06:10 04/06/2011

Ngày thứ hai kỳ thi tốt nghiệp THPT 2011: Thí sinh thở phào với hai môn “vừa sức”

Ngày 3/6, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2011 tiếp tục với hai môn thi: Địa lý và Sinh họcTheo báo cáo nhanh từ các sở Giáo dục và Đào tạo và Cục Nhà trườngtỷ lệ thí sinh đến dự thi so với số đăng ký dự thi duy trì ở mức khá cao là: 99,66%.

Ngày 3/6, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2011 tiếp tục với hai môn thi: Địa lý (tự luận, 90 phút) và Sinh học (trắc nghiệm, 60 phút). Theo báo cáo nhanh từ các sở Giáo dục và Đào tạo (GD - ĐT) và Cục Nhà trường (Bộ Quốc phòng), tỷ lệ thí sinh đến dự thi so với số đăng ký dự thi duy trì ở mức khá cao là: 99,66%. Kỷ luật trường thi được giữ vững, đề thi được nhiều giáo viên đánh giá bám sát chương trình cơ bản.

Đề thi Địa lý "dễ thở"

15 giờ 30 phút hôm qua, sau hai môn thi với thời lượng ngắn, nhiều thí sinh đã hồ hởi khi ra khỏi phòng thi tốt nghiệp THPT, kết thúc ngày thi thứ 2. Sáng qua, theo phản ánh của số đông học sinh, đề thi địa năm nay không khó, cũng không quá dài nên một số em cảm thấy đây là môn thi nhẹ nhàng nhất trong 2 ngày thi.

Nhiều thí sinh có học lực trung bình tại Hội đồng thi Trường THPT Lý Thường Kiệt (Hà Nội) cho rằng đề Địa lý năm nay được ra theo hướng “mở”, "dễ thở" nhưng hơi dài. Nhiều em sau khi làm phần chung (3 câu) vẫn chưa đủ thời gian làm phần riêng (1 câu).

Niềm vui làm được bài của thí sinh sau khi thi xong môn Sinh học tại Hội đồng thi Trường THPT Việt Đức (Hà Nội). Ảnh: Quý Trung - TTXVN


Em Phạm Xuân Tuấn, học sinh Trường THPT Trần Hưng Đạo (Thanh Xuân - Hà Nội) nhận xét: “Các câu hỏi trong đề thi môn Địa lý đều nằm trong chương trình chuẩn kiến thức, không quá khó nhưng hơi dài. Em làm gần hết các câu, chỉ còn câu I, phần 2.b vì hết thời gian và chưa ôn tập kỹ. Với các câu hỏi trong đề thi này, các bạn trong phòng của em làm được gần hết. Phần riêng tự chọn em làm câu IV.b theo chương trình nâng cao. Câu hỏi này, thí sinh chỉ cần ôn tập phần kinh tế 7 vùng sẽ làm được. Tại câu III, phần 2 yêu cầu trình bày thế mạnh về tự nhiên và hiện trạng phát triển cây chè của trung du và miền núi Bắc bộ, các bạn ôn tập kỹ phần kinh tế 7 vùng cũng sẽ làm tốt. Nếu cần thì thêm dẫn chứng là những kiến thức tích cóp được từ bên ngoài bài học để cho vào câu này và câu IV.b”.

Theo báo cáo nhanh của Bộ GD-ĐT, sau hai buổi thi, số thí sinh bỏ thi là 3.740 (THPT: 1.674, GDTX: 2.066), chiếm 0,36%. Số chậm không được dự thi: 30; số bị tai nạn giao thông: 80; số bị ốm không thể dự thi: 965.

Nhận xét chung của nhiều thí sinh, câu III (3 điểm) gần như là câu cho điểm vì chỉ cần nhìn vào Atlat, thí sinh có thể diễn giải được. Cô Nguyễn Thị Nga, giáo viên dạy Địa lý Trường THPT chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội nhận xét, đề Địa lý năm nay có phần dễ hơn năm ngoái. Các câu hỏi trong đề bài bao quát được kiến thức trong sách giáo khoa, không quá khó và không có câu nào đánh đố với học sinh. Mỗi câu trong đề thi đều phản ánh được đầy đủ các dạng bài và yêu cầu học sinh thể hiện được các kỹ năng của môn Địa lý như tính toán, vẽ biểu đồ, đọc Atlát, phân tích, học thuộc bài. Học sinh chỉ cần nắm được kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa là có thể đạt từ điểm khá trở lên. Em nào ôn kỹ các kỹ năng là có thể đạt điểm giỏi. Với đề thi này, học sinh trung bình có ý thức học tập có thể đạt điểm 7 trở lên.

Một số giáo viên cũng nhận xét đề thi Địa lý không có sai sót, những phần câu hỏi đều là những phần mà các thầy cô đã cho các em ôn tập rất kỹ trong cả 3 năm học. Tuy nhiên, để đạt điểm 8 - 9, học sinh không chỉ phải nắm vững kiến thức trong chương trình mà còn phải vận dụng kiến thức xã hội, chẳng hạn như “Cho biết tại sao trong quá trình phát triển kinh tế ở Đông Nam bộ phải chú ý đến việc bảo vệ môi trường"... Tuy nhiên, có một lỗi rất đáng tiếc mà nhiều thí sinh khi ra khỏi phòng thi mới phát hiện là việc quên không sử dụng bút mực để tô lại phần vẽ biểu đồ của mình.

Trong đề thi Địa lý, câu hỏi được nhiều thí sinh thấy "khó nhằn" nhất là câu 1 và câu 4 do đây là câu hỏi kiểm tra kiến thức, nhiều thí sinh thi các khối kỹ thuật khá vất vả với phần câu hỏi này.

Đề thi Sinh học: Nhẹ nhàng

Đề thi môn Sinh được nhiều thí sinh đánh giá là nhẹ nhàng. Không ít thí sinh tại Hội đồng thi Trường THPT Nguyễn Gia Thiều (Long Biên) cho biết mình hoàn thành bài thi khi chưa hết thời gian. Dù không chắc chắn làm đúng toàn bộ bài thi, nhưng nhiều em khẳng định mình có thể đạt 70 - 80% câu trả lời đúng.

Trao đổi với Tin Tức về đề thi Sinh học năm nay, thầy giáo Nguyễn Thành Công, giáo viên môn Sinh học, THPT chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội nhận xét: “Đề thi năm nay ra cơ bản hơn so với đề thi các năm trước. Nội dung bám sát chương trình sách giáo khoa cơ bản, tạo cơ hội cho các em học sinh chăm chỉ ôn tập kiến thức trước khi thi, đồng thời tạo ra sự công bằng cho tất cả các học sinh ở thành thị và ở nông thôn. Về mức độ điểm, qua nội dung đề, đối chiếu với các em học sinh học lực trung bình, trung bình khá, các em có thể đạt được điểm 6 hoặc 7 (đỉnh của phân phối sẽ ở mức này). Tuy nhiên, không vì thế mà đề không có tính chọn lọc, bên cạnh các câu hỏi cơ bản dành cho tất cả các học sinh, còn các câu hỏi mang tính ứng dụng đòi hỏi học sinh phải hiểu được bản chất và cơ chế của quá trình như quá trình nguyên phân, quá trình giảm phân, quá trình tái bản ADN, phiên mã và dịch mã, hay định luật Hardy - Weinber thì mới làm được trọn vẹn. Tôi nghĩ, với đề này, nhiều học sinh giỏi có thể đạt được điểm 10 tuyệt đối nếu đã có kiến thức nền tảng, kết hợp với tính cẩn thận”.

Phát hiện một trường hợp thi hộ

Ông Bùi Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD - ĐT cho biết, ngày 3/6, Bộ đã tiếp nhận thông tin về trường hợp thi hộ ở buổi thi thứ nhất (môn Văn, sáng 2/6) tại Hội đồng thi Trung tâm Hướng nghiệp và Giáo dục thường xuyên Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh.
Ông Cầm Thanh Hải, Trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Sở GD - ĐT Quảng Ninh cho hay, ở buổi thi môn Văn (sáng 2/6) sau khi đối chiếu danh sách thí sinh trong phòng thi (họ tên, ảnh, ngày, tháng, năm sinh...) với ảnh thẻ dự thi của thí sinh, giám thị phát hiện có độ vênh giữa các thông số niêm yết với người thực dự thi. Ngay lập tức hội đồng thi đã lập biên bản thí sinh này và cách ly thí sinh trong phòng riêng để phối hợp với công an xác minh. Thí sinh nhờ thi hộ học chương trình giáo dục thường xuyên tự học có hướng dẫn, thí sinh này đã nhờ cháu đi thi hộ. Kết thúc kỳ thi tốt nghiệp, Ban chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT tỉnh sẽ trực tiếp xuống Hội đồng thi Trung tâm Hướng nghiệp và Giáo dục thường xuyên Đông Triều để tiếp nhận biên bản, tiến hành xử lý thí sinh thi hộ và thí sinh nhờ thi hộ. 

Hồng Lê


Lê Vân-TTN