10:09 13/10/2011

Ngân hàng thương mại cùng ký cam kết duy trì trần lãi suất

Trong thời gian qua, một số ngân hàng thương mại vẫn “phá rào” lãi suất huy động, ảnh hưởng tới lòng tin của người dân vào chính sách của Nhà nước và hoạt động của hệ thống ngân hàng.

Trong thời gian qua, một số ngân hàng thương mại vẫn “phá rào” lãi suất huy động, ảnh hưởng tới lòng tin của người dân vào chính sách của Nhà nước và hoạt động của hệ thống ngân hàng. Ngày 12/10, một lần nữa, Hiệp hội các ngân hàng thương mại đã họp tại Hà Nội để cùng nhau ký vào bản cam kết giữ vững trần lãi suất huy động.

Tiền “chạy” đi đâu?

Theo Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), qua theo dõi diễn biến của thị trường trong 15 ngày qua cho thấy, về cơ bản, toàn thể các thành viên VNBA đã nghiêm túc chấp hành mặt bằng lãi suất huy động đã về đúng 14%, lãi suất cho vay với các đối tượng đã ở mức 17 – 19%/năm, thị trường ổn định. Tuy nhiên, có một vài sự cố đã xảy ra ở NH Đông Á chi nhánh Tây Ninh và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Ba Đình, Thanh Hóa, đã huy động vốn vượt trần lãi suất 14%/năm.

Bên cạnh đó, một số ngân hàng đưa ra một số sản phẩm tiền gửi siêu ngắn 1 ngày nhưng với lãi suất tới 14%/năm, lãi suất trên thị trường theo một đường thẳng, lãi suất liên NH vẫn cao hơn 14%, tiền gửi tại một số NH giảm do người dân rút tiền.

Theo các ngân hàng, khi mặt bằng lãi suất được thiết lập thì các ngân hàng lớn có uy tín lâu năm, truyền thống giao dịch lâu đời với nhiều khách hàng sẽ có lợi thế hơn trong việc huy động vốn. Tuy nhiên, qua hơn một tháng thực hiện Thông tư 30 của NHNN về trần lãi suất ở mức 14%, thì ngay các ngân hàng lớn cũng có hiện tượng dòng vốn chảy ra ngoài thị trường.

Ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc Ngân hàng Techcombank cho biết, huy động vốn của ngân hàng giảm có thể do mua vàng, đầu tư nhưng trong đó có lãi suất. Qua kiểm soát dòng tiền ra của Techcombank cho thấy, vẫn có ngân hàng vi phạm trần lãi suất thông qua hình thức nào đó.

Cam kết không vi phạm

Theo bà Nguyễn Thị Nguyệt Thu, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Bảo Việt, không chỉ các ngân hàng lớn mà một số ngân hàng nhỏ cũng bị giảm sút vốn huy động. Do vậy, NHNN cần có chính sách hỗ trợ các ngân hàng thông qua thị trường liên ngân hàng.

Ngoài ra, quy luật nhiều năm gần đây cho thấy, quý IV thường là đợt căng thẳng thanh khoản của các ngân hàng do khách hàng rút tiền nhiều. “Do vậy, NHNN cần có giải pháp giúp đỡ các ngân hàng thương mại”, ông Vũ Tú, Tổng giám đốc Ngân hàng Tiên Phong cho biết.

Theo ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc VP Bank, lãi suất liên ngân hàng đang lên rất cao, kỳ hạn qua đêm 16,5%, kỳ hạn 1 tháng lên tới 19%. Khi lãi suất thị trường 1 và 2 quá chênh lệnh thì rất khó giữ trần lãi suất.

Do đó, Hiệp hội Ngân hàng kêu gọi, trước tiên các ngân hàng phải tuân thủ nghiêm túc, duy trì sự tuân thủ này một cách nghiêm ngặt và quyết tâm phải được thực hiện bằng được việc chấp hành trần lãi suất tiền gửi 14% trong toàn hệ thống của từng tổ chức tín dụng (TCTD).

“Sự tự giác và cảnh giác cũng cần phải được thấm tới từng cán bộ NH của mỗi TCTD đối với khách hàng, kiên quyết từ chối những lời mời gửi vượt trần lãi suất”, bà Dương Thu Hương, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng nói.

Theo VNBA, các ngân hàng cần tiếp tục minh bạch chính sách và cơ chế (lãi suất + khuyến mại không quá 14%/năm). Tạo sự chuẩn mực trong giao dịch đối với các giao dịch viên trong giao dịch nghiệp vụ và thuyết phục khách hàng cùng chấp hành nghiêm chỉnh các chính sách của NHNN. Thực hiện việc giám sát sát sao trong nội bộ từng NH để không có chi nhánh nào vi phạm trần lãi suất...

Tại buổi họp, 31 ngân hàng và các công ty tài chính tại Hà Nội đã ký vào bản cam kết thực hiện nghiêm túc Thông tư số 30/2011/TT - NHNN ngày 28/9/2011 của NHNN quy định lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam của tổ chức, cá nhân tại TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Hữu Vinh