06:06 03/06/2014

Nghệ sĩ tất tả mưu sinh

Chỉ 20.000 đồng cho một ngày tập luyện và 50.000 đồng cho một buổi diễn cho diễn viên đảm nhận vai chính và với các diễn viên, người phục vụ thì số tiền trên chỉ bằng một nửa. Nhiều nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú đã vượt khung tới 23% cả chục năm vẫn không được xét nâng bậc lương hoặc chuyển ngạch...

Chỉ 20.000 đồng cho một ngày tập luyện và 50.000 đồng cho một buổi diễn cho diễn viên đảm nhận vai chính và với các diễn viên, người phục vụ thì số tiền trên chỉ bằng một nửa. Nhiều nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú đã vượt khung tới 23% cả chục năm vẫn không được xét nâng bậc lương hoặc chuyển ngạch... Đó là những vấn đề được rất nhiều đại biểu quan tâm tại Hội thảo góp ý cho dự thảo “Quy hoạch tổng thể phát triển nghệ thuật biểu diễn đến năm 2020, định hướng năm 2030” vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tổ chức tại Hà Nội.

 

Nghệ sĩ thuộc lĩnh vực nghệ thuật truyền thống đang phải bươn chải với nghề.Ảnh:Lê Phú

Lý do để Bộ VHTTDL tổ chức hội thảo nói trên là xuất phát từ những bất hợp lý trong chế độ tiền lương đối với các nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực sân khấu biểu diễn. Rất nhiều ý kiến đề nghị, Nhà nước cần có những điều chỉnh phù hợp để thay đổi và nâng cao mức lương cho diễn viên, nghệ sĩ. Bên cạnh đó, giải quyết đặc cách cho những diễn viên có tuổi về hưu trước tuổi, tìm những công việc thích hợp cho người diễn viên sau khi cống hiến nghệ thuật, đặc cách nâng lương cho những diễn viên trẻ tài năng, nâng cao chế độ phụ cấp nghề, bồi dưỡng luyện tập đặc thù cho ngành nghệ thuật biểu diễn vốn phải tập luyện nặng nhọc, có chế độ đối với những căn bệnh nghề nghiệp của người nghệ sĩ...


Thực tế cho thấy, hoạt động sân khấu (đặc biệt là sân khấu truyền thống) ngày càng bị các loại hình phương tiện nghe nhìn khác lấn át, cuộc sống của người nghệ sĩ thuộc lĩnh vực này gặp không ít khó khăn. Đã có rất nhiều nghệ sĩ tên tuổi đã không thể theo đuổi nghề chỉ vì đồng lương không đủ sống. Nhiều nghệ sĩ vì quá yêu nghề mà đắm đuối theo, đã chọn giải pháp “bóc ngắn nuôi dài” để sống chết với nghề. Nghệ sĩ chèo gạo cội Xuân Hanh (Nhà hát Chèo Hà Nội) tâm sự rằng, nghề hát như một cái nghiệp, đã theo mang thì khó có thể dứt tình. Ngoài công việc ở nhà hát, phải làm thêm ở ngoài như chạy các show diễn thì mới hy vọng có thêm thu nhập. Tùy theo khả năng, người có giọng thì hát phòng trà, quán bar, hát hầu đồng, người năng động hơn thì làm tổ chức biểu diễn các chương trình nghệ thuật hoặc không thì trông chờ vào sự trợ giúp từ gia đình...


Rất nhiều diễn viên của Nhà hát Tuồng Việt Nam cũng phải lao ra đường tất tả kiếm sống bằng lao động chân tay, làm xe ôm. Hơn 20 năm gắn bó với nghề, nghệ sĩ Hồng Tuyến (Nhà hát Cải lương Hà Nội) vừa được Nhà nước phong tặng Nghệ sĩ ưu tú, nhưng danh hiệu cao quý ấy cũng không đủ để anh vượt qua cái nghèo. Để bám trụ với nghề, ngoài giờ tập, giờ diễn trên sân khấu, hằng ngày anh đều đặn chạy xe ôm để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống.


Một số nghệ sĩ, hơn 20 năm bám trụ ở nhà hát, mà vẫn chưa được biên chế chính thức, vẫn hưởng lương hợp đồng. Tiền thù lao một đêm diễn của diễn viên chính thường chỉ được 50.000 đồng, kịch kim là 100.000 đồng. Nhà hát nào khấm khá, diễn viên chính được trả 200.000 đồng. Rất nhiều nghệ sĩ đã giành huy chương vàng, bạc ở các hội diễn sân khấu chuyên nghiệp, vì hoàn cảnh khó khăn, đành ngậm ngùi phá ngang chỉ vì đồng lương không đủ sống. Thực trạng đó diễn ra trong nhiều nhà hát ở thủ đô Hà Nội.


Từ những lý do nêu trên nên rất nhiều ý kiến tại hội thảo tập trung vào những bất hợp lý xung quanh việc xếp lương khởi điểm (2.06) thấp hơn mức lương khởi điểm trong bảng lương viên chức (đại học 2,34) tại các đơn vị nghệ thuật không phân biệt trình độ trung cấp, đại học. Việc nâng ngạch từ hạng III lên hạng II cho ngành NTBD không được thực hiện vì chưa có tiêu chí cụ thể, dẫn tới hầu hết những nghệ sĩ có thời gian cống hiến dài, đạt nhiều thành tích, danh hiệu vẫn ở ngạch diễn viên hạng III.


Bên cạnh đó, Quyết định 180/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề và bồi dưỡng đối với lao động biểu diễn nghệ thuật (ban hành từ ngày 9/8/2006) giờ đã quá lỗi thời. Biến động hệ số lương, giá cả trong vòng 8 năm, nhưng chế độ bồi dưỡng luyện tập biểu diễn cho nghệ sĩ vẫn giậm chân tại chỗ với 3 mức bồi dưỡng cho luyện tập từ 10.000 - 20.000 đồng/ngày, bồi dưỡng biểu diễn có 3 mức: 20.000 -50.000 đồng/ngày. Với số lương 1.150.000 đồng/tháng so với sự biến động chóng mặt của giá cả thì có thể dễ dàng nhận thấy chế độ bồi dưỡng luyện tập, biểu diễn của nghệ sĩ, diễn viên là không còn phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Đơn cử như Liên đoàn Xiếc Việt Nam, hiện có 80 diễn viên trẻ (chiếm 70% số nghệ sĩ của đơn vị) nhiều năm qua chỉ thu nhập khoảng 1,7 triệu đồng/tháng (lương cơ bản theo hệ số, phụ cấp ưu đãi nghề, bồi dưỡng luyện tập, biểu diễn), với chế độ tập luyện nặng nhọc vất vả như xiếc liệu có còn ai gắn bó với nghề?


Có lẽ xuất phát từ thực tế như vậy, mà rất nhiều nghệ sĩ sân khấu rất quan tâm đến nội dung của Nghị định 204/2004/NĐ-CP của Chính phủ về chế độ tiền lương của người hoạt động NTBD được nêu trong hội thảo. Nguyện vọng chung của giới nghệ sĩ biểu diễn là sớm được xem xét, sửa đổi cách tính lương và cách phân hạn ngạch, làm sao để mức lương cơ bản của những người hoạt động trong lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật hợp lý hơn. Có như vậy mới động viên, khích lệ được người nghệ sĩ yêu nghề, gắn bó với nghề.


Yến Nhi