08:00 04/08/2012

Ngân hàng Mắt TP.HCM: Đem ánh sáng cho người mù nghèo

Nhờ khoa học phát triển, hiện nay đã có nhiều phương pháp giúp người mù lòa tìm được ánh sáng. Thế nhưng những người bị mù do hỏng giác mạc thì chỉ có thể cứu chữa bằng cách ghép giác mạc từ người hiến tặng.

Nhờ khoa học phát triển, hiện nay đã có nhiều phương pháp giúp người mù lòa tìm được ánh sáng. Thế nhưng những người bị mù do hỏng giác mạc thì chỉ có thể cứu chữa bằng cách ghép giác mạc từ người hiến tặng.

 

Ông Phạm Vĩnh Khanh làm đơn xin hiến tặng giác mạc tại Ngân hàng mắt TP.HCM.

 

Nhu cầu được ghép giác mạc hiện rất lớn, đặc biệt là đối tượng nghèo bị mù, nhưng số giác mạc hiến tặng lại quá ít. Từ những trăn trở đó, Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TP Hồ Chí Minh (BTBNN) đã thành lập ngân hàng mắt nhằm giữ gìn và đem lại ánh sáng cho người mù nghèo.

 

Để lại ánh sáng cho đời


Mỗi người khi nhắm mắt xuôi tay vẫn có thể giúp ích cho đời bằng việc hiến tặng giác mạc của mình. Một đôi mắt nhắm lại sẽ giúp cho một cuộc đời tăm tối tìm thấy được ánh sáng. Ông Trần Thành Long, Giám đốc Ngân hàng mắt TP Hồ Chí Minh, tâm sự: “Nếu như ngân hàng mắt được thành lập sớm hơn thì những cái chết đau lòng do mù lòa đem lại sẽ không xảy ra. Những người trong hội đau lòng kể lại trường hợp của em Đinh Thị Choen, người dân tộc thiểu số tỉnh Gia Lai, không may bị một cành cây đâm thủng mắt, con mắt còn lại bị ảnh hưởng cũng yếu theo. Khi người cha đưa em về Bệnh viện Nhi Đồng 2 để mổ thì bác sỹ cho biết con mắt của em không thể cứu chữa được. Người cha ấy đau đớn tột cùng vì nghĩ rằng Giàng bắt con mình mù vĩnh viễn nên đã treo cổ tự vẫn”.


Ông Phạm Vĩnh Khanh (60 tuổi, ngụ tại quận 8) là một trong số hàng ngàn người đã đăng ký tự nguyện hiến giác mạc tại Ngân hàng mắt TP Hồ Chí Minh, tâm sự: “Khi nhắm mắt xuôi tay thì mình đâu còn nhìn được gì nữa, trong khi đó còn rất nhiều người đang sống mong muốn nhìn thấy được ánh sáng thì lại không thể nhìn được. Khi biết sau khi chết có thể hiến tặng giác mạc và người mù lòa do bị hỏng giác mạc có thể nhìn thấy ánh sáng lại sau khi ghép giác mạc là tôi đăng ký hiến tặng liền. Tôi chỉ sợ mình già quá, giác mạc không đủ tiêu chuẩn để ghép cho người khác”.


Anh Đặng Văn Chánh (huyện Nhà Bè) là một trong những người mù đầu tiên được Ngân hàng mắt hỗ trợ ghép giác mạc, đã không giấu được vẻ xúc động: “Tôi cứ nghĩ cuộc đời mình sẽ sống mãi trong tăm tối, thế nhưng nhờ được ghép giác mạc mà tôi đã nhìn thấy được ánh sáng. Nếu như tôi được ghép giác mạc sớm hơn thì có lẽ đứa con 4 tuổi của tôi sẽ không phải bị chết thảm như vậy. Biết con mình bị ngã xuống ao nhưng vì không nhìn thấy đường để cứu con, tôi cứ loay hoay trong khi đứa con của tôi đã bị chết ngạt nước”.

 

Cần sự ủng hộ


Theo thống kê, hiện cả nước có khoảng trên 300.000 người mù lòa cần được ghép giác mạc. Nhu cầu thì lớn nhưng để có được giác mạc qua cách hiến tặng thì không phải dễ. Cảm thông sâu sắc với những người mù bị hỏng giác mạc và gia đình họ, Hội BTBNN đã ấp ủ ý định thành lập một ngân hàng mắt từ nhiều năm nay và đến nay ngân hàng này đã bắt đầu đi vào hoạt động chính thức.

 

Ngân hàng mắt TP Hồ Chí Minh là một tổ chức từ thiện phi lợi nhuận, có chức năng vận động, ủng hộ giác mạc để cứu sáng cho người mù do hỏng giác mạc. Qua 18 năm với chương trình “Đem ánh sáng cho người mù nghèo”, Hội BTBNN đã cứu giúp hơn 370.000 người nghèo mù khắp cả nước bị đục thể tinh thủy được tìm thấy ánh sáng, hòa nhập vào cuộc sống đời thường. Việc ra đời Ngân hàng mắt là một bước phát triển trong chương trình “Đem ánh sáng cho người mù nghèo”. Người không may mắc bệnh hiểm nghèo hoặc thân nhân những người quá cố muốn đồng hành cùng những người bất hạnh, vui lòng liên hệ Ngân hàng mắt tại địa chỉ 1147 Trần Hưng Đạo, phường 5, quận 5, TP Hồ Chí Minh; email: nganhangmathbt@vnn.vn; điện thoại 0839.246.959.

Để thành lập được Ngân hàng mắt, đội ngũ y, bác sĩ phải vừa học tập, vừa nghiên cứu, đầu tư trang thiết bị và gửi cán bộ chuyên môn đi học, xây dựng đội ngũ nhân sự sẵn sàng túc trực để đi nhận giác mạc của người hiến tặng. Bởi giác mạc chỉ là một lớp màng mỏng bên ngoài mắt nhưng phải được lấy ra trong vòng 8 tiếng sau khi người hiến tặng qua đời mới có giá trị sử dụng.


Ông Thành Long cho biết: “Để vận động, tuyên truyền cho người nhà của người đã chết hiến tặng giác mạc thì quả là một công việc gian nan. Bởi đây cũng thuộc vào vấn đề tâm linh của con người. Nhiều người cho rằng sau khi chết, người mất con mắt thì sẽ không nhìn thấy đường để đầu thai trở lại. Vì thế chúng tôi phải vận động các tôn giáo tuyên truyền cho người dân hiểu về ý nghĩa nhân đạo trong việc hiến giác mạc. Bên cạnh đó, có nhiều trường hợp người làm đơn xin hiến giác mạc nhưng người nhà của người làm đơn thì lại không đồng ý. Do đó, điều quan trọng đặc biệt là phải tuyên truyền vận động để tạo ra dư luận xã hội lành mạnh trong việc hiến tặng”.


Bài và ảnh: Đan Phương­