10:19 30/10/2014

Ngành công nghiệp vũ khí của Israel - Kỳ cuối

Năm 2013, Israel bán nhiều máy bay không người lái hơn Mỹ và theo tính toán, sẽ xuất khẩu gấp đôi Mỹ trong năm 2014.

Máy bay không người lái cũng nằm trong danh mục các loại vũ khí được Israel xuất khẩu. Mặc dù Mỹ có thể là nước có tiếng tăm đi đầu trong công nghệ về những cỗ máy do thám bay và giết chóc này, song theo bản báo cáo của tạp chí quân sự và công nghệ Jane (Anh), năm 2013, Israel bán nhiều máy bay không người lái hơn Mỹ và theo tính toán, sẽ xuất khẩu gấp đôi Mỹ trong năm 2014.

Phần vỏ của chiếc máy bay không người lái Harop trông như những chú dơi.


Cửa hàng lắp ráp tại công ty quốc phòng hàng không và vũ trụ của Isarel (IAI) trông khá giống một tòa nhà dành cho các mẫu máy bay ngoại cỡ. Những chiếc máy bay không người lái Harop xuất hiện khắp nơi với các cấp độ hoàn thiện khác nhau. Trong khi một số mới chỉ được lắp đặt vài bộ phận điện tử, một số khác đã sẵn sàng để được chuyển đi thì tại căn phòng bên cạnh, những chiếc khung máy bay Harop rỗng ruột được treo trên trần nhà như những chú dơi.

Một chiếc Harop, loại máy bay không người lái được quân đội Israel phát triển trong nhiều năm qua, có thể mang theo 23 kg chất nổ. Một nhân viên của IAI cho biết, một khi phi công đã xác định được mục tiêu, Harop sẽ lao về phía trước với tốc độ lên đến 400 km/h. Phần lớn các máy bay không người lái của Israel được xuất khẩu sang châu Á, và Ấn Độ được xem là thị trường tăng trưởng lớn nhất dành cho các sản phẩm quốc phòng của Israel. Theo thông tin của Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm SIPRI (Thụy Điển), các công ty quốc phòng của Israel cũng đang hoạt động tích cực tại thị trường châu Phi.

Những chiếc máy bay không người lái Harop ở các cấp độ hoàn thiện khác nhau.


Ngoài ra, rất có thể Israel sẽ có các đơn đặt hàng lớn từ nước Đức. Chiếc Heron của IAI cùng với American Reaper được xem là những ứng cử viên hàng đầu trong kế hoạch mua máy bay chiến đấu không người lái của quân đội Đức trong tương lai. Thêm vào đó, IAI cũng đang tìm kiếm cơ hội để bán loại máy bay Bombardier Global 5000 được trang bị các cảm ứng của hãng này cho phía Đức để thay thế cho chương trình máy bay trinh thám Euro Hawk đã phá sản trước đó.

Có nhiều lí do giải thích cho những lợi thế cũng như chất lượng công nghệ quân sự trên các sản phẩm mà Israel sản xuất. Một nghiên cứu do trường đại học South Wales (Anh) tiến hành đã kết luận: “Một cách đáng ngạc nhiên, dù chỉ có các nguồn lực khiêm tốn, cộng đồng nghiên cứu và phát triển quốc phòng Israel lại thành công trong việc phát triển các hệ thống vũ khí tiên tiến, và thường là loại tiên phong trong thế hệ vũ khí đó trên thế giới”. Israel không né tránh việc đầu tư vào các dự án nghiên cứu có rủi ro và bằng cách này, đã phát triển “tính sáng kiến trong năng lực quốc phòng một cách triệt để”.

Ngoài ra, vai trò quan trọng của quân đội trong xã hội cũng là một nhân tố gây ảnh hưởng. Giáo sư Peled của trường đại học Haifa (Israel) nói: “Những mối liên kết giữa các nhà khoa học, kĩ sư và nhà phát triển công nghệ cũng như tình trạng an ninh tại Israel thậm chí còn gắn chặt với nhau hơn”. Ngay cả những người không nằm trong hệ thống thông qua con đường phục vụ trong quân đội hay các lực lượng dự bị, cũng trở nên quen thuộc với điều này nhờ mối quan hệ với bạn bè hay các thành viên gia đình. “Sự hiểu biết gần như là trực tiếp về việc ngành quốc phòng cần gì và khoa học cũng như công nghệ có thể tạo ra gì, là điều không hề có tại các quốc gia khác”, giáo sư Peled khẳng định.

Ngoài ra, Israel còn có nhiều tiềm lực khác khi nói đến lĩnh vực nghiên cứu và công nghệ. Trong cuốn Niên giám Sự cạnh tranh thế giới, bản báo cáo thường niên của Viện Phát triển quản lý quốc tế Thụy Sĩ (IMD), Israel dẫn dầu danh sách các quốc gia phát triển công nghệ nhất thế giới trong nhiều năm qua. Quốc gia này đầu tư 4,4% GDP vào nghiên cứu và phát triển, tỉ lệ cao nhất trên thế giới. IMD cũng xếp Israel ở vị trí đầu tiên trong tổng chi tiêu chính phủ vào giáo dục, nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ, an ninh mạng cũng như kĩ năng công nghệ thông tin.

Trong một văn bản năm 2007, Michael Brzoska, Giám đốc của Viện Nghiên cứu Hòa bình và Chính sách an ninh tại trường Đại học Hamburg (Đức) ước tính 30% trong tổng tất cả các nghiên cứu và phát triển của Israel nhắm đến quân sự. Trong khi đó, chỉ có 2% chương trình nghiên cứu và phát triển của Đức có bản chất tương tự.

Nói đến cách thức sự hợp tác khăng khít giữa các viện nghiên cứu, ngành công nghiệp và quân đội Isarel, vận hành trong thực tiễn, rất ít người có sự am hiểu như ông Avner Benzaken, người đứng đầu nhánh Công nghệ và Hậu cần của Lực lượng phòng vệ Israel. Một trong những công việc của ông là làm tăng tính hiệu quả trong chiến đấu của quân đội. Và tại quốc gia này, ông có đủ điều kiện để làm việc đó.

“Nếu tôi phát triển một sản phẩm và muốn kiểm chứng nó trên chiến trường, tôi chỉ phải di chuyển 5 - 10 km từ cơ sở của mình và có thể theo dõi, quan sát chuyện gì xảy ra trên chiến trường. Tôi có được phản hồi, vì vậy nó giúp cho quá trình phát triển sản phẩm diễn ra nhanh hơn và hiệu quả hơn nhiều”. Đơn vị của ông bao gồm phần lớn là các học viên sĩ quan. “Chúng tôi biết nhu cầu của quân đội. Và chúng tôi biết làm thế nào để biến những nhu cầu này thành công nghệ”, ông nói.


Anh Minh
(Theo Spiegel)