12:10 03/12/2010

Ngân hàng vì người nghèo

Sau 3 năm triển khai chương trình tín dụng học sinh, sinh viên (HSSV) theo Quyết định 157/2007/QĐ - TTg ngày 27/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ...

Sau 3 năm triển khai chương trình tín dụng học sinh, sinh viên (HSSV) theo Quyết định 157/2007/QĐ - TTg ngày 27/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã đạt doanh số cho vay 24.313 tỷ đồng với gần 2 triệu lượt HSSV được vay vốn. Chương trình đã thực sự đi vào cuộc sống, góp phần tích cực trong việc thực hiện chủ trương của Đảng và Chính phủ về thúc đẩy, phát triển giáo dục, đảm bảo an sinh xã hội.

Vốn chính sách đi vào cuộc sống

Nhận thức được tầm quan trọng và ý nghĩa của chương trình cho vay HSSV, NHCSXH đã tổ chức triển khai ngay các công việc như: Ban hành các văn bản hướng dẫn quy trình, thủ tục cho vay; tổ chức tập huấn đến cán bộ NHCSXH, cán bộ chủ chốt của UBND cấp xã, cán bộ của các tổ chức chính trị - xã hội cấp cơ sở và ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV); chỉ đạo quyết liệt và sâu sát của các cấp lãnh đạo, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc để chương trình được thực hiện nhanh và vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng.

Cho vay chương trình tín dụng học sinh, sinh viên ở Phòng giao dịch NHCSXH huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: Lê Phú

NHCSXH cũng thực hiện nhiều biện pháp để củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ TK&VV, của hoạt động ủy thác với các tổ chức hội đoàn thể, của các tổ giao dịch lưu động và điểm giao dịch tại xã. Hiện nay, với mạng lưới trên 200.000 tổ TK&VV phủ kín trên các thôn, ấp, bản, làng trong toàn quốc cùng với hơn 9.500 điểm giao dịch tại xã của NHCSXH là một nhân tố quan trọng trong kết quả thực hiện chương trình 3 năm qua, đồng thời thực hiện được dân chủ công khai từ cơ sở, góp phần xã hội hóa hoạt động của chương trình, tạo được sự đồng thuận cao của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp và của nhân dân. Trong 3 năm qua, NHCSXH đã tiến hành đổi sổ vay vốn thay cho các giấy nhận nợ, hợp đồng, khế ước để quản lý được dư nợ của hộ vay.

Chú trọng và thực hiện tốt công tác kiểm tra để hạn chế những tiêu cực phát sinh, đảm bảo đồng vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng, NHCSXH đã phối hợp cùng các bộ, ngành liên quan, chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức thực hiện công tác kiểm tra theo nhiều kênh và nhiều hình thức khác nhau: Hàng năm phối hợp với các bộ, ngành thành lập các đoàn kiểm tra, tổ chức kiểm tra tại các địa phương, các trường, các cơ sở đào tạo, các xã, các tổ TK&VV việc sử dụng vốn của gia đình HSSV và bản thân HSSV. Tại các tỉnh, thành phố, NHCSXH đã tham mưu cho Ban đại diện Hội đồng Quản trị NHCSXH cùng cấp, đồng thời phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các tổ chức chính trị - xã hội để tổ chức kiểm tra việc thực hiện chính sách tín dụng đối với HSSV tại địa phương. Qua kiểm tra, đã phát hiện 357 xã, 46 cơ sở đào tạo xác nhận sai đối tượng, 3.488 hộ gia đình không đúng đối tượng thụ hưởng chính sách, do bình xét nể nang (chiếm tỷ lệ 0,7% số hộ được kiểm tra); phát hiện 77 hộ gia đình và 59 HSSV sử dụng vốn vay sai mục đích, đã xử lý dừng cho vay và thu hồi nợ.

Trong quá trình thực hiện, NHCSXH đã kịp thời đề xuất với Chính phủ về chính sách đối với những HSSV vay vốn sau khi tốt nghiệp đi nghĩa vụ quân sự, việc làm đó tuy nhỏ nhưng đã được bà con nhân dân và HSSV phấn khởi và yên tâm học tập để có cơ hội lập nghiệp. Nhờ được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi nên nhiều HSSV là con em hộ nghèo, hộ trong hoàn cảnh khó khăn về tài chính có nguy cơ bỏ học, được tiếp tục con đường học tập của mình.

Khó khăn còn đó

Khó khăn lớn nhất hiện nay để thực hiện chương trình là nguồn vốn. Theo dự kiến ban đầu, chương trình giải ngân trong 5 năm nguồn vốn phải có 30.000 - 35.000 tỷ đồng, nhưng đến nay mới thực hiện một nửa thời gian (2,5 năm) dư nợ đã đạt gần 24.000 tỷ đồng. Như vậy, để thực hiện chương trình phải có ít nhất 40.000 tỷ đồng, lớn hơn nhiều so với dự kiến ban đầu. Nguồn vốn để cho vay chương trình phải là nguồn vốn có tính chất ổn định, thời hạn dài vì thời hạn cho vay thường là 10 năm (từ khi cho vay đến khi thu hồi nợ trong đó kể cả thời gian ân hạn). NHCSXH phát hành trái phiếu, huy động vốn ngắn hạn đều rất khó khăn và không đáp ứng được nhu cầu vốn. Việc tạm ứng từ Kho bạc, vay tái cấp vốn từ Ngân hàng Nhà nước đều đã đến hạn hoàn trả. Trong khi giải ngân cho chương trình HSSV có tính thời vụ cao, thường vào đầu năm học và đầu học kỳ.

Việc xác định tiêu chí hộ nghèo, hộ cận nghèo còn nhiều bất cập, tiêu chí hộ có hoàn cảnh khó khăn về tài chính do chưa có hướng dẫn cụ thể nên UBND cấp xã rất lúng túng khi thực hiện xác nhận, thực tế hiện nay ở nông thôn nếu có nhu cầu vay vốn cho con đi học đều được UBND xã xác nhận và đưa hết vào danh sách hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn về tài chính làm cho khối lượng HSSV vay vốn tăng nhanh, gây áp lực về nguồn vốn (theo số liệu khảo sát tại một số xã, đối tượng HSSV có hoàn cảnh khó khăn tài chính nhiều gấp 2 lần số HSSV là hộ nghèo).

Để giải quyết những khó khăn này, NHCSXH đã đề nghị Chính phủ bố trí nguồn vốn ổn định từ Ngân sách Nhà nước hoặc sử dụng trái phiếu Chính phủ hoặc nguồn vốn ODA có thời hạn dài, lãi suất thấp để thực hiện chương trình tín dụng HSSV. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội nghiên cứu hướng dẫn cho UBND cấp xã xác định và nhận diện đúng hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn về tài chính và có cơ chế giám sát đối với UBND cấp xã trong việc xác định đối tượng vay vốn. Bên cạnh đó, NHCSXH tiếp tục phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan thực hiện chương trình; coi trọng công tác kiểm tra của các cấp, các ngành đối với việc thực hiện chế độ chính sách tín dụng đối với HSSV ở các xã, phường, thị trấn trên địa bàn quản lý, thực hiện công khai, dân chủ từ cơ sở trong thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đối với HSSV, tạo kênh dẫn vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng, hạn chế thấp nhất việc lợi dụng chính sách, các tiêu cực có thể xảy ra, đồng thời xử lý nghiêm đối với các trường hợp thực hiện sai chế độ chính sách tín dụng đối với HSSV.

PV