01:17 25/01/2012

Nghĩa cử cao đẹp “mùng ba tết thầy”

“Mùng một tết cha, mùng hai tết mẹ, mùng ba tết thầy” là phong tục đã có từ ngàn xưa và đã trở thành nét đẹp truyền thống của dân tộc Việt Nam.

“Mùng một tết cha, mùng hai tết mẹ, mùng ba tết thầy” là phong tục đã có từ ngàn xưa và đã trở thành nét đẹp truyền thống của dân tộc Việt Nam. Ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo An Giang, cho biết, đã trở thành thông lệ, hàng năm cứ vào ngày mùng ba Tết nhiều học sinh, cựu học sinh đến chúc Tết thầy, cô đã học thời phổ thông.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet


Điều cảm động nhất là những người còn nhớ và duy trì nét đẹp tết thầy vào ngày mùng ba Tết là những công dân đã trưởng thành hoặc thành đạt trong cuộc sống. Ngoài ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, bằng tình cảm sâu sắc với các thầy giáo, cô giáo, nhiều người sinh sống và làm việc ngoài tỉnh đều về thăm thầy cô trong dịp Tết hàng năm. Chị Nguyễn Thị Thanh Trúc, hiện buôn bán tại chợ Long Xuyên cho biết, thành thông lệ hằng năm cứ vào ngày mùng ba Tết các bạn học cũ đều tụ họp cùng nhau đến chúc Tết các thầy cô chủ nhiệm của các lớp 10, 11, 12 đã học trước đây.

Tuy nhiên, ở đâu đó, “mùng ba tết thầy” đã phần nào bị thương mại hóa, không giữ được nét đẹp trong sáng như truyền thống. Cũng có phụ huynh và học sinh đến Tết thầy với mục đích vụ lợi. Ông Nguyễn Thanh Bình cho biết, năm học này ngành Giáo dục - Đào tạo An Giang đã đưa ý nghĩa nhân văn cao đẹp “mùng ba tết thầy” vào sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt giờ chủ nhiệm và đưa vào giảng dạy lồng ghép với môn giáo dục công dân. Trong kế hoạch chuẩn bị Tết năm nay, ngành giáo dục An Giang còn chỉ đạo các trường triển khai việc giáo dục ý nghĩa về hoạt động Tết thầy trong học sinh, nhằm giúp các em hiểu rõ hơn về đạo lý “tôn sư trọng đạo”, thắt chặt tình cảm thầy, trò, để tạo niềm vui trong cuộc sống, nhất các thầy cô đã nghỉ hưu.

Thu Trang