01:14 16/01/2014

Ngành Kiểm sát phải tăng cường trách nhiệm công tố

Tại Hà Nội, Viện kiểm sát nhân dân tối cao tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác Kiểm sát năm 2014

Sáng 16/1, tại Hà Nội, Viện kiểm sát nhân dân tối cao tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác Kiểm sát năm 2014. Các đồng chí: Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước, Trưởng ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương; Trương Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Trần Quốc Vượng, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; Uông Chu Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội và đại diện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung dự Hội nghị.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến dự và phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Nguyễn Khang - TTXVN


Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang biểu dương những thành tích, kết quả công tác mà Viện kiểm sát nhân dân các cấp đạt được trong năm qua. Chủ tịch nước nhấn mạnh: Ngành Kiểm sát đã nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao như: Trách nhiệm công tố được đề cao, tiến độ giải quyết án đã rút ngắn, hạn chế bỏ lọt tội phạm và không làm oan người vô tội; chất lượng, kỹ năng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa được nâng lên; công tác xây dựng Đảng, xây dựng Ngành đạt nhiều kết quả tích cực…

Đáng chú ý nhiều vụ án lớn đã được điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh, đúng pháp luật, được nhân dân đồng tình, ủng hộ. Những kết quả công tác này, ngành Kiểm sát đã góp phần quan trọng bảo vệ công lý, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, nhân dân cũng như bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Chủ tịch nước lưu ý ngành Kiểm sát nhân dân cần tập trung thực hiện tốt chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, bảo đảm mọi tội phạm được phát hiện đều bị xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Viện kiểm sát các cấp phải tích cực thực hiện những biện pháp để không làm oan người vô tội, đồng thời kiên quyết chống bỏ lọt tội phạm.

Chủ tịch nước gợi ý, để hoàn thành tốt nhiệm vụ này, trước hết Viện kiểm sát các cấp phải tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra; kiểm sát đầy đủ, chặt chẽ việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; kiên quyết thực hiện đầy đủ các quyền hạn khi thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp để loại trừ oan sai và lọt tội, bảo đảm các quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng có căn cứ, đúng pháp luật. Phối hợp chặt chẽ với Cơ quan điều tra để làm tốt vai trò, trách nhiệm của công tố.

Viện kiểm sát nhân dân các cấp phải phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh những vi phạm pháp luật trong điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án; ngăn chặn sự lạm quyền, xâm phạm các quyền dân chủ của công dân, đồng thời khắc phục tình trạng thiếu kiên quyết để lọt tội, đảm bảo thượng tôn Hiến pháp và pháp luật; kiên quyết thực hiện bằng được mục tiêu “Xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.

Chủ tịch nước cũng lưu ý, trên cơ sở Hiến pháp (sửa đổi), cần khẩn trương xây dựng, hoàn thiện thể chế liên quan đến tổ chức, hoạt động của ngành Kiểm sát nhân dân; đẩy nhanh tiến độ xây dựng dự án Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi), Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi), bảo đảm cụ thể hóa đầy đủ, kịp thời, đúng tinh thần Hiến pháp về vị trí, chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp cũng như thực tiễn đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm.

Ngành Kiểm sát cần đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng Đảng, xây dựng Ngành để có được đội ngũ cán bộ, kiểm sát viên vững vàng chính trị, giỏi nghiệp vụ, tinh thông pháp luật, công tâm, có kỷ luật và trách nhiệm cao. Tập trung xây dựng Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội trở thành cơ sở đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành Kiểm sát trong thời gian tới. Bên cạnh đó, xây dựng tổ chức Đảng trong ngành Kiểm sát nhân dân thực sự trong sạch, vững mạnh; tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) và Chỉ thị số 03 của Bộ Chính trị, gắn với việc thực hiện lời dạy của Bác Hồ đối với người cán bộ kiểm sát: “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”…

Hội nghị đã xác định nhiệm vụ trọng tâm công tác Kiểm sát trong năm 2014 là toàn Ngành triển khai thực hiện nghiêm túc Hiến pháp (sửa đổi); đẩy nhanh tiến độ xây dựng dự án Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi), dự án Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi) bảo đảm thể chế hóa đầy đủ các quy định của Hiến pháp về vị trí, chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và thực tiễn đấu tranh phòng, chống vi phạm, tội phạm.

Ngành Kiểm sát sẽ tăng cường trách nhiệm công tố, gắn công tố với hoạt động điều tra; kiểm sát chặt chẽ hoạt động điều tra, chống oan, sai hoặc bỏ lọt tội phạm; nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự, tăng cường kháng nghị hình sự. Ngành Kiểm sát nhân dân cũng sẽ nâng cao chất lượng, hiệu quả kiểm sát hoạt động tư pháp; mở rộng hợp tác quốc tế và làm tốt nhiệm vụ đầu mối tương trợ tư pháp về hình sự.

Năm 2013, tuân thủ sự lãnh đạo của Đảng, quán triệt thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, ngành Kiểm sát nhân dân đã hoàn thành tốt chức năng thực hiện quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp và công tác xây dựng Ngành, góp phần quan trọng giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Ngành Kiểm sát nhân dân đã nỗ lực phấn đấu, hoàn thành nhiều nhiệm vụ quan trọng trước mắt cũng như lâu dài, tạo tiền đề vững chắc cho sự phát triển trong tương lai cũng như củng cố và làm tăng thêm sự tin tưởng của nhân dân đối với ngành Kiểm sát.

Cụ thể, Viện kiểm sát nhân dân các cấp đã thực hiện tốt công tác kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm (đạt 92,2%); tỉ lệ bắt, giữ chuyển xử lý hình sự đạt 96,9%; chất lượng các quyết định truy tố luôn đảm bảo đúng quy định pháp luật; kiểm sát 100% các vụ án ngay từ khi khởi tố; tỷ lệ truy tố đúng thời hạn đạt 99,94%, truy tố đúng tội danh đạt 99,7%. Viện kiểm sát các cấp đã thực hành quyền công tố và kiểm sát giải quyết nhiều vụ án tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, được dư luận xã hội quan tâm.

Đặc biệt, ngành Kiểm sát đã tập trung trí tuệ, đề cao trách nhiệm tham gia góp ý vào sửa đổi Dự thảo Hiến pháp năm 1992, nhất là chế định Viện Kiểm sát nhân dân; hoàn thành các đề án về cải cách tư pháp liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, cơ sở vật chất về chế độ chính sách của ngành.


Nguyễn Cường