05:14 01/05/2017

Nghi lễ bắc máng nước của người Xơ Đăng

Nghi lễ bắc máng nước (kneang tea) của người Xơ Đăng ở tỉnh Kon Tum nhằm tạ ơn thần linh, cầu mong cho sông nhiều nước, suối đừng cạn để con người mạnh khỏe, vật nuôi đầy đàn, mùa màng bội thu, gắn kết tình đoàn kết cộng đồng thôn, làng.

Do sống ở lưng chừng núi, nên cuộc sống của người Xơ Đăng luôn phụ thuộc vào nguồn nước tự nhiên từ suối. Với quan niệm vạn vật hữu linh, mỗi cây, ngọn núi, con sông, con suối đều có thần cai quản, người Xơ Đăng tổ chức nghi lễ bắc máng nước để cầu xin nước về dồi dào, phục vụ cho cuộc sống. Nghi lễ được tổ chức mỗi khi mới thành lập làng, hay nguồn nước đang sử dụng không còn bảo đảm về chất và lượng, hoặc bước vào mùa vụ.

Tìm được nguồn nước, người dân tập trung bắc máng nước để dẫn nước về làng.

Trước kia, theo tâm linh, hàng năm người Xơ Đăng tổ chức lễ bắc máng nước hai lần (tháng 10 tổ chức ăn lúa mới, tháng 3 trỉa lúa) để cầu mong sự sinh sôi, phát triển của vật nuôi, cây trồng và con người. Già làng chọn ngày tốt, thống nhất trong cộng đồng và chuẩn bị đầy đủ các nhu yếu phẩm để chuẩn bị cho lễ bắc máng nước, thời gian tổ chức diễn ra trong 3 ngày.

Theo quan niệm của người Xơ Đăng, con dúi là con vật tinh khiết và may mắn nên phải có để làm lễ cúng thần nước.

Ngày thứ nhất, già làng và các chủ hộ dẫn nhau đi tìm nguồn nước. Tìm được nguồn nước, già làng phân công người chặt cây sâm lũ (blộ) và bắc ngang dòng nước, sau đó tự tay bắt một con ốc sống đặt lên bên trái cây này. Già làng khấn: “Hỡi! Thần núi, thần đất, thần sông. Xin cho tôi đánh dấu ở đây, để làng tôi được bắc máng nước, cho mùa màng luôn tươi tốt, chăn nuôi phát triển, dân làng khỏe mạnh. Xin các thần chứng kiến”.

Dòng nước mới về, vợ già làng là người được lấy đầu tiên và chia cho các gia đình.

Nếu con ốc bò sang bên phải, nghĩa là thần nước đồng ý cho dân làng sử dụng nguồn nước tại đây. Ngược lại, nếu con ốc không chịu bò qua hay quay đầu thì thần nước không đồng ý. Dân làng cố tình dùng nguồn nước này dẫn về làng thì sẽ hạn hán, ốm đau, bệnh tật... Thần nước đồng ý, già làng cho người chặt lồ ô làm cây đánh dấu và dọn dẹp sạch xung quanh nguồn nước.

Già làng thông báo nước đã về, dân làng hãy vui vẻ và cảm ơn thần nước.

Ngày thứ hai, dân làng phát dọn đường dẫn máng nước về làng. Phụ nữ được phân công phát dọn và chặt cây làm trụ đỡ, đàn ông chặt cây luồng to già để làm máng dẫn nước về làng. Tại điểm đầu và cuối máng nước, dân làng dựng “cây gâng” (làm từ cây le và được tạo tua) với mục đích mua nước của thần nước. Trên cây gâng, treo 13 hoặc 9 vòng tròn cuộn nhỏ được làm bằng lồ ô và được nối vào nhau, là tín hiệu để thần nước, thần sấm sét biết, bảo vệ cho mưa thuận gió hòa, không mang hạn hán và lũ lụt tới dân làng, nước không bao giờ cạn khô và luôn đầy đủ.

Dân làng phấn khởi nổi chiêng, trống vui hội mừng nước về làng.

Ngày thứ ba, thực hiện lễ chính bắc máng nước. Sáng sớm, tất cả dân làng tập trung tại nhà rông, dưới sự chủ trì của già làng để thực hiện nghi lễ bắc máng nước. Lễ vật hiến tế yêu cầu phải có một con dúi, vì con vật này đem lại may mắn, mang lại no ấm cho dân làng, không bị chuột bọ phá hoại mùa màng. Già làng đốt gỗ thông, hương thơm tỏa ra thì cắt lấy tiết con dúi đựng vào ống lồ ô để cúng cho thần.

Già làng cầm ống lồ ô có chứa tiết dúi, đứng trước máng nước khấn: Hỡi! Thần sông, thần đất, thần núi. Hôm nay là ngày tốt, hãy chứng kiến lễ cúng máng nước của làng. Tôi xin dâng máu dúi cho các thần. Cầu thần nước cho nước luôn đầy đủ về làng. Xin giữ nước trong lành, để dân làng mạnh khỏe, mùa màng bội thu, cho vật nuôi đầy đàn, để cây chuối được tươi xanh...

Người té nước và người được té nước càng nhiều thì càng may mắn.

Dứt lời khấn, già làng khai thông cho nước chảy vào máng và cầm ống tiết dúi đổ từ từ trên đầu máng nước cho chảy xuôi về cuối máng nước của làng. Khi tiết dúi được hòa quyện với dòng nước, phía cuối nguồn nước, vợ của già làng là người lấy nước đầu tiên, đựng trong quả bầu to nậm to, sau đó bà chia nước cho các hộ gia đình khác mang về sử dụng. Dân làng phấn khởi dùng nước tạt vào nhau để cầu may mắn cho bản thân và cộng đồng. Nước đã về làng, có nước phục vụ sinh hoạt, dân làng tập trung tại nhà rông tổ chức hội mừng nguồn nước mới.

Bài và ảnh: Việt Hoàng