04:22 11/04/2016

Ngành dược Cuba: "Thỏi nam châm" hút vốn đầu tư nước ngoài

Một trong những ưu tiên phát triển của Cuba hiện tại là thu hút đầu tư nước ngoài vào công nghiệp dược phẩm và công nghệ sinh học để củng cố và mở rộng một lĩnh vực mà đảo quốc Caribe này sở hữu nguồn nhân lực chất lượng cao, cơ sở hạ tầng có sẵn cùng nhiều sản phẩm được Mỹ và các thị trường phát triển quan tâm.

Trong khi việc xuất khẩu các sản phẩm Cuba vào Mỹ vẫn bị cấm do lệnh cấm vận được áp đặt từ hơn nửa thế kỷ qua, có hai sản phẩm công nghệ sinh học hàng đầu của Cuba phần nào hé mở được cánh cửa vào thị trường hấp dẫn của Mỹ với những thỏa thuận sơ bộ trong năm 2015, chuẩn bị cho các thương vụ tiềm năng trong tương lai.

Đầu tiên là Heberprot P, một loại thuốc mới mang tính đột phá của Cuba có khả năng giảm bớt nguy cơ gây hoại tử dẫn tới phải cắt bỏ các chi đối với bệnh nhân tiểu đường cấp tính, hiện đã được Bộ Tài chính Mỹ cấp phép nghiên cứu sơ bộ, trên cơ sở đáp ứng nhu cầu dược phẩm chưa có giải pháp trong nước. Đáng chú ý là theo thống kê chính thức, năm 2012, có tới 29,1 triệu người Mỹ, tương đương 9,3% dân số nước này, mắc bệnh tiểu đường.

Tập đoàn BioCubaFarma đang có nhiều sản phẩm công nghệ sinh học thu hút sự quan tâm của các đối tác nước ngoài.

Tiếp đó, một thỏa thuận giữa Trung tâm Miễn dịch phân tử (CIM) của Cuba và Viện Phòng chống ung thư Roswell Park tại New York cho phép tiến hành thử nghiệm lâm sàng trên lãnh thổ Mỹ vắcxin điều trị ung thư phổi đầu tiên và cho tới nay là duy nhất trên thế giới CIMAVax-EGF, do CIM điều chế năm 2011.

Tuy nhiên, không chỉ chờ đợi Mỹ dỡ bỏ cấm vận, Cuba đang chủ động tìm kiếm các cơ hội đầu tư ở các thị trường khác, trong đó đáng kể là các dự án xây dựng cơ sở công nghệ sinh học sản xuất kháng thể đơn dòng dùng để trị liệu ung thư và một số loại bệnh mãn tính không truyền nhiễm khác, một nhà máy sản xuất các sản phẩm máu và một nhà máy sinh dược.

Thực hiện chính sách cải cách bắt đầu từ Đại hội Đảng VI, năm 2012 Cuba đã thành lập Tập đoàn Công nghiệp Công nghệ sinh học và Dược phẩm (BioCubaFarma) qua việc sáp nhập tập đoàn quốc doanh sản xuất thuốc Quimefa và Ủy ban Khoa học Công nghệ sinh học, và một trong những mục tiêu chính của việc tái cơ cấu này là đẩy mạnh xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài vào ngành mũi nhọn này.

Cho tới nay, BioCubaFarma có 38 công ty trong nước và 11 công ty ở nước ngoài, với việc triển khai 33 dự án phòng chống dịch bệnh lây nhiễm, 33 dự án nghiên cứu và sản xuất thuốc chống u bướu, 18 dự án về tim mạch, và 7 dự án về tiểu đường và các bệnh lý khác. Tập đoàn này hiện sở hữu 800 đăng ký y tế tại nước ngoài và hơn 1.400 bằng sáng chế đăng ký tại 50 nước, cũng như được cấp 30 giấy phép thử nghiệm lâm sàng tại 18 quốc gia.

Theo số liệu chính thức, doanh thu của BioCubaFarma trong giai đoạn 2009 - 2013 là gần 2,8 tỷ USD, và tập đoàn này dự định tăng gấp đôi con số đó trong giai đoạn 2014 - 2018. Để đạt được mục tiêu, doanh nghiệp nhà nước này của Cuba xác định phải vượt qua các thách thức về hiện đại hóa công nghệ, đa dạng hóa xuất khẩu và phát triển các lĩnh vực mới, với tổng vốn đầu tư cần thiết là 860 triệu USD.

Một số chuyên gia nước ngoài nhận định mục tiêu trên là khả thi do ngành công nghiệp này của Cuba đã được tập trung phát triển từ thập niên 1980 một cách bài bản, với sự kết hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa các viện nghiên cứu và chiến lược xây dựng chu trình khép kín với nhân lực và vật lực tự có và đã đạt được nhiều thành tựu được quốc tế thừa nhận rộng rãi. Với những bước cải thiện quan hệ Cuba - Mỹ, giúp các nhà đầu tư nước ngoài bớt e dè hơn, đây chắc chắn sẽ là một “thỏi nam châm” hút vốn đầu tư nước ngoài của Cuba trong tương lai.
Lê Hà (P/v TTXVN tại Cuba)