05:15 26/05/2011

Ngăn chặn dịch bệnh đốm trắng ở tôm sú

Những ngày gần đây, dịch bệnh đốm trắng đã phát sinh trên diện tích nuôi tôm sú tại 2 huyện ven biển Tiền Hải và Thái Thụy của tỉnh Thái Bình, gây thiệt hại cho các hộ nuôi tôm.

Những ngày gần đây, dịch bệnh đốm trắng đã phát sinh trên diện tích nuôi tôm sú tại 2 huyện ven biển Tiền Hải và Thái Thụy của tỉnh Thái Bình, gây thiệt hại cho các hộ nuôi tôm.

Vụ tôm năm nay, toàn tỉnh nuôi thả 265 triệu con tôm giống trên diện tích khoảng gần 3.000 ha, giảm so với các năm trước do chuyển một phần diện tích sang nuôi cá, ngao... Sau khi thả nuôi vào trung tuần tháng 4, tôm phát triển bình thường. Tuy nhiên, từ đầu tháng 5 đến nay xảy ra hiện tượng tôm chết nhiều, tập trung ở các vùng chuyển đổi của xã Đông Minh (huyện Tiền Hải). Lúc đầu chỉ có 2 hộ nuôi trong xã có ao tôm bị nhiễm bệnh, nhưng đến nay đã lên tới 44 hộ với diện tích 5,4 ha. 4 xã khác của huyện Tiền Hải là Nam Cường, Nam Thắng, Nam Thịnh, Đông Hải và xã Thái Đô (huyện Thái Thụy) cũng phát hiện dịch bệnh đốm trắng trên tôm sú với tổng diện tích nhiễm bệnh lên tới 14,2 ha của 104 hộ.


Ảnh internet



Theo ông Đỗ Quý Phương, Chi cục phó Chi cục thú y tỉnh, qua kiểm tra các ao nuôi tôm sú bị bệnh ở các địa phương trên, hầu hết đều là những vùng có mầm bệnh trước đây. Nguyên nhân phần lớn tôm chết là do thời tiết thời gian qua không thuận lợi, nắng nóng, mưa nhiều làm biến đổi đột ngột các chỉ tiêu cơ bản của môi trường nước, làm giảm sức đề kháng của tôm.

Trong khi đó, việc xử lý phòng bệnh tổng hợp ao nuôi từ đầu vụ chưa triệt để, không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, nước lấy trực tiếp vào ao nuôi không qua lắng lọc, xử lý hóa chất tạo cho mầm bệnh trong ao phát triển và gây bệnh. Đặc biệt, khi tôm bệnh, các hộ nuôi lại không tiêu hủy theo đúng hướng dẫn của ngành chuyên môn, mà tự ý xả thải nên dịch bệnh càng lây lan nhanh hơn. Một nguyên nhân nữa không thể không nói đến là phần lớn các hộ có ao tôm bị bệnh đều mua tôm giống của các chủ kinh doanh nhập về từ Nha Trang, Đà Nẵng, Hải Phòng...không qua kiểm dịch, không được thuần trước khi thả khiến tôm bị nhiễm bệnh và lây lan sang các vùng khác.

Chi cục thú y và Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh đã phân công cán bộ trực tiếp xuống kiểm tra, lấy mẫu bệnh phẩm xác minh dịch bệnh, đồng thời ứng trên 300 trăm kg hóa chất Chlorine để hỗ trợ các hộ xử lý dịch bệnh.

Theo nhận định, nguy cơ dịch bệnh đốm trắng ở tôm tiếp tục phát triển và lây lan sang các vùng khác rất cao. Vì vậy, ngành chuyên môn của tỉnh phối hợp với Phòng nông nghiệp của huyện Tiền Hải và Thái Thụy chỉ đạo, hướng dẫn các hộ nuôi tôm các biện pháp xử lý dịch bệnh. Đối với các ao tôm chết do nhiễm vi rút đốm trắng, yêu cầu các hộ tiêu hủy toàn bộ ao tôm bị nhiễm bệnh bằng hóa chất Chlorine (nồng độ 30 ppm); quản lý chặt nước trong ao sau 7 - 10 ngày mới được thải nước đi và lấy nước vào để nuôi mới, hoặc chuyển đổi nuôi đối tượng khác. Còn đối với các ao có tôm chết còn nghi ngờ, có thể do môi trường nước trong ao nuôi bị ô nhiễm thì xử lý ngay môi trường ao nuôi bằng vôi bột, Zeolite và BKA...

Thanh Phú