05:17 01/05/2012

Ngày Quốc tế Lao động - ngày biểu tình đòi tăng lương

Các công đoàn và đảng phái khắp châu Á, châu Âu ngày 1/5 đã rầm rộ tổ chức các cuộc biểu tình với thông điệp chung là đòi tăng lương, cải thiện điều kiện làm việc, phản đối chính sách của chính phủ trong điều kiện phí sinh hoạt tăng vọt ở nhiều quốc gia.

Người lao động châu Á đòi tăng lương

Các công đoàn và đảng phái khắp châu Á ngày 1/5 đã rầm rộ tổ chức các cuộc biểu tình với thông điệp chung là đòi tăng lương, cải thiện điều kiện làm việc, phản đối chính sách của chính phủ trong điều kiện phí sinh hoạt tăng vọt ở nhiều quốc gia.


Công nhân Malaixia biểu tình ở Cuala Lămpơ ngày 1/5 đòi luật về lương tối thiểu. Ảnh: Internet


Nhằm phản đối mức lương tối thiểu cho người lao động trong các khu vực tư nhân là 800 RM và 900 RM/tháng (tương đương 5,6 triệu và 6,3 triệu VND)được Thủ tướng Malaysia Najib Tun Razak công bố đêm 30/4, các thành viên trong Liên đoàn nhân viên ngân hàng quốc gia Malaixia(NUBE) đã tổ chức một cuộc biểu tình tại Cuala Lămpơ nhân ngày Quốc tế Lao động.

Những người biểu tình mặc áo phông màu đỏ, tập trung bên cạnh Central Market vào khoảng 10 giờ sáng sau đó tuần hành qua các phố và cuối cùng tụ tập phía trước tòa tháp của Ngân hàng Maybank giương các biểu ngữ và áp phích đòi tăng lương tối thiểu. Cuộc biểu tình của NUBE được sự giám sát chặt chẽ của cảnh sát nhằm đề phòng những hành động quá.

Trong khi đó, tại Inđônêxia, hơn 9.000 công nhân đã tổ chức một cuộc biểu tình tăng lương và đảm bảo ổn định việc làm. Họ đã tập trung tại khu vực bùng binh chính ở thủ đô Giacácta. Khoảng 16.000 cảnh sát và binh lính đã được triển khai để bảo vệ cuộc biểu tình.

Lãnh đạo biểu tình Muhamad Rusdi phát biểu với phóng viên hãng AFP: "Chi phí sinh hoạt tăng cao trong khi lương của chúng tôi không thay đổi. Chúng tôi chỉ kiếm đủ ăn, không còn tiền tiết kiệm, không còn tiền cho việc học hành của con cái. Trong khi đó việc làm không ổn định. Chúng tôi luôn sống trong cảnh sợ mất việc".

Tại Hồng Công (Trung Quốc), 5.000 công nhân, người giúp việc gia đình và các nhà hoạt động đã tổ chức biểu tình tại khu vực trung tâm, hô hào các khẩu hiệu, yêu cầu đối với chính quyền. Giáo sư đại học Fernando Cheung nhận định: "Vấn đề của Hồng Công là của cải tập trung vào một số ít người trong khi nhiều người vẫn sống trong nghèo đói. Đó là lý do tại sao Hồng Công có khoảng cách thu nhập giữa người giàu, người nghèo thuộc hàng cao nhất thế giới. Chúng ta cần cấp thiết phân phối lại của cải".

1.000 công nhân Đài Loan (Trung Quốc) ngày 1/5 cũng xuống đường ở Đài Bắc để lên án nạn bóc lột tại nơi làm việc.

Khoảng 3.000 công nhân và các nhà hoạt động ở thủ đô Manila (Philíppin) đã tuần hành tới dinh tổng thống, giương cao biểu ngữ đòi tăng lương và đấu tranh vì chủ nghĩa xã hội.

Biểu tình phản đối Phố Wall

Giao thông tại nhiều thành phố lớn ở Mỹ bị gián đoạn trong ngày 1/5 do các cuộc tuần hành của các tổ chức công đoàn, nhà hoạt động và thành viên phong trào Chiếm đóng (Occupy), trong đó nổi bật nhất là cuộc biểu tình của phong trào Chiếm đóng phản đối các ông trùm tài chính Phố Wall.

Giao thông tàu phà ở khu vực Bay Area tại San Francisco bị gián đoạn trong ngày 1/5. Ảnh: Internet


Công nhân làm việc tại tuyến phà qua cầu Cổng vàng ở San Francisco cho biết họ sẽ đóng cửa dịch vụ phà. Các công nhân ở đây phải làm việc không có hợp đồng từ tháng 7/2011 và đã thương lượng về hợp đồng làm việc suốt một năm qua.

Ở Oakland, các cảnh sát đã chuẩn bị sẵn sàng trong khi hàng trăm tấm biển "Tổng đình công" đã mọc lên khắp thành phố. Tại New York, các nhà tổ chức biểu tình kêu gọi chặn các cây cầu và đường hầm nối khu vực Manhattan với bang New Jersey và các khu vực khác ở New York.

Trong khi đó, phong trào Chiếm đóng ở Seattle đã kêu gọi biểu tình ở công viên tại trung tâm thành phố. Thị trưởng thành phố đã cảnh báo về tắc nghẽn giao thông trong ngày 1/5.

Phong trào Chiếm đóng ở Los Angeles cũng tổ chức hoạt động tương tự.

Nga tưng bừng kỷ niệm ngày 1/5

Trong khi đó, hàng triệu người dân Nga đã tưng bừng kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1/5 với các cuộc tuần hành, vui chơi giải trí, thi đấu thể thao cùng nhiều hoạt động sôi nổi khác.

Người dân Nga hồ hởi mang biểu ngữ và bóng bay trong cuộc diễu hành ngày 1/5 ở Mátxcơva. Ảnh: Internet


Phóng viên TTXVN tại LB Nga cho biết, sáng 1/5, Liên hiệp các công đoàn độc lập Nga (FNPR) đã phối hợp với chính đảng cầm quyền Nước Nga Thống nhất và các phong trào Đội cận vệ trẻ, Nasi... tổ chức cuộc tuần hành qua các phố trung tâm thủ đô Mátxcơva với sự tham gia của Tổng thống Nga Dmitry Medvedev và khoảng 100.000 người khác. Đoàn người tay cầm hoa và bóng bay, giương cao quốc kỳ Nga cùng các khẩu hiệu "Hòa bình, Lao động, Tháng 5" và bảo vệ quyền lợi của người lao động. Chủ tịch FNPR Mikhail Shmakov cho biết, hơn 2 triệu người lao động Nga đã tham gia các cuộc diễu hành và míttinh kỷ niệm ngày 1/5 do FNPR tổ chức tại các tỉnh, thành và địa phương khác ở Nga.

Trong khi đó, hàng chục nghìn người dân Mátxcơva cũng đã tham gia cuộc tuần hành do Đảng Cộng sản LB Nga (KPRF) tổ chức. Trong ngày 1/5, chính quyền Mátxcơva quyết định cho phép mọi người dân tham quan miễn phí các bảo tàng trong thành phố và tổ chức chiếu phim miễn phí tại các địa điểm công cộng. Ban quản lý sân vận động Luzhniki đã tổ chức "Ngày mở cửa cho các gia đình" với các hoạt động thi đấu thể thao và vui chơi giải trí với sự tham gia của hàng nghìn thành viên các gia đình Nga.

Tại cố đô Sanit-Peterburg, khoảng 55.000 người đã đổ ra đại lộ Neva để tham gia các hoạt động kỷ niệm Ngày hội mùa Xuân và Lao động 1/5.

Tại Mônđôva, trên quảng trường chính ở thủ đô Kisinhiốp, Liên minh công đoàn quốc gia dự kiến tiến hành một cuộc tuần hành với khẩu hiệu "Hoà bình! Lao động!Tháng 5", trong khi Đảng Cộng sản Mônđôva cũng dự định tổ chức tuần hành yêu cầu giải tán quốc hội và tổ chức bầu cử trước thời hạn.

Ngày 1/5 nhuốm màu chính trị tại Pháp

Tại Pháp, ngày Quốc tế Lao động 1/5 rơi vào đúng thời điểm giữa hai vòng bầu cử tổng thống. Nếu như năm 2002, các cuộc tuần hành biến thành một cuộc tập hợp khổng lồ chống lại ứng cử viên cực hữu Jean-Marie Le Pen thì năm nay, các hoạt động kỷ niệm cũng thấp thoáng màu sắc chính trị trước bầu cử.

Ngày 1/5 tại Pháp năm nay nhuốm màu chính trị do sắp diễn ra cuộc bầu cử tổng thống vòng hai. Ảnh: Internet


Chiều 1/5, ứng cử viên – đương kim Tổng thống Nicolas Sarkozy sẽ tổ chức một cuộc tập hợp riêng về vấn đề lao động, trong khi đó ứng cử viên Le Pen cũng sẽ có mặt tại một sự kiện quần chúng do Mặt trận Quốc gia tổ chức. Tuy không hòa cùng dòng người đổ xuống các đường phố do các nghiệp đoàn tổ chức, nhưng ứng cử viên François Hollandecũng sẽ có mặt tại một cuộc míttinh tưởng nhớ Pierre Bérégovoy, cựu thủ tướng của đảng Xã hội đã tự sát vào ngày 1/5/1993.

Năm nay, các tổ chức nghiệp đoàn Pháp dự kiến tổ chức gần 300 cuộc tuần hành trong cả nước. Nhiều lãnh đạo của đảng Xã hội như Martine Aubry và Ségolène, Chủ tịch Mặt trận Cánh tả (FG) Jean-Luc Mélenchon cũng góp mặt tại các cuộc tuần hành do các nghiệp đoàn tổ chức tại thủ đô Pari.


Thùy Dương - Nhóm p/v TTXVN tại nước ngoài