09:23 11/09/2012

Ngân hàng cạnh tranh cho vay, lãi suất giảm mạnh

Từ đầu tháng 9 đến nay, nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) đã liên tục giảm lãi suất cho vay, thậm chí chỉ bằng lãi suất huy động (9%/năm). Điều này đã giúp nhiều doanh nghiệp (DN) và khách hàng cá nhân tiếp cận được vốn vay dễ dàng hơn.

Từ đầu tháng 9 đến nay, nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) đã liên tục giảm lãi suất cho vay, thậm chí chỉ bằng lãi suất huy động (9%/năm). Điều này đã giúp nhiều doanh nghiệp (DN) và khách hàng cá nhân tiếp cận được vốn vay dễ dàng hơn. Theo đó, tín dụng cho vay của các ngân hàng được cải thiện đáng kể.

 

Đua nhau giảm lãi suất


Theo ngân hàng HDBank, kể từ ngày 2/9, ngân hàng triển khai chương trình cho vay “phát lộc”, áp dụng lãi suất vay cho khách hàng cá nhân thấp nhất ở mức 8,6%/năm và DN là 9%/năm. Tổng hạn mức cấp tín dụng là hơn 2.000 tỷ đồng và giải ngân đến hết năm 2012. Đây là lần thứ 2 HDBank cắt giảm lãi suất cho vay kể từ tháng 8. Trước đó, vào ngày 23/8, HSBC giảm lãi suất cho vay xuống còn 9,9%/năm%, đồng thời tặng thêm điện thoại Samsung Galaxy SIII cho 10 khách hàng đầu tiên và cơ hội trúng bộ SamSung. Tương tự, Vietcombank và VIB cũng cho khách hàng vay vốn với lãi suất 9%/năm.


 

Khách hàng làm thủ tục vay vốn tại Vietinbank chi nhánh Quảng Nam. Ảnh: Trần Việt - TTXVN

 

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh TP.HCM, nhận định: Với lãi suất vay bằng lãi suất huy động, các ngân hàng đã thật sự chia sẻ khó khăn với DN, giúp DN có cơ hội tiếp cận vốn rẻ để tái sản xuất, đẩy mạnh kinh doanh, giảm bớt lượng hàng tồn kho. Điển hình như Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (HSG), trong tuần cuối tháng 8 đã được ngân hàng giải ngân vốn vay ngắn hạn có lãi suất thấp, đối với VND là 9%/năm và đối với USD là 3%/năm. Ông Vũ Văn Thanh, Phó tổng giám đốc Tài chính HSG, cho biết so với trước đây, lãi suất vay đợt này thấp hơn, góp phần giảm chi phí tài chính cho DN.


Thực tế, từ nửa cuối tháng 8 đến nay, các ngân hàng đã chủ động giảm lãi suất cho vay, nỗ lực tìm khách hàng tốt, dự án hiệu quả để giải ngân thay vì ngồi chờ DN tìm đến như trước đây. Theo đó, chỉ tính riêng TP.HCM, tổng dư nợ cho vay trên địa bàn tính đến cuối tháng 8 ước đạt 767.000 tỷ đồng, tăng 0,8% so với tháng trước và tăng 2,1% so với cùng kỳ. Trong đó, dư nợ trung và dài hạn giảm 6%, dư nợ ngắn hạn tăng 10,3%. Đặc biệt, tín dụng bằng VNĐ tăng 8,2%, trong khi dư nợ cho vay vốn bằng ngoại tệ giảm 12,1%.

 

Khả năng hấp thụ vốn chưa cao


Mặc dù lãi suất cho vay giảm mạnh, nhưng thời hạn cho vay của các ngân hàng trên chủ yếu là ngắn hạn. Tức là thời gian áp dụng mức lãi suất ưu đãi chỉ trong 3 tháng đầu tiên, từ tháng thứ 4 sẽ điều chỉnh theo điều kiện của thị trường. Hơn nữa, do tập trung chủ yếu là cho vay tiêu dùng cá nhân, bất động sản nên không phải khách hàng nào cũng mặn mà. Chính vì vậy, nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, tăng trưởng tín dụng từ nay đến cuối năm nhiều khả năng chỉ đạt mức 2% vì nền kinh tế khó hấp thụ được vốn.


Có ý kiến cho rằng, những chương trình khuyến mãi, hạ lãi suất cho vay dưới mức lãi suất huy động để đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng như BIDV, Techcombank, HDBank, VCB, HSBC... vẫn chỉ là “chiêu” đánh bóng thương hiệu. Thực tế, với tình hình kinh tế khó khăn, thị trường bất động sản trầm lắng, việc bắt tay giữa ngân hàng với DN bất động sản vẫn chưa thể tạo sức hút cho người tiêu dùng và người vay. Bên cạnh đó, không phải DN nào cũng dám vay vốn lúc này dù nhu cầu vay vốn của DN là lớn. Nguyên nhân bởi trong bối cảnh tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn, số DN có khả năng vay để kinh doanh có lãi sau khi trả nợ ngân hàng là không nhiều. Mặt khác, thời gian thực hiện các chương trình tín dụng với lãi suất ưu đãi đều có các quy định giới hạn và sẽ kết thúc chương trình khi đã cho vay hết hạn mức. Như vậy, chỉ những đối tượng nhanh chân tham gia ở giai đoạn đầu mới nhận được "quà" và chỉ được hưởng lãi suất thấp trong thời gian ngắn 3 tháng. Cho dù Ngân hàng Nhà nước có chỉ thị giảm lãi suất, nhưng để lãi suất thực giảm thì còn phải chờ động thái từ phía các NHTM.


Tuy vậy, một số chuyên gia vẫn kỳ vọng, các khoản chi ngân sách vào các dự án đầu tư công có hiệu quả sẽ kéo các ngành sản xuất, kinh doanh phục hồi trở lại, tạo nguồn thu cho ngân sách và kích thích được sức mua của thị trường, hạn chế sức ép hàng tồn kho. Khi đó, dư nợ tín dụng cho vay của các ngân hàng sẽ được cải thiện tốt hơn.

 

Hải Yên