06:13 18/06/2017

Nghỉ ốm có được trả lương?

“Tôi bị ốm, có nằm viện và bác sĩ có ghi khám và chữa bệnh trong 7 ngày. Trong hồ sơ hưởng chế độ ốm đau được bên bảo hiểm xã hội chấp nhận. Tháng đó tôi đi làm chỉ được chấm 19 ngày công, trừ những ngày nghỉ ốm. Cách tính như vậy có đúng không?”, một bạn đọc đặt câu hỏi.

Xét nghiệm máu tại bệnh viện Nhiệt Đới TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Phương Vy/TTXVN.

Về vấn đề này, khoản 2. Điều 186, Luật Lao động 2012 có quy định: "Trong thời gian người lao động nghỉ việc được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, thì người sử dụng lao động không phải trả lương cho người lao động".


Các chế độ đối với người lao động khi tham gia bảo hiểm bắt buộc theo doanh nghiệp được quy định tại Khoản 1 Điều 4 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 gồm: Ốm đau; Thai sản; Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; Hưu trí; Tử tuất.


Theo đó, chế độ ốm đau là một trong những chế độ của bảo hiểm xã hội. Vậy nên, trong thời gian nghỉ việc hưởng chế độ này sẽ không được hưởng lương từ phía công ty. Trường hợp của bạn đọc được bác sĩ ghi 7 ngày thì không được tính vào ngày công mà bên phía công ty phải chi trả. Chế độ này do bảo hiểm xã hội chi trả, do đó người lao động lưu ý làm đầy đủ hồ sơ ghi ra viện để được hưởng chế độ trong thời gian nghỉ ốm.


Chi trả chế độ trong thời gian nghỉ ốm sẽ căn cứ Điều 8. quyết định số 636/QĐ- BHXH năm 2016. Theo đó, người lao động có đầy đủ hồ sơ hưởng chế độ ốm đau bao gồm: Giấy ra viện đối với người lao động hoặc con của người lao động điều trị nội trú. Trường hợp người lao động hoặc con của người lao động điều trị ngoại trú phải có giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH (bản chính), trường hợp cả cha và mẹ đều nghỉ việc chăm con thì giấy chứng nhận nghỉ việc của một trong hai người là bản sao.


Trường hợp người lao động hoặc con của người lao động khám bệnh, chữa bệnh ở nước ngoài thì hồ sơ quy định tại Khoản 1 Điều này được thay bằng bản dịch tiếng Việt được chứng thực của giấy khám bệnh, chữa bệnh do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ở nước ngoài cấp.


Bên cạnh đó, căn cứ khoản 2 Điều 25 Thông tư 14/2016/TT-BYT quy định tại điều 25: Trường hợp người bệnh cần nghỉ để Điều trị ngoại trú sau khi ra viện thì cơ quan bảo hiểm xã hội căn cứ số ngày nghỉ ghi tại phần ghi chú của giấy ra viện để làm căn cứ thanh toán chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định.


Theo quy định trên, để được hưởng chế độ ốm đau, người lao động cần có một trong hai giấy tờ sau: Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội: áp dụng đối với thời gian hưởng chế độ ốm đau mà phảiđiều trị ngoại trú; Giấy ra viện áp dụng đối vớithời gian hưởng chế độ ốm đau mà phải điều trị nội trú và thời gian nghỉ thêm sau khi điều trị nội trú.


Xuân Cường/Báo Tin Tức