11:08 20/11/2010

Ngày hội di sản văn hóa Việt Nam 2010

Tiếp nối chuỗi sự kiện kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, kỷ niệm ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23/11 và kỷ niệm 65 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ký văn bản pháp luật đầu tiên của Nhà nước Việt Nam về Di sản văn hóa dân tộc, từ 20-24/11

Tiếp nối chuỗi sự kiện kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, kỷ niệm ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23/11 và kỷ niệm 65 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ký văn bản pháp luật đầu tiên của Nhà nước Việt Nam về Di sản văn hóa dân tộc, từ 20-24/11.

Tại Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức Ngày hội Di sản văn hóa Việt Nam lần thứ VI. Lấy chủ đề là “Dấu ấn Thăng Long - Hà Nội và Tuổi trẻ với Di sản văn hóa Việt Nam”, Ngày hội Di sản văn hóa Việt Nam năm nay được tổ chức để tôn vinh các di sản văn hóa của đất Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến.

Dấu ấn Thăng Long Hà Nội

Triển lãm về Di tích Hoàng Thành Thăng Long sẽ là điểm nhấn của Ngày Di sản văn hóa Việt Nam-Ảnh CTV

Một trong những điểm nhấn của Ngày hội Di sản văn hóa 2010 là việc trưng bày, giới thiệu tổng quát về Hoàng thành Thăng Long – Di sản văn hóa thế giới vừa được UNESCO công nhận. Từ bảng giới thiệu tổng thể về giá trị của Khu di sản, hệ thống các loại hình kiến trúc còn lại trên mặt đất, quần thể các dấu tích nền móng cung điện lầu gác cùng số lượng lớn, phong phú các loại hình di vật độc đáo được khảo cổ học phát hiện dưới lòng đất tại Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội... Giới thiệu sự thay đổi của Hoàng thành qua các thời kỳ thông qua các bản đồ Thăng Long thời Hồng Đức (1490), bản đồ Hà Nội (1873), bản đồ không ảnh có 3 vòng thành, bản đồ di sản hiện nay. Giới thiệu với khách tham quan các hình ảnh về Kỳ Đài (cột cờ), Đoan Môn, điện Kính Thiên, Hậu Lâu, Bắc Môn, Di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu, Di tích cách mạng nhà và hầm D67, các hoạt động nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản, bằng công nhận, hồ sơ công nhận, các tài liệu, phim tư liệu về Hoàng thành Thăng Long…

Ngoài tư liệu về Khu di sản Hoàng thành, còn có khu trưng bày các hình ảnh, hiện vật, tư liệu về Văn Miếu – Quốc Tử Giám và 82 tấm bia Tiến sỹ - Di sản tư liệu thế giới cùng hệ thống văn bản quản lý nhà nước trong lĩnh vực di sản. Du khách đến tham gia Ngày hội Di sản năm nay còn có cơ hội chiêm ngưỡng bộ sưu tập với 500 cổ vật của Thăng Long – Hà Nội qua các thời kỳ Đông Sơn (những cổ vật được phát hiện tại Hà Nội); cổ vật thời kỳ 10 thế kỷ đầu công nguyên; cổ vật thời Đinh, Lê, Lý, Trần từ thế kỷ 10-14; cổ vật thời Lê, Nguyễn. Trong đó, có nhiều cổ vật lần đầu tiên được trưng bày trước công chúng. Hơn 200 tư liệu quý hiếm bằng hình ảnh, ấn phẩm sách về Thăng Long – Hà Nội, những tinh hoa thủ công mỹ nghệ và làng nghề Hà Nội, tinh hoa ẩm thực đất Hà thành cũng được giới thiệu cùng công chúng trong những ngày diễn ra lễ hội.

Tuổi trẻ với "Ngày Di sản văn hóa"

Cùng với hoạt động tôn vinh giá trị các di sản văn hóa của Thăng Long – Hà Nội, Ban tổ chức (BTC) đặc biệt quan tâm đến vai trò của lớp người trẻ tuổi trong việc gìn giữ và bảo tồn di sản. Bà Nguyễn Thị Hoa, Phó Giám đốc Trung tâm Triển lãm VHNT Việt Nam, Phó BTC thường trực Ngày hội Di sản văn hóa Việt Nam 2010 cho biết: “Năm nay, BTC hướng tới vấn đề bảo tồn di sản, trong đó, lớp trẻ phải là những người trực tiếp tham gia vào việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Bởi lớp trẻ sẽ là lớp người kế nối truyền thống văn hóa dân tộc sau này, có bảo vệ, phát huy được giá trị di sản hay không phụ thuộc rất nhiều vào lớp trẻ. Chính vì vậy, chúng tôi đã phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, phối hợp với các trường học để đưa học sinh, sinh viên trực tiếp tham gia. Đến đây, các em sẽ có dịp tìm hiểu về các di sản của Thăng Long – Hà Nội qua hệ thống tư liệu, hình ảnh di sản, tạo điều kiện để các em gặp gỡ và giao lưu với các nhà văn hóa, nhà nghiên cứu để có thể tìm hiểu rõ hơn, sâu hơn về các di sản của Thủ đô. Các em sẽ được tận mắt chứng kiến những nét văn hóa và cũng được trực tiếp tham gia vào hoạt động giao lưu, biểu diễn văn hóa nghệ thuật dân gian truyền thống như hát ca trù, hát xẩm… để cảm nhận về di sản văn hóa một cách gần gũi và thiết thực nhất”.

Trong khuôn khổ những Ngày Di sản văn hóa năm 2010, sẽ có nhiều hoạt động có ý nghĩa như bầu chọn cho Vịnh Hạ Long, tọa đàm về công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Thăng Long Hà Nội, chương trình nghệ thuật “Di sản văn hóa với Thăng Long - Hà Nội” và trao Quỹ bảo tồn Di sản văn hóa cho khu di tích Pắc Pó (Cao Bằng).

Ánh Tuyết