01:19 18/01/2015

Ngăn ngừa dịch bệnh, ngộ độc thực phẩm dịp Tết

Nội dung kiểm tra tập trung chủ yếu vào các nơi sản xuất hàng hóa như bánh, mứt, kẹo, rượu, bia, các chợ đầu mối về rau, củ, quả...

Nhằm phòng chống dịch bệnh, ngăn ngừa các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra trong dịp Tết Nguyên đán 2015, Ban chỉ đạo Vệ sinh an toàn thực phẩm thành phố Hà Nội đã xây dựng kế hoạch hoạt động từ nay đến Tết Nguyên đán. Theo đó, thành phố huy động hệ thống thông tin truyền thông tuyên truyền vận động các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thực hiện theo đúng quy định Vệ sinh an toàn thực phẩm, các nhà quản lý nâng cao trách nhiệm, người tiêu dùng biết cách chọn thực phẩm an toàn.

Đồng thời, các cơ quan chức năng tổ chức cung ứng đảm bảo đầy đủ nguồn thực phẩm an toàn trong dịp Tết; tăng cường thanh kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, trọng tâm vào các mặt hàng người dân sử dụng trong dịp Tết, các cơ sở kinh doanh thực phẩm phục vụ các nơi có lễ hội, các chợ đầu mối, chợ buôn bán gia súc, gia cầm, kiểm soát nguồn gốc, chất lượng thực phẩm.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc yêu cầu các ngành chức năng, quận, huyện cần tăng cường và đổi mới công tác thanh kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm trong dịp Tết. Công tác chỉ đạo cần đi vào trọng tâm, trọng điểm, tập trung chủ yếu tại các xã, phường, thị trấn, những nơi sản xuất, lưu thông và tiêu dùng hàng hóa.

Ảnh minh họa - TTXVN


Công tác rà soát, phân công trách nhiệm cụ thể, gắn trách nhiệm của các thành viên trong Ban chỉ đạo Vệ sinh an toàn thực phẩm của thành phố với từng địa bàn cụ thể phù hợp với chức năng và công việc của mỗi thành viên. Các thành viên trong Ban chỉ đạo phải đề xuất các phương án giải quyết, xử lý các sai phạm, các vấn đề gặp phải trong quá trình kiểm tra.

Sở Y tế Hà Nội tham mưu và đưa ra văn bản quy định trách nhiệm của 3 ngành bao gồm: Nông nghiệp, Công thương và Y tế. Ngoài 6 đoàn kiểm tra liên ngành Vệ sinh an toàn thực phẩm, thành phố cần có thêm 3 đoàn kiểm tra chuyên ngành của 3 sở ngành trên và sẽ thành lập một đoàn kiểm tra cơ động đảm bảo kiểm tra đột xuất. Kết quả kiểm tra cần được thông tin ngay đến với người dân qua các phương tiện thông tin đại chúng để người dân có thể tìm đến các cơ sở đảm bảo Vệ sinh an toàn thực phẩm và tẩy chay các cơ sở không đảm bảo chất lượng.

Nội dung kiểm tra tập trung chủ yếu vào các nơi sản xuất hàng hóa như bánh, mứt, kẹo, rượu, bia, các chợ đầu mối về rau, củ, quả... Các chốt liên ngành Vệ sinh an toàn thực phẩm được tăng cường tại các tuyến đường khi thực phẩm từ các tỉnh lân cận vào nội thành. Lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra các siêu thị, các cửa hàng bán lẻ, các đại lý; không cho lập các quầy bán lẻ ngoài vỉa hè, lòng đường; siết chặt kiểm tra các bếp ăn tại các khu công nghiệp, các nhà trường, kiểm soát thức ăn đường phố, thức ăn tại các lễ hội.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần đổi mới hình thức tuyên truyền, giáo dục các kiến thức, các quy định của pháp luật về đảm bảo chất lượng Vệ sinh an toàn thực phẩm; tăng cường tuyên truyền tới người sản xuất, người kinh doanh trách nhiệm của họ đối với xã hội, đồng thời, tuyên truyền đến người tiêu dùng có kiến thức, sáng suốt lựa chọn để có thể tự bảo vệ sức khỏe của mình.


Tuyết Mai (TTXVN)