09:09 17/09/2011

Nghệ sĩ Lê Thiết Cương: Curator trước hết là một nghề

Gần đây, tại một số triển lãm hội họa, nghệ thuật sắp đặt, công chúng Việt Nam khá bỡ ngỡ trước một chức danh lạ: Curator. Vậy curator là ai và làm những công việc gì? ...

Gần đây, tại một số triển lãm hội họa, nghệ thuật sắp đặt, công chúng Việt Nam khá bỡ ngỡ trước một chức danh lạ: Curator. Vậy curator là ai và làm những công việc gì? Cuộc trò chuyện với nghệ sĩ Lê Thiết Cương (ảnh) có thể khiến người ta hình dung một cách rõ ràng hơn về một nghề đang dần được công nhận và có vai trò quan trọng trong các hoạt động nghệ thuật.

Đã có người dịch từ curator sang tiếng Việt là giám tuyển. Theo ông, gọi như vậy có chính xác không?

Ban đầu, ở châu Âu, Mỹ, Nhật... curator là những người phụ trách tuyển chọn các tác phẩm nghệ thuật trưng bày trong bảo tàng. Việc này giống như một giám đốc nghệ thuật. Ở Việt Nam cũng vậy. Nhiều người gọi curator là giám tuyển, cá nhân tôi cho là không chính xác. Bởi curator có mặt ở nhiều vị trí và đóng nhiều vai trò khác nhau.

Gần đây có rất nhiều cuộc tranh luận rằng nên hay không dịch từ curator ra tiếng Việt. Riêng tôi thì cho rằng không nên dịch từ này, vì dù có dịch thế nào cũng không thể diễn đạt đầy đủ chức năng và vai trò của curator. Ví dụ, trong điện ảnh có một thuật ngữ cũng không thể dịch ra tiếng Việt được, đó là montage. Người ta thường dịch montage là dựng phim, nhưng không phải. Đó là ngôn ngữ chính của nghệ thuật thứ bảy, nó tương tự như trong hội họa là hình màu, trong âm nhạc là giai điệu.

Thực tế, ở Việt Nam curator có mặt từ rất lâu rồi, nếu không thì làm gì có các triển lãm. Chỉ có điều nó chưa được gọi tên đúng nghĩa mà thôi. Chỉ 5 năm trở lại đây, nó mới được định danh, được gọi tên dù chưa hoàn chỉnh. Tôi còn nhớ, năm 1990, có một người nước ngoài đã tự bỏ tiền để mở một triển lãm đầu tiên giới thiệu hội họa Việt Nam ở nước ngoài. Họ cần một người Việt Nam có khả năng chọn lựa để giúp cho gallery ở nước ngoài mua được những tác phẩm đúng ý. Và người họ tin tưởng là họa sĩ Nguyễn Quân. Sau đó, giới mỹ thuật đã nhận thấy vai trò, tầm quan trọng và dần công nhận nghề này.


Có vai trò quan trọng trong các hoạt động nghệ thuật, tại sao gần đây nghề này mới bắt đầu được công nhận?

Trước đây, curator tồn tại dưới hình thức tập thể. Hồi 1980, triển lãm mỹ thuật toàn quốc có curator tập thể là hội đồng nghệ thuật của Hội Mỹ thuật Việt Nam. Những người này đi từ Bắc chí Nam, lựa chọn những tác phẩm xuất sắc của từng khu vực rồi mang về Hà Nội trưng bày trong triển lãm.
Thế nhưng điểm yếu của cơ chế curator này ngày một rõ khi không ai chịu trách nhiệm. Vì thế triển lãm mỹ thuật toàn quốc 2010 có mặt cả tranh rởm, tranh ăn cắp ý tưởng. Và không có ai chịu trách nhiệm cả. Nói thế để thấy, curator phải là người chịu trách nhiệm từ đầu đến cuối của một cuộc triển lãm.

Mới đây, Trường ĐH Mỹ thuật Hà Nội đã đưa môn curator vào chương trình giảng dạy. Dẫu chưa có quy mô như một khoa nhưng đã chứng tỏ nhu cầu đời sống mỹ thuật Việt Nam là có thật.

Thưa ông, curator làm công việc kết nối, vậy họ kết nối những gì?

Curator là người kết nối rất nhiều công việc. Đầu tiên là nghĩ ra ý tưởng, tiếp theo, curator tìm nghệ sĩ phù hợp với ý tưởng của mình. Mỗi nghệ sĩ có phong cách sáng tác riêng. Và trong những sáng tác của họ, curator phải tìm được những tác phẩm có cùng ý tưởng. Đó là kết nối các nghệ sĩ với nhau.
Còn có một kết nối nữa không thể xem nhẹ. Đó là kết nối sự kiện nghệ thuật với báo chí, từ đó tiến gần đến công chúng. Vấn đề là curator phải biết trao niềm tin đúng phóng viên am hiểu. Việc này không thể nhờ công ty tổ chức sự kiện được bởi nó dính dáng đến chuyên môn sâu.

Kết nối cực kỳ quan trọng và khó khăn, đó là kết nối với các nhà tài trợ, các thương hiệu để có tiền làm triển lãm. Để làm được, curator phải có những quan hệ tốt, có uy tín trong xã hội. Không phải ai cũng thuyết phục được người ta bỏ tiền cho các hoạt động.

Xin ông cho biết một ví dụ về công việc của curator?

Cách đây khoảng 1 năm, Công ty Davines gặp tôi và cho biết ý tưởng của hoạt động nghệ thuật thường niên năm 2011 là “Cân bằng”. Họ cho tôi xem bức ảnh một vũ công ba lê đứng trên 5 đầu ngón chân, và họ giải thích cô này đứng được là do cô ấy có sự cân bằng. Và ý tưởng của họ là sự cân bằng. Cân bằng giữa lợi nhuận của công ty với lợi ích của khách hàng nơi thị trường mà mình đầu tư, cân bằng giữa kinh tế và giá trị nghệ thuật.

Từ ý tưởng ấy, tôi đưa ra một khái niệm của sự cân bằng đích thực giữa bối cảnh đa chiều giữa các giá trị văn hóa và giá trị thương mại, giữa sự cạnh tranh của nông thôn và thành thị. Và tôi chọn chủ đề làng ở nông thôn miền Bắc xuyên suốt triển lãm. Tôi nghĩ đến nhiếp ảnh gia Ngọc Thái, nghĩ đến họa sĩ Đào Hải Phong. Tôi đã đến tận nhà lựa chọn của mỗi người 15 tác phẩm phù hợp ý tưởng cân bằng. Có những bức ảnh tôi thấy phù hợp nhưng anh Thái lại không thích, thế là đem sự hiểu biết về nhiếp ảnh ra phân tích, thuyết phục bằng được.

Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Cúc(thực hiện)