03:23 23/03/2011

Ngân hàng cam kết bán ngoại tệ cho người dân

Sau khi Ngân hàng Nhà nước thông báo sẽ cho phép các ngân hàng thu phí đối với việc giao dịch ngoại tệ tiền mặt, một số ngân hàng thương mại đã cam kết sẽ bán ngoại tệ cho người dân với số lượng cụ thể.

Sau khi Ngân hàng Nhà nước thông báo sẽ cho phép các ngân hàng thu phí đối với việc giao dịch ngoại tệ tiền mặt, một số ngân hàng thương mại đã cam kết sẽ bán ngoại tệ cho người dân với số lượng cụ thể. Ngoài ra, các ngân hàng cũng khuyến khích khách hàng dùng thẻ tín dụng khi tiêu dùng ở nước ngoài thay vì phải mua ngoại tệ tiền mặt.

Cam kết bán ngoại tệ

Để triển khai Nghị quyết số 11 của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) dự kiến sẽ cho phép các tổ chức tín dụng thu phí với việc bán ngoại tệ tiền mặt cho cá nhân để chuyển, mang ra nước ngoài phục vụ nhu cầu hợp pháp với mức phí tối đa là 2% so với tỉ giá niêm yết để giúp thị trường ngoại hối được thông suốt.

Khách hàng giao dịch mua bán ngoại tệ tại Hội sở Ngân hàng Quốc tế. Ảnh: Trần Việt - TTXVN


Thực tế, sau khi NHNN cho biết sẽ cho phép ngân hàng thu phí bán ngoại tệ tiền mặt, hôm qua (23/3), một số ngân hàng thương mại thông báo sẽ bán ngoại tệ cho cá nhân có nhu cầu hợp pháp.

Cụ thể, Ngân hàng DongABank (DAB) cho biết, khách hàng cá nhân khi đi du lịch, thăm viếng người thân, đi công tác, khám - chữa bệnh hay du học ở nước ngoài sẽ được mua ngoại tệ ở nước sẽ đến và trong trường hợp không có đồng tiền nước đó, DAB sẽ xem xét bán euro cho khách hàng. Lượng ngoại tệ tiền mặt cho khách hàng đi du dịch hay công tác ở nước ngoài sẽ được mua tương đương 300 USD/người nếu lưu trú dưới 7 ngày và 600 USD/người nếu trên 7 ngày.

Với nhu cầu đi khám - chữa bệnh, số lượng được mua tương đương 600 USD/ngày và 1.000 USD/người nếu đi trên 7 ngày. Du học sinh được mua số lượng ngoại tệ tương đương từ 100 USD đến tối đa là 7.000 USD/năm/người. DAB cũng có thể đáp ứng ngoại tệ khi khách hàng có nhu cầu mua ngoại tệ nhiều hơn hạn mức.

Tương tự, Ngân hàng Đại Dương (Oceanbank) cũng cam kết bán ngoại tệ với mức tối đa tương đương 7.000 USD cho người dân có nhu cầu hợp pháp như đi học, làm việc, chữa bệnh ở nước ngoài.

Ông Lê Đức Thọ, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank) cho biết, “các nhu cầu chính đáng và thiết yếu của người dân và doanh nghiệp (DN) về ngoại tệ sẽ được ngân hàng đáp ứng đầy đủ”.

Theo ông Thọ: “Vừa qua, thị trường ngoại hối tự do và chỉ số giá tiêu dùng đã khiến một bộ phận người dân găm giữ ngoại tệ. Hiện nay, lạm phát và thị trường ngoại hối đang dần được kiểm soát, hiện tượng găm giữ ngoại tệ cũng giảm và nguồn cung cho thị trường đang lớn lên, từ đó nhu cầu hợp pháp của người dân và doanh nghiệp cũng được đáp ứng”.

Các ngân hàng cho biết, việc cho phép các ngân hàng thương mại được phép thu phí khi giao dịch ngoại hối sẽ khiến hoạt động giao dịch trở nên minh bạch hơn, việc hạch toán cũng hợp pháp. Từ đó, thị trường ngoại hối sẽ trở nên thông thoáng hơn và người dân sẽ có nhiều cơ hội để mua ngoại tệ hơn. “Trước đây không thu phí, khoản chênh lệch tỉ giá không biết hạch toán vào đâu. Nay khi NHNN cho phép việc này thì thị trường sẽ hạch toán minh bạch hơn, khiến thị trường lành mạnh hơn”, ông Nguyễn Thanh Toại, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Á Châu (ACB) cho biết.

“Chính phủ và NHNN đã làm nhiều biện pháp để bình ổn thị trường ngoại hối, đó là những giải pháp đúng hướng mà chúng ta cần làm quyết liệt hơn để thị trường đi vào quỹ đạo ổn định. Việc áp dụng như vậy là rất cần thiết để thị trường theo đúng quy luật và có sự quản lý của Nhà nước”, ông Thọ nói.

Còn theo một lãnh đạo của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), trong thời gian qua, lượng ngoại tệ được bán vào ngân hàng nhiều hơn so với trước đây. Một phần là do chính sách của Nhà nước về việc quản lý thị trường ngoại hối, phần khác là do lãi suất VND đã chênh lệnh nhiều so với lãi suất USD. Do vậy, có một bộ phận doanh nghiệp bán ngoại tệ để chuyển sang gửi bằng VND hưởng lãi suất cao. Để giải quyết căn bản tình trạng găm giữ ngoại tệ thì phải giải quyết được tình trạng nhập siêu.

Khuyến khích dùng thẻ

Ngoài việc cam kết sẽ bán ngoại tệ cho người dân, một số ngân hàng còn khuyến khích khách hàng dùng thẻ tín dụng khi tiêu dùng, mua sắm ở nước ngoài thay vì mua ngoại tệ tiền mặt.

Bà Nguyễn Tú Anh- Công ty cổ phần dịch vụ thẻ Smartlink cho biết, khi sử dụng thẻ tín dụng để tiêu dùng ở nước ngoài rất tiện lợi, thanh toán không phải trả phí, người dân không mất công đi lùng mua ngoại tệ sau đó lại mất phí chênh lệch khi chuyển đổi.

Cùng chung quan điểm trên, Tổng Giám đốc DAB, Trần Phương Bình cho biết, từ lâu các ngân hàng đã khuyến khích khách hàng mở thẻ tín dụng để thanh toán các chi phí khi ở nước ngoài. Đây là một giải pháp tiên tiến và tiện lợi, lại an toàn cho người sử dụng thẻ.

Theo bà Tú Anh, trong thời gian qua, một số ngân hàng thu phí sử dụng thẻ tín dụng vì tỷ giá ở bên trong và bên ngoài ngân hàng chênh lệnh nhau. Tỷ giá niêm yết của ngân hàng thấp hơn nhiều tỷ giá mua bán ngoài tự do nên để tránh tình trạng có người lợi dụng rút ngoại tệ ở nước ngoài rồi về Việt Nam bán để kiếm lời nên các ngân hàng đã thu phí. Tuy nhiên, hiện nay một số ngân hàng đã bỏ khoản phí này, sau này khi thị trường ngoại tệ ổn định hơn, các khoản phí này sẽ dần được xóa bỏ. Người dân chỉ mất 300.000 – 400.000 đồng lệ phí duy trì thẻ.

Theo các ngân hàng, thanh toán bằng thẻ là giải pháp tiên tiến và được sử dụng phổ biến ở nhiều nước. Khách hàng nộp tiền VND vào tài khoản thẻ và sau đó có thể sử dụng thẻ để thanh toán tại nhiều quốc gia. Theo Phó TGĐ Vietinbank – ông Lê Đức Thọ, việc sử dụng thanh toán qua thẻ cũng là một cách sử dụng ngoại tệ chính thức và người dân không nhất thiết phải dùng tiền mặt.

Hữu Vinh