02:14 06/02/2015

Ngày 8/2 thông xe cao tốc TP.HCM–Long Thành–Dầu Giây

Ngày 8/2, tại trạm thu phí Dầu Giây (Km 52+300), xã Xuân Thạnh, huyện Thống Nhất (Đồng Nai), Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) sẽ chính thức thông xe, đưa vào khai thác đường cao tốc TP Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây

Ngày 8/2, tại trạm thu phí Dầu Giây (Km 52+300), xã Xuân Thạnh, huyện Thống Nhất (Đồng Nai), Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) sẽ chính thức thông xe, đưa vào khai thác đường cao tốc TP Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây.

Một đoạn cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây. Ảnh: Sỹ Tuyên - TTXVN


Dự án đi qua TP Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai, do Tổng công ty Đầu tư và Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư. Cao tốc dài 55 km và được chia làm hai dự án thành phần, với tổng mức đầu tư giai đoạn I là 20.630 tỷ đồng từ vốn vay thương mại của Ngân hàng Phát triển Châu Á, vốn vay ODA của Cơ quan hợp tác phát triển Nhật  Bản và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.

Dự án thành phần I (đoạn An Phú – vành đai II) được thiết kế theo tiêu chuẩn đường đô thị, tốc độ thiết kế 80 km/giờ, quy mô 4 làn xe. Dự án thành phần II (đoạn vành đai II - Long Thành - Dầu Giây) được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A, vận tốc thiết kế 120 km/giờ, riêng cầu Long Thành đạt tốc độ thiết kế 100 km/giờ. 

Do điều kiện địa chất, thủy văn khu vực xây dựng dự án phức tạp, với số lượng lớn gồm 32 cầu, nên trong quá trình khảo sát, thiết kế, Bộ GTVT và chủ đầu tư đã chỉ đạo tư vấn nghiên cứu, điều chỉnh thiết kế một số hạng mục của dự án, điều chỉnh kết cấu cầu Long Thành từ kết cấu cầu dây văng sang sử dụng kết cấu dầm hộp bê tông cốt thép dự ứng lực... góp phần giảm chi phí xây dựng dự án so với dự kiến ban đầu hàng nghìn tỷ đồng. Đặc biệt, cầu Long Thành vượt sông Đồng Nai dài 2,35 km có kết cấu dầm hộp đúc hẫng cân bằng, tĩnh không thông thuyền cao 30,5 m, thuộc loại lớn nhất Việt Nam hiện nay. 

Dự án hoàn thành và đưa vào khai thác, góp phần đẩy mạnh giao thương giữa TP Hồ Chí Minh với các vùng lân cận, phục vụ việc phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh có dự án đi qua; đồng thời sẽ rút ngắn khoảng cách và thời gian đi lại giữa các địa phương. Theo đó, từ TP Hồ Chí Minh đi Ngã ba Dầu Giây (giao QL1A và hướng đi Liên Khương) theo lộ trình cũ hiện nay dài khoảng 70 km, mất 3 giờ sẽ được rút ngắn còn 20 km và thời gian lưu thông còn 1 giờ. Từ TP Hồ Chí Minh đi huyện Long Thành (Đồng Nai) hiện nay dài khoảng 45 km, mất khoảng 1 giờ, hiện nay rút ngắn xuống còn khoảng 22 km, với thời gian lưu thông còn khoảng 20 phút. Từ TP Hồ Chí Minh đi Vũng Tàu hiện nay dài khoảng 120 km, lưu thông hơn 2,5 giờ, hiện được rút ngắn xuống còn khoảng 95 km, với thời gian lưu thông chỉ còn khoảng 1 giờ 20 phút… 


Tin: Tiến Hiếu (TTXVN)