05:09 06/05/2014

Nghệ nhân Huế 3 lần lập kỷ lục thêu tay Việt Nam

Nghệ nhân thêu xứ Huế Lê Văn Kinh vừa xác lập Kỷ lục Việt Nam lần thứ ba với bức thêu thơ Hồ Chủ Tịch bằng chỉ tơ tằm với các bài thơ "Tẩu lộ" và "Hoàng hôn", trong tập "Nhật ký trong tù" với các bài thơ "Tẩu lộ" và "Hoàng hôn", trong tập "Nhật ký trong tù".

Nghệ nhân thêu xứ Huế Lê Văn Kinh vừa xác lập Kỷ lục Việt Nam lần thứ ba với bức thêu thơ Hồ Chủ Tịch bằng chỉ tơ tằm. Đây là tác phẩm thêu các bài thơ "Tẩu lộ" và "Hoàng hôn", trong tập "Nhật ký trong tù" của Chủ tịch Hồ Chí Minh, qua bản dịch của Nam Trân. Tác phẩm ra đời xuất phát từ lòng cảm phục Bác Hồ bởi chất nhân văn, tính trữ tình cách mạng, sự lạc quan ngời sáng tỏa ra từ cái kết của tứ thơ - nghệ nhân Lê Văn Kinh thổ lộ.

Trước đó, trong các năm 2011 và 2013, hai di sản thêu khác của nghệ nhân Lê Văn Kinh gồm hàng chục bản thêu bài thơ "Cáo tật thị chúng" của Mãn Giác Thiền sư bằng 24 thứ tiếng; và bộ Tâm kinh Bát Nhã Ba La Mật cũng đã xác lập Kỷ lục Việt Nam.

Riêng bộ tranh thêu bài thơ "Cáo tật thị chúng" của Mãn Giác Thiền sư, bằng nhiều thứ tiếng nhất (14 thứ tiếng), như: Anh, Pháp, Đức, Nga, Italy, Đan Mạch, Tây Ban Nha, Nhật Bản, Trung Quốc, Lào, Campuchia, Thái Lan và các quốc gia Phật giáo khác trên thế giới; mỗi bức được ông thêu một nét chữ, màu chỉ khác nhau.

Nghệ nhân Lê Văn Kinh bên những bức tranh thêu tay của mình.


Lần này, nghệ nhân Lê Văn Kinh chọn "Tẩu lộ" và "Hoàng hôn" là hai trong số 133 bài thơ trong tập "Nhật ký trong tù" của Chủ tịch Hồ Chí Minh được Bác Hồ sáng tác trong hoàn cảnh ngặt nghèo, khi bị giải từ nhà lao này sang nhà lao khác, nhưng từ sự gian khổ ấy, lại bật lên những tứ thơ giàu triết lý, giản dị và rung động. Trên nền gấm thất thể (được tạo nên bởi 7 màu chỉ), bản dịch tiếng Việt bài thơ Tẩu lộ (Đi đường) của Chủ tịch Hồ Chí Minh được cụ thể hiện tinh tế bằng chỉ tơ tằm đỏ chuyển từ đậm sang nhạt; riêng bản chữ Hán lại được thêu trên nền tơ đỏ dệt kim tuyến, nguyên liệu đều mua ở Thượng Hải, Trung Quốc.

Đối với bản dịch bài thơ Hoàng hôn, nghệ nhân Lê Văn Kinh thể hiện cũng bằng chỉ tơ tằm chuyển từ xanh nhạt đến xanh đậm trên nền gấm vàng, tạo vẻ đẹp trang nhã, uyển chuyển. Đặc biệt, nguyên tác bài thơ lại được nghệ nhân chọn chất liệu chỉ kim tuyến, trên nền tơ tằm đen của làng lụa Vạn Phúc, tạo sự uyển chuyển, sống động, như thể cái hồn của bài thơ lay động qua từng đường kim, mũi chỉ.

Ông Lê Văn Kinh được phong nghệ nhân dân gian vào tháng 4/2003. Ở ông, là sự tiếp nối truyền thống khi sinh ra trong một gia đình có ông nội và cụ thân sinh làm nghề thêu, từng nhận thêu hoàng bào cho nhà vua dưới thời Khải Định, Bảo Đại. Từ nhỏ, ông đã thừa hưởng được tất cả sự khéo léo của đường kim, mũi chỉ từ bàn tay tài hoa của những người thợ trong gia đình; đồng thời, luôn biết tìm tòi, phát huy truyền thống để vượt lên tất cả và nổi tiếng nhất ở Huế hiện nay. Vì thế, từ bấy đến nay, hàng loạt bức tranh về những thắng cảnh của Huế như cảnh sông Hương, núi Ngự, chùa Thiên Mụ của nghệ nhân thêu Lê Văn Kinh luôn hấp dẫn, thu hút mọi người, nhất là đối với những người ở xa quê hương.

Bức tranh thêu "Tẩu lộ".


Dịp Festival Huế vừa qua, nghệ nhân Lê Văn Kinh có các bức tranh thêu nổi tiếng "Quốc hoa" và "Vinh quy bái tổ" giới thiệu đến công chúng và những người yêu tranh thêu xứ Huế. Đối với bức thêu tay "Quốc hoa", ông đã thể hiện nên một tác phẩm hoa sen hoàn chỉnh, có đầy đủ cây, lá, nụ hoa, đài hoa, nhụy hoa; hội tụ đầy đủ các công thức trong nghệ thuật thêu xứ Huế như đâm xô, lướt vặn, chăn chặn, bó bạt, sa hạt, nội đầu...Với tài hoa và kỹ thuật thêu bậc cao, ông tạo nên một bức tranh thêu sinh động, chân thực về hoa sen... kể cả tinh thần cốt cách của loài hoa đẹp thanh cao và quyến rũ.

Với bức tranh thêu "Vinh quy bái tổ" lần này ông nghiên cứu rất kỹ từ nhiều tư liệu để có một tác phẩm thể hiện tinh thần cốt cách hoàn chỉnh hơn, chân thực hơn chủ đề. Đó là sự thể hiện các chi tiết phối màu sắc của võng, kiệu; hay đường viền hỏa diệm quanh lá cờ ngũ sắc; bảng vinh quy được sơn son thếp vàng; ngựa chọn chỉ thêu màu xám, áo quan màu xanh; hay trên chiếc võng điều người thiếu nữ để tóc đuôi gà, ngồi cầm quạt che dáng ngọc; lính tháp tùng đoàn rước đi chân trần trên đường đất gập ghềnh…làm sống động thêm cảnh vinh quy bái tổ của các Quan Trạng ngày xưa.

Nghệ nhân Lê Văn Kinh hiện là chủ cửa hiệu thêu Đức Thành ở 82 Phan Đăng Lưu, thành phố Huế. Ông tâm niệm, sống ở đời cần một chữ "Đức" vì vậy mới có tên cửa hiệu như bây giờ. Từ năm 1958 - 1975, ông vừa làm thợ vừa quản lý hiệu thêu Đức Thành. Sau năm 1975, ông tham gia vào ngành công thương nghiệp của tỉnh Bình Trị Thiên (cũ) và được cử làm tổ trưởng tổ thêu xuất khẩu, sau đó làm chủ nhiệm hợp tác xã thêu gia công xuất khẩu Phú Hòa, thành phố Huế. Ông chính cũng là người góp công đào tạo hơn 10 vạn thợ cho nghề thêu lúc bấy giờ; trong số đó, nay có nhiều người thợ thêu đang thành danh ở thành phố Huế và các địa phương lân cận.

 
Quốc Việt