02:19 02/02/2015

Nghị quyết 'Ba nhiều' giúp Phúc Sen thay da, đổi thịt

Nhờ có những chủ trương phát triển kinh tế - xã hội đúng đắn, đặc biệt là Nghị quyết “Ba nhiều”, đến nay xã Phúc Sen, huyện Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng đã có sự đổi thay vượt bậc.

Từ một xã đói nghèo, nhờ có những chủ trương phát triển kinh tế - xã hội đúng đắn, đặc biệt là Nghị quyết “Ba nhiều”, đến nay xã Phúc Sen, huyện Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng đã có sự đổi thay vượt bậc. Nhiều hộ gia đình không chỉ vươn lên thoát nghèo, mà còn trở thành hộ giàu, hộ khá giả, có của ăn của để. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 45% (năm 2001) xuống còn hơn 6% (2015).

Nghề rèn truyền thống ở Phúc Sen phát triển.


Năm 2001, Đại hội Đảng bộ xã Phúc Sen nhiệm kỳ thứ XII (2001 - 2005), Ban Chấp hành Đảng ủy xã đã đưa ra Nghị quyết “Ba nhiều” thành chương trình trọng tâm xóa đói giảm nghèo cho xã. Khi đó, các cuộc họp của Ban Chấp hành Đảng bộ xã đều tập trung gỡ khó, tìm thế mạnh để xây dựng nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Mọi người cùng phân tích tình hình thực tế của xã Thúc Sen rất khó khăn về thiếu đất sản xuất, nhưng không thể trông chờ vào sự đầu tư của Nhà nước vì xã thuộc diện vùng hai. 90% diện tích đất tự nhiên là rừng núi đá không thể trở thành thế mạnh phát triển rừng sản xuất. Đảng ủy xã xác định dựa vào nội lực truyền thống chăm chỉ của bà con để xây dựng Nghị quyết “Ba nhiều” thành một phong trào có định hướng.

“Trồng nhiều cây” là ngoài trồng 2 vụ ngô, lúa; trồng thêm cây sắn, khoai, đỗ, lạc, rau màu xen canh tăng năng xuất; “nuôi nhiều con” là phát triển đàn gia súc, gia cầm, cá; “làm nhiều nghề” là duy trì và phát triển nghề rèn, dệt nhuộm vải chàm, đan lát, sản xuất vật liệu xây dựng và dịch vụ...

Cái lý lẽ “Ba nhiều” ấy hiện ra trước mắt chúng tôi khi cùng ông Lương Văn Lượng, Bí thư Đảng ủy xã đi thăm quan xóm, nhìn thấy ruộng đất xanh ngát màu ngô, khoai, nhà nhà chăn nuôi gia súc, gia cầm và rộn rã tiếng quai búa bên lò rèn đỏ lửa của làng nghề truyền thống mấy trăm năm. Đến nay, xã không chỉ sản lượng lương thực tăng mạnh, mà tổng đàn gia súc, gia cầm cũng tăng lên đáng kể. Cả xã có trên 4.000 con gia súc, 18.000 con gia cầm. Từ bàn tay cần cù, chăm chỉ lao động của người Nùng An đã tạo dựng nên diện mạo nông thôn mới, khang trang, giàu đẹp.

Đường làng, ngõ xóm ở Phúc Sen được bê thông hóa, đi lại thuận tiện.


Ý Đảng đã hợp với lòng dân, cả xã như bước vào một cuộc cách mạng mới. Nghị quyết 3 nhiều như một luồng gió mới thổi bùng lên sức sản xuất của Phúc Sen. Sản lượng cây trồng, vật nuôi tăng nhanh hằng năm. Lương thực bình quân đầu người từ 400 kg năm 2000, nay tăng lên hơn 700 kg/người/năm. Từ chỗ thiếu lương thực, Phúc Sen đã đảm bảo an ninh lương thực và có dư thừa để cung cấp cho thị trường, dành một phần để phát triển chăn nuôi gia súc. Nhiều loại nông sản của Phúc Sen đã có tiếng trên thị trường trong tỉnh như khoai lang, bí đỏ…

Nghị quyết “Ba nhiều” cụ thể gồm “Trồng nhiều cây - Nuôi nhiều con - Làm nhiều nghề”. Đến nay, Nghị quyết này đã thực sự phát huy hiệu quả và đi vào cuộc sống, được nhân dân hưởng ứng. Hiện nay, Đảng bộ tỉnh Cao Bằng đang có chủ trương nhân rộng ra toàn tỉnh.

Về tiểu thủ công nghiệp, các làng nghề tìm được thị trường tiêu thụ ổn định cho sản phẩm đua nhau phát triển. Trong đó, phát triển mạnh nhất là nghề rèn truyền thống của người dân Phúc Sen. Dưới ánh sáng của Nghị quyết "Ba nhiều", các lò rèn cùng liên kết với nhau, giúp đỡ nhau phát triển, tìm đầu ra cho sản phẩm, nên hàng làm ra đến đâu, bán hết đến đấy.

Từ chỗ chỉ có vài chục lò rèn, đến nay xã đã có gần 200 lò rèn với 470 thợ, hằng năm sản xuất được hàng vạn nông cụ cầm tay như dao, búa, liềm... Một số hộ dân đã mạnh dạn đầu tư máy móc làm tăng năng suất và chất lượng sản phẩm. Bên cạnh nghề rèn, các nghề tiểu thủ công nghiệp khác như làm hương, làm giấy bản, đan lát, sản xuất vật liệu xây dựng… cũng có bước phát triển mạnh. Từ làm nghề truyền thống, nhiều hộ đã thoát nghèo, làm giàu chính đáng, xây nhà mới khang trang, mua sắm xe máy, xe công nông và nhiều tiện nghi sinh hoạt đắt tiền khác.


Bài và ảnh: Mạnh Hà