06:13 14/06/2011

Nghệ An cần đồng hành cùng doanh nghiệp để đưa hàng Việt về nông thôn

Ở Nghệ An, rất ít doanh nghiệp tham gia đưa hàng Việt Nam đến tay người tiêu dùng. “Trên địa bàn tỉnh hiện có gần 8.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa, tuy nhiên khoảng 70% trong tổng số doanh nghiệp của tỉnh không mặn mà với cuộc vận động này, có chăng làm vẫn chỉ là hình thức”...

Ở Nghệ An, rất ít doanh nghiệp tham gia đưa hàng Việt Nam đến tay người tiêu dùng. “Trên địa bàn tỉnh hiện có gần 8.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa, tuy nhiên khoảng 70% trong tổng số doanh nghiệp của tỉnh không mặn mà với cuộc vận động này, có chăng làm vẫn chỉ là hình thức”, một đại diện của Sở Công Thương cho hay.

Nguyên nhân khiến phần đông các doanh nghiệp ở Nghệ An không hăng hái tham gia là họ không được địa phương có động thái gì để hỗ trợ chi phí vận chuyển, xăng xe, hỗ trợ về lãi suất. Bên cạnh đó, hội chợ “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” chính là cầu nối để các doanh nghiệp đưa hàng về với người tiêu dùng nông thôn, nhưng lâu nay, hội chợ ở Nghệ An chưa đạt được yêu cầu đề ra. Hội chợ không mang tính quảng bá mà chỉ tập trung bán hàng và đáng nói là hàng hóa được trưng bày bán lại chủ yếu là hàng tồn đọng. Năm 2010 và 6 tháng năm 2011, tỉnh Nghệ An tổ chức được gần 20 hội chợ, nhưng chỉ tập trung tại các trung tâm huyện, thị xã, thị tứ, chưa có một hội chợ nào đưa được hàng về tận vùng sâu, vùng xa.

Thiết nghĩ, để cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thực sự có hiệu quả, tỉnh Nghệ An cần có những hỗ trợ cụ thể cho doanh nghiệp như hỗ trợ kinh phí vận chuyển, lãi suất tiền vay. Doanh nghiệp cần nghiên cứu thị trường nông thôn, tìm nguồn hàng thích ứng với nhu cầu, tập quán tiêu dùng của người dân nông thôn, đồng thời phải nâng cao chất lượng, đa dạng mẫu mã sản phẩm, xây dựng giá thành phù hợp. Tỉnh cần tổ chức nhiều hội chợ ở nông thôn để doanh nghiệp có điều kiện quảng bá sản phẩm. Đối với các doanh nghiệp thực hiện công tác cung ứng hàng về nông thôn, vùng sâu, vùng xa, Nhà nước nên xem xét để có chính sách trợ cước, trợ giá, có như thế các mặt hàng nội ở trung tâm và vùng sâu, vùng xa gần như ngang bằng nhau. Lực lượng quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát hàng quá đát, hàng kém chất lượng lưu thông tại thị trường nông thôn. Điều đặc biệt, Ban chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của tỉnh cần tăng cường xuống cơ sở, nắm bắt thông tin về doanh nghiệp và đồng hành cùng doanh nghiệp thực hiện cuộc vận động.

Bích Huệ