11:00 25/11/2011

Ngày chất vấn thứ hai Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII: Những giải pháp rõ ràng

Ngày 24/11, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, tiếp tục nghe chất vấn của đại biểu Quốc hội và trả lời chất vấn của các thành viên Chính phủ. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng điều khiển phiên họp.

Ngày 24/11, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, tiếp tục nghe chất vấn của đại biểu Quốc hội và trả lời chất vấn của các thành viên Chính phủ. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng điều khiển phiên họp.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận: Chất lượng đào tạo còn nhiều bất cập

Sáng 24/11, ngay khi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận đăng đàn trả lời chất vấn, đã có 24 đại biểu Quốc hội đăng ký chất vấn, tập trung vào các vấn đề về chất lượng giáo dục phổ thông, đại học; việc thành lập quá nhiều trường đại học dẫn đến không tuyển đủ sinh viên; vấn đề thiếu trường mầm non công lập, chế độ chính sách cho đội ngũ giáo viên mầm non; giải pháp đảm bảo công bằng và chất lượng giáo dục ở vùng miền núi, dân tộc...

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN


Liên quan đến sự yếu kém của chất lượng giáo dục bậc đại học, nhiều trường đại học được thành lập nhưng không tuyển đủ sinh viên..., Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết: Gần đây Bộ đã từng bước giảm nhịp độ thành lập mới trường đại học. Từ năm 2006 – 2011, cả nước có thêm 84 trường đại học, trong đó 33 trường thành lập mới và 51 trường nâng cấp từ cao đẳng lên, bình quân mỗi năm thành lập 14 trường. Trong 3 năm đầu (từ 2006 – 2008) bình quân mỗi năm thành lập 16 trường. Trong 3 năm sau (2009 - 7/2011) bình quân mỗi năm thành lập 12 trường. Như vậy, số lượng trường đại học thành lập mới trong 3 năm gần đây đã giảm nhiều. Các điều kiện thành lập trường và cho phép trường đại học hoạt động cũng đã được điều chỉnh theo hướng nâng cao, tránh tình trạng chất lượng đào tạo kém.

Về lý do các trường không tuyển đủ sinh viên, theo Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, không chỉ năm nay một số trường không tuyển đủ chỉ tiêu mà trong những năm trước đó cũng có hiện tượng này. Nguyên nhân do một số ngành học dù rất cần thiết cho sự phát triển kinh tế - xã hội như nông lâm ngư nghiệp, khoa học cơ bản, sư phạm, khoa học xã hội, nhân văn... nhưng do sau khi tốt nghiệp khó xin được việc làm, công việc không hấp dẫn; một số trường không đủ điều kiện, không đảm bảo chất lượng đào tạo nên không thu hút sinh viên vào học. Bên cạnh đó, hiện nay nhiều trường cùng mở các chuyên ngành đào tạo giống nhau như kế toán, tài chính - ngân hàng, quản trị kinh doanh... làm phân tán nhu cầu học sinh.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng thẳng thắn thừa nhận dù có tiến bộ nhưng chất lượng đào tạo nguồn nhân lực nói chung và bậc đại học ở nước ta hiện còn nhiều bất cập, yếu kém, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của đất nước, còn một khoảng cách so với các nước tiên tiến trên thế giới và trong khu vực, chưa đáp ứng nguyện vọng của nhân dân. Để giải quyết tình trạng này, không có con đường nào khác là phải đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục nước nhà như đúng Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI đã đề ra.

Trước băn khoăn của một số đại biểu về giáo dục mầm non, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận thừa nhận thiếu sót trước đây trong việc nhận thức chưa đầy đủ về tầm quan trọng và vị trí của giáo dục mầm non. Hiện nay, theo Quyết định 60, 61 của Thủ tướng Chính phủ, trước hết là cần giải quyết những khó khăn về cơ sở vật chất; tiếp tục xóa bản trắng, làng trắng cơ sở giáo dục mầm non; khắc phục những bất cập về chế độ chính sách đối với giáo viên mầm non ngoài công lập. Theo Bộ trưởng, điều kiện chung hiện nay Chính phủ mới phê duyệt cho Bộ thực hiện đề án phổ cập mầm non 5 tuổi, đối với các bậc nhỏ hơn còn phụ thuộc vào điều kiện kinh tế xã hội của từng địa phương.

Tại phiên họp, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng trả lời chất vấn của các đại biểu liên quan đến vấn đề dạy thêm, học thêm tràn lan; công tác thu hút giáo viên vùng dân tộc; lạm thu...

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân: Đổi mới quản lý giáo dục là khâu đột phá

Cuối phiên trả lời chất vấn về vấn đề giáo dục đào tạo, Quốc hội đã dành thời gian để Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân thay mặt Chính phủ báo cáo thêm. Phó Thủ tướng cho biết: Trong 10 năm qua, tỷ lệ người được đào tạo nghề nghiệp đã tăng từ 16% lên 40%. Dù rằng còn nhiều việc phải làm nhưng đây là tỷ lệ rất quan trọng, bởi nước ta đã chấm dứt tình trạng thầy nhiều hơn thợ.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân phối hợp trả lời những vấn đề các đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ảnh : Nguyễn Dân - TTXVN


Phó Thủ tướng cho biết, đối với giáo dục phổ thông, thực hiện nguyên tắc vừa giáo dục tri thức, vừa giáo dục làm người, chương trình được thông qua từ năm 2006 vẫn còn nặng về giáo dục tri thức, giáo dục trong phòng học, trường học, hạn chế về kỹ năng, hoạt động ngoại khóa ngoài xã hội. Từ năm 2007, 2008, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với một số cơ quan thiết kế một chương trình giáo dục phổ thông mới, áp dụng cho giai đoạn sau năm 2015. Trong khi chưa sửa được chương trình, ngành giáo dục đã tăng cường giáo dục kỹ năng, hoạt động xã hội. Đặc biệt, thông qua phong trào xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực đã có kết quả đáng khích lệ...

Về giáo dục bậc đại học, theo Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, thực tế trong một thời gian dài, hệ thống giáo dục đại học tuy rằng có bám yêu cầu thực tiễn nhưng chủ yếu đào tạo theo khả năng, thầy đến đâu, đào tạo đến đó, chưa làm rõ chuẩn sinh viên tốt nghiệp đại học phải có năng lực, kỹ năng gì và làm việc ở vị trí nào. Hai năm gần đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các trường đại học phải công bố chuẩn đầu ra đối với người tốt nghiệp của trường mình, ngành mình. Đến nay, trên 50% trường đại học đã công bố, tuy nhiên vẫn còn hơn 40% trường đại học chưa công bố được tiêu chuẩn này. Để làm được chuẩn đầu ra của trường cao đẳng, dạy nghề không thể một mình nhà trường mà cần phải phối hợp với cơ quan sử dụng lao động, các doanh nghiệp yêu cầu khi ra trường, sinh viên đó phải làm được gì, biết được gì...

Theo Phó Thủ tướng, đổi mới quản lý giáo dục là khâu đột phá hệ thống giáo dục, theo đó phải hoàn chỉnh lại quản lý giáo dục bậc đại học, phổ thông, dạy nghề theo phân cấp trách nhiệm. Thực hiện phân cấp trong quản lý là vấn đề vô cùng quan trọng, đã thực hiện phân cấp cho chính quyền địa phương tham gia giám sát việc hình thành và hoạt động các trường và cơ sở dạy nghề. Quy chế quản lý nhà nước ở các cấp học cần được hoàn chỉnh, qua đó đẩy mạnh tự chủ của các cơ sở giáo dục từ phổ thông đến đại học và nâng cao chất lượng đội ngũ hiệu trưởng các trường. Cần có chính sách hợp lý đầu tư cho giáo dục, giáo viên và học sinh, hỗ trợ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, học sinh vùng khó khăn, tăng cường thực hiện xã hội hóa giáo dục...

Tuy nhiên, Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo đều thừa nhận rằng chất lượng giáo dục và đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước, chưa thể hiện đầy đủ chủ trương giáo dục là quốc sách hàng đầu. Giáo dục đào tạo nguồn nhân lực còn là điểm nghẽn so với yêu cầu phát triển đất nước. So sánh với các nước trong khu vực và quốc tế, trình độ chung về giáo dục và đào tạo của nước ta còn ở mức thấp, thể hiện cả ở tất cả các bậc học.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ: Minh bạch là giải pháp của mọi giải pháp

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ phát biểu ý kiến. Ảnh: Nhan Sáng-TTXVN


Trong gần hai giờ đăng đàn tại phiên chất vấn chiều 24/11, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ đã phần nào giải tỏa được những bức xúc của cử tri khi thẳng thắn trả lời vào ba nhóm vấn đề nổi bật gồm: Điều hành giá xăng dầu, điện; quản lý tài chính công, nợ công, chống thất thu thuế và hỗ trợ doanh nghiệp trong điều kiện hiện nay. Bộ trưởng Huệ khẳng định: Minh bạch là giải pháp căn cơ của mọi giải pháp để giải quyết các vấn đề tồn tại hiện nay.

Xoay quanh công tác điều hành, quản lý, giám sát giá điện, than, Bộ trưởng Vương Đình Huệ đã nhắc lại nguyên tắc quản lý điều hành giá điện, xăng dầu, than, dịch vụ công và các mặt hàng thiết yếu khác là theo thị trường và có sự quản lý nhà nước.

Tuy nhiên, giá thành điện hiện nay vẫn chưa được tính đúng, tính đủ do có sự bù chéo và bao cấp. Hiện giá than cho điện mới được tính bằng 57-63% giá tiêu thụ của than- thấp hơn rất nhiều so với giá bán cho các hộ khác. Giá điện hiện vẫn bao cấp với sản xuất thép và xi măng. Theo kết quả của kiểm toán nhà nước năm 2010, sản lượng điện cho thép và xi măng chiếm trên 11% tổng sản lượng điện chung với giá bán bình quân 914 đồng/kWh. Theo đó, riêng năm 2010, ngành điện đã bao cấp cho thép 2.547 tỷ đồng.

Về khoản lỗ, lãi của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Bộ trưởng Huệ cho biết: Theo kết quả kiểm toán năm 2010, EVN lỗ 8.040 tỷ đồng do mua điện giá cao của các doanh nghiệp ngoài ngành bán và 15.463 tỷ đồng do chênh lệch tỷ giá nâng tổng số lỗ lên 23.503 tỷ đồng. Trong đó, khoản lỗ 8.040 tỷ đồng không liên quan đến đầu tư ra ngoài ngành của EVN. Do đó, không có chuyện phân bổ lỗ do đầu tư ra ngoài ngành của EVN vào trong cơ cấu giá điện.

Bộ trưởng Huệ nhấn mạnh: Giá điện năm 2012 sẽ là giá thành sản xuất điện của năm 2011 cộng thêm các chi phí và tỷ giá lấy theo mốc 15/9/2011 và không tính các khoản lãi của EVN từ khâu truyền tải, sản xuất, phân phối, bán lẻ. Với phương án này, giá điện bình quân năm 2012 sẽ ở mức 1.242 đồng/kWh, tăng 4,6% so với giá bán điện hiện nay.

Bộ trưởng Huệ khẳng định: Năm 2012, giá điện vẫn tăng nhưng tăng ở mức kiềm chế. Giá điện bán cho hộ thu nhập thấp vẫn giữ như hiện nay và thấp hơn mức bình quân chung.

Về tình hình kinh doanh xăng dầu và minh bạch giá xăng dầu, Bộ trưởng Huệ thông tin: Trước năm 2008, kinh doanh xăng dầu chỉ có lỗ do mục tiêu điều hành giá xăng dầu phục vụ sản xuất. Từ năm 2008 trở đi, việc điều hành giá xăng dầu đã theo cơ chế thị trường, có sự điều tiết của Nhà nước.

Kết quả kiểm toán quốc tế do Công ty Deloitte tiến hành tại Petrolimex đã ghi nhận: Năm 2008, Petrolimex lãi 913,7 tỷ đồng; trong đó kinh doanh xăng dầu lãi 642 tỷ đồng. Năm 2009, lãi 3.217 tỷ đồng; trong đó lãi từ xăng dầu là 2.660 tỷ đồng. Năm 2010, lãi tổng thể từ kinh doanh xăng dầu vẫn đạt 314 tỷ đồng. Năm 2011, Tổng Công ty Xăng dầu Petrolimex báo cáo lỗ 1.800 tỷ đồng đến hết tháng 6 đối với lĩnh vực kinh doanh xăng dầu; trong đó, lỗ từ chênh lệch tỷ giá đã là 1.400 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tỷ lệ hao hụt về xăng dầu năm 2011 dự kiến trên 800 tỷ đồng.

Theo Bộ trưởng Vương Đình Huệ, tình hình lãi lỗ của Petrolimex sẽ được làm rõ hơn sau khi có kết quả kiểm tra xăng dầu tại các doanh nghiệp đầu mối do Bộ Tài chính đang tiến hành. Theo đó, nếu không có sự điều chỉnh tỷ giá vào các tháng đầu năm và nếu các đầu mối xăng dầu thực hiện đúng định mức bán hàng 600 đồng/lít xăng dầu thì các doanh nghiệp kinh doanh đầu mối không thể lỗ.

Về tình hình nợ công hiện nay của Việt Nam cũng như chiến lược quản lý nợ công thời gian tới, Bộ trưởng Huệ khẳng định: Nợ công của Việt Nam đang ở mức an toàn do cơ cấu nợ công của Việt Nam khác thế giới. Việt Nam chủ yếu vay ODA và vay ưu đãi lớn. Năm 2011, nợ Chính phủ là 43,6%, nợ quốc gia là 41,5% và nợ công là 54,6%.

Hiện cơ cấu nợ công của Việt Nam có khoảng 79% vay ODA, chỉ có 7% vay thương mại và khoảng 19% vay có ưu đãi. Trong ODA, vay của Ngân hàng Thế giới WB kỳ hạn 40 năm, 10 năm ân hạn nên sau 10 năm nữa mới phải trả và lãi suất rất thấp là 0,75%. Vay của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cũng là 30 năm, ân hạn 10 năm, lãi suất khoảng 1%. Vay của Nhật Bản cũng 30 năm, thời gian ân hạn 10 năm, lãi suất từ 1- 2%.

Như vậy, tổng chi phí để trả nợ gốc và lãi khoảng 15% trong tổng thu ngân sách và ngưỡng của thế giới khoảng 30%. Trong 15% chi trả cho nợ công hàng năm, ngân sách chỉ trả 13,5%; còn 1,5% là các dự án và các nhà đầu tư phải trả. Nợ công Việt Nam rất khác với các nước là Nhà nước vừa là chủ nợ, nhưng vừa là khách nợ.

Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình: Tái cấu trúc ngân hàng không phải vì hệ thống yếu kém

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình khẳng định tái cấu trúc ngân hàng không phải vì hệ thống yếu kém.

Hoạt động ngân hàng có quy mô và vai trò quan trọng đối với nền kinh tế, đồng thời là hoạt động nhạy cảm để có nhìn nhận đúng đắn về tái cấu trúc ngân hàng nhằm đảm bảo hệ thống ngân hàng vẫn phát triển ổn định, trợ giúp cho sự phát triển của nền kinh tế.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình trả lời chất vấn của các đại biểu . Ảnh : Nguyễn Dân - TTXVN


Quán triệt chủ trương, quan điểm của Đảng và Chính phủ, NHNN coi việc cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách trong những năm tới nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển hệ thống các TCTD an toàn, hiệu quả; từ đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển kinh tế nhanh, bền vững gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh.

Trên thực tế, Việt Nam đã lần lượt vượt qua và đứng vững trước nhiều cuộc khủng hoảng kinh tế. Trong khi hệ thống ngân hàng tại nhiều quốc gia trên thế giới chao đảo thì các ngân hàng Việt Nam vẫn đứng vững. Minh chứng mới nhất là cách đây một tuần, Ngân hàng Ngoại Thương Việt Nam-Vietcombank vẫn phát hành cổ phiếu ra thế giới và đạt mức giá rất cao. Trong 5 năm sắp tới, Việt Nam phấn đấu có hai ngân hàng đủ sức cạnh tranh với các ngân hàng trong khu vực và từ 10 đến 15 ngân hàng đủ lớn để làm trụ cột cho cả hệ thống ngân hàng Việt Nam.

Tại phiên chất vấn Thống đốc NHNN, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhận định: Ngân hàng - tiền tệ là vấn đề cấp bách, mang tính chất căn cơ, lâu dài và có ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như đời sống của nhân dân. Vì vậy, tái cơ cấu ngân hàng phải đảm bảo an toàn hệ thống để các TCTD vẫn góp phần đảm bảo giá trị đồng tiền và bình ổn thị trường. Đây là vấn đề cấp bách, thiết thực cho cả năm nay và thời gian tới.

Nhóm PV