nghĩa tình sâu nặng giữa 2 gia đình dân tộc Kinh - Thượng.

Sau hơn 3 năm, việc gắn kết giữa 2 gia đình K’sor Tiên và Phan Bá Hậu đã thực sự đi vào chiều sâu, dân làng Kror đều cảm thấy ngỡ ngàng trước sự đổi thay trong cuộc sống của cặp hộ này. Ai cũng biết, trước đây nhà K’sor Tiên còn nghèo khổ lắm, vợ chồng làm lụng vất vả quanh năm suốt tháng nhưng vẫn đói ăn, thiếu mặc, suy cho cùng là không biết cách làm ăn. Đất canh tác có nhưng đều bỏ hoang hóa, chỉ trồng một ít diện tích cây lúa, cây ngô truyền thống theo dạng nương rẫy và nhờ trời. Được mùa thì no cái bụng, còn không may thất bát thì coi như thiếu ăn đến vài ba tháng trong năm. Bây giờ thì đời sống của nhà K’sor Tiên khác trước nhiều rồi, không những đủ ăn mà còn có tài sản tích lũy. Ngoài việc nhận khoán chăm sóc 2 ha cao su của công ty, vợ chồng K’sor Tiên còn mở rộng diện tích, đưa hết quỹ đất canh tác trước đây vào sản xuất. Hiện nay tài sản của nhà K’sor Tiên lên đến bạc tỷ, trong đó có 2,5 sào cao su tiểu điền, 0,5 ha cà phê, 300 trụ tiêu, 2 ha mì cao sản và nuôi được hơn chục con bò, lợn sinh sản. Sắp tới, gia đình anh còn cải tạo lại vườn tạp để tiếp tục trồng mới thêm 1.000 trụ tiêu nữa. Theo tính toán, bắt đầu từ năm nay, khi các loại cây công nghiệp dài ngày cho thu hoạch thì gia đình anh có tổng mức thu lên đến vài trăm triệu đồng/năm (sau khi trừ đi các khoản chi phí).

K'sor Tiên tâm sự: “Sau khi tổ chức lễ gắn kết, gia đình anh Hậu đối xử với gia đình mình như anh em trong nhà và tận tình giúp đỡ nhiều việc lắm, từ việc sản xuất cho đến cách ăn nếp ở. Không những gia đình anh Hậu chỉ giúp về mặt tinh thần mà còn cả về vật chất nữa. Mình đầu tư trồng cây cà phê, cây tiêu không đủ tiền để mua giống và phân bón thì anh Hậu giúp thêm vốn để có đủ điều kiện trồng hết diện tích. Anh Hậu còn bày cho mình phải biết cách giúp đỡ và thương yêu cộng đồng, không theo bọn xấu và bỏ hết những tập tục lạc hậu của người J'rai tồn tại từ ngàn đời nay như chết chôn chung, đẻ rừng, ăn uống không vệ sinh...”.

Còn anh Phan Bá Hậu thì cho rằng, việc giúp đỡ bà con dân làng không chỉ là nghĩa vụ nữa, mà là trách nhiệm phải làm tròn. Anh nói: “Mình quê ở tỉnh Nghệ An vào lập nghiệp tại làng Kror, xã Ia Krer từ năm 1995. Lúc mới vào, cuộc sống vẫn còn nghèo khổ lắm, nay kinh tế gia đình đã ổn định và khá hơn nhiều rồi, chính là nhờ sự che chở, đùm bọc của bà con dân làng. Do vậy, việc giúp đỡ dân làng nơi mình đang sinh sống cũng là trả món nợ nghĩa tình với dân làng”.

Làng Kror có chừng hơn trăm hộ với gần 500 nhân khẩu là người dân tộc J'rai, cả làng có 18 lao động vào làm công nhân trong Công ty cao su 75 và hiện các gia đình này đã được tổ chức "gắn kết" như cặp hộ K’sor Tiên và Phan Bá Hậu. Cặp hộ nào cũng có sự giúp đỡ lẫn nhau và vươn lên làm ăn khá giả, trong đó cặp hộ Tiên - Hậu được coi là một trong những cặp hộ điển hình trong toàn đơn vị. Già làng Ksor Klec nói: “Mô hình gắn kết Kinh - Thượng trong công nhân cao su là đúng rồi, nhưng nên mở rộng ra đến từng cặp hộ dân thì tốt hơn. Già sẵn sàng đứng ra cúng Yàng để cho dân làng ai cũng được "no cái bụng - sướng cái đầu" và giữ sự yên bình cho buôn làng”.

Bài và ảnh: Văn Thông