04:13 02/04/2015

Nga và các nước vùng Vịnh bất đồng về giải pháp cho Yemen

Bất đồng giữa Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh và Nga đang chặn đứng nỗ lực giải quyết tình hình khủng hoảng tại Yemen.

Bất đồng giữa Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) và Nga tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đang chặn đứng nỗ lực xây dựng một dự thảo nghị quyết liên quan tới giải quyết tình hình khủng hoảng tại Yemen.

GCC đã bắt đầu thương thảo với 5 nước ủy viên thường trực HĐBA LHQ (gồm Mỹ, Pháp, Anh, Nga và Trung Quốc) cùng Jordan ngay sau khi Saudi Arabia tiến hành một chiến dịch không kích nhằm vào lực lượng phiến quân Hồi giáo Houthi theo dòng Shi'ite tại Yemen ngày 26/3 mà không có ủy nhiệm từ LHQ.

Hiện trường một vụ không kích nhằm vào phiến quân Houthi ở Yemen do Saudi Arabia tiến hành gần sân bay thủ đô Sanaa. Ảnh: AFP/TTXVN


Tuy nhiên, nguồn tin ngoại giao ngày 1/4 cho biết GCC hiện không theo đuổi một nghị quyết ủng hộ hành động quân sự do Saudi Arabia dẫn đầu tại Yemen, thay vào đó mong muốn thúc đẩy một lệnh cấm vận vũ khí cùng các trừng phạt nhằm vào lực lượng Houthi.

Nỗ lực này của GCC đang vấp phải sự phản đối từ Nga. Moskva không ủng hộ việc áp đặt trừng phạt lên phiến quân Houthi mà đề xuất các sửa đổi theo đó mở rộng phạm vi cấm vận đối với tất cả các bên trong cuộc xung đột, bao gồm cả lực lượng của Tổng thống Abd-Rabbu Mansour Hadi. Bên cạnh đó, Nga cũng đề nghị lập một danh sách các thủ lĩnh phe đối lập để xem xét liệt vào diện cấm đi lại và đóng băng tài sản.

Đàm phán về giải pháp cho tình hình khủng hoảng tại Yemen diễn ra trong bối cảnh LHQ đang quan ngại về tình hình thương vong sau chiến dịch không kích kéo dài 7 ngày do Saudi Arabia dẫn đầu. Báo cáo của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cho biết có ít nhất 62 trẻ em đã thiệt mạng trong tuần qua.

Các cơ quan cứu trợ cũng báo động về tình trạng an toàn của người dân mắc kẹt trong các cuộc giao tranh. Dự thảo nghị quyết đang được thảo luận tại HĐBA hướng tới nối lại đối thoại chính trị giữa các bên, vốn bị cắt đứt sau khi phiến quân Hồi giáo Houthi đẩy mạnh các chiến dịch tấn công buộc Tổng thống Hadi phải tới Saudi Arabia lánh nạn.

Tình hình an ninh tại Yemen đã xấu đi nghiêm trọng kể từ đầu tháng 3 khi nhiều cuộc giao tranh nổ ra ở một vài tỉnh miền Nam nước này.

Ngày 26/3 vừa qua, liên minh Arab do Saudi Arabia dẫn đầu đã bắt đầu các cuộc không kích nhằm vào phiến quân Houthi ở thủ đô Sanaa và các thành phố khác của Yemen với lý do hoạt động đa quốc gia này là nhằm bảo vệ tính hợp pháp của Tổng thống Mansour Hadi.


TTXVN/Tin tức