06:12 20/06/2012

Nghề báo và… nhà báo

Víết báo là một nghề, nói theo đúng từ mà mọi người vẫn thường nói là “Nhà báo được ký tên và chịu trách nhiệm đối với sản phẩm của mình”. Với người làm nghề viết báo, tùy môi trường, tùy tài năng mà có người sống thong thả, có người sống khó khăn.

Víết báo là một nghề, nói theo đúng từ mà mọi người vẫn thường nói là “Nhà báo được ký tên và chịu trách nhiệm đối với sản phẩm của mình”. Với người làm nghề viết báo, tùy môi trường, tùy tài năng mà có người sống thong thả, có người sống khó khăn. Sống thong thả bởi chất lượng bài viết được các tòa soạn đánh giá cao, có một lượng độc giả quan tâm thực sự đến những gì mình đưa ra. Những người sống không thong thả thì giống như một “máy viết”. Làm tin, viết bài cho đủ chỉ tiêu được giao, còn nếu làm báo tự do thì lại mắc bệnh “xào nấu“ tư liệu, mục đích viết là viết những thứ “lấp vào chỗ trống trang báo” như chuyện hôn nhân gia đình, đất nước mến yêu, bạn đọc viết… Sự bùng nổ của báo chí, từ báo viết cho tới báo điện tử mỗi ngày đều cần những thông tin mới khiến cho nghề báo càng có nhiều mảnh đất để… dung thân.

 

Các phóng viên đang tác nghiệp.


Bên cạnh các phóng viên có sẵn của tòa soạn, các báo đều luôn có một đội ngũ cộng tác viên (CTV) nhằm cung cấp thông tin kịp thời ngay chính nơi họ đang sinh sống, mà phóng viên không có điều kiện đến được. Các nhà báo làm việc cho một tờ báo có ăn lương tất nhiên đều được gọi là nhà báo, đơn giản là có thể đường đường chính chính đi làm việc với danh xưng “nhà báo” để viết bài cho tờ báo của mình. Các báo khi tuyển phóng viên mới vẫn có khuynh hướng chọn những người trẻ tuổi. Vì thế, đội ngũ các nhà báo trẻ càng ngày càng nhiều. Các nhà báo trẻ có ưu thế là được đào tạo chính quy, có sức khỏe và có thể đi xa, đi đâu cũng được. Trong đó có hai thành phần hẳn hoi: Thành phần thứ nhất vì yêu nghề mà làm báo, thành phần thứ hai thì coi nghề báo như là một phương tiện kiếm sống. Với các nhà báo ở dạng thứ nhất, độc giả dễ phát hiện ra họ dù trong các trang báo có hằng hà sa số các bài viết, báo ngày hôm nay đầy các thông tin lấn át ngay các thông tin của hôm qua. Với những nhà báo trẻ yêu nghề, thì họ luôn là những người coi nghề báo như là nghiệp, như hơi thở của mình, chữ nghề báo có khi gắn liền cả cuộc đời người viết. Loại thứ hai là những người nhờ điều kiện ắt có và đủ (tốt nghiệp đại học, viết được, có tuổi trẻ theo quy định là dưới 35 tuổi, lọt qua thi tuyển hoặc nhờ công tác lâu ngày nên được nhận làm phóng viên khu vực) được một tòa soạn báo ký hợp đồng làm việc. Ngay tức khắc anh quên mất rằng khi mọi người (các đơn vị, doanh nghiệp, người dân) đến liên hệ, vì uy tín… tờ báo anh đang làm việc – anh lại ngộ nhận cứ tưởng mình là một nhà báo lớn. Sự ngộ nhận này hiện đang là cơn bệnh. Rồi vì sự ngộ nhận kia, lạm dụng chức năng nhà báo, vì động cơ không trong sáng – viết thì ít mà “tán” thì nhiều, cho ra đời những bài báo giống như... gà đẻ. Thậm chí, do trong nghề có quan hệ với các cơ quan chức năng, đã thông qua đó để… giải quyết những chuyện chẳng liên quan gì đến cây bút. Những người này rất tiếc vẫn đang tồn tại trong làng báo, có thể gọi họ là đang làm... báo


So với các nhà báo có “địa chỉ tòa soạn” như trên, nhiều CTV vì lý do này hay lý do khác vẫn đứng riêng trên con đường làm nghề – rất nhiều nhà báo giỏi, uy tín (ở đây loại bỏ những người loanh quanh chạy đưa tin… linh tinh). So với các nhà báo có lương, các CTV chỉ trông chờ vào nhuận bút, với họ nghề báo là cả tâm huyết. Lợi thế của CTV là có thể “bán sản phẩm“ của mình cho bất cứ tờ báo nào mình thương mến và đối xử tốt với mình.


Trên đây chỉ là cách phân tích về nhà báo, nghề báo trong một không gian nhỏ. Bởi nếu nhìn vào cuộc sống thì người làm báo cũng như tất cả những ngành nghề khác - đó là sự phân công của xã hội. Bên cạnh việc sống bằng ngòi bút, nhà báo còn phải là một người có đạo đức tốt, có tính khiêm nhường và biết giấu mình.

Khuê Việt Trường