10:13 06/10/2014

Nga, Trung và cuộc cạnh tranh chiến lược ở Trung Á

Nỗi sợ hãi của Mỹ về mối quan hệ Nga-Trung Quốc đã bị cường điệu quá mức. Không có nơi nào khác cung cấp một mảnh đất màu mỡ hơn cho cuộc cạnh tranh địa chiến lược giữa Nga và Trung Quốc bằng khu vực ngoại biên chung của họ, Trung Á, nơi được cho là khu vực "nước ngoài ở gần" của Moskva.

Một trong số những lời chỉ trích quyết liệt đối với nỗ lực của Washington trong việc trừng phạt Nga liên quan đến cuộc khủng hoảng ở Ukraine là điều này đã dẫn đến việc Moskva và Bắc Kinh xích lại gần nhau hơn trong một liên minh chống Mỹ. Những quan ngại như vậy thực ra là không có căn cứ, trước hết là vì cả hai nước trên thực sự đã là đối tác chiến lược gần gũi, nhưng quan trọng hơn họ lại không thực sự tin tưởng nhau. Sự thật là họ vẫn “đồng sàng dị mộng”.

Đó là nhận định chung của hai ông Virginia Marantidou, một thành viên của Chương trình WSD-Handa tại Diễn đàn Thái Bình Dương và Ralph A. Cossa, Chủ tịch Diễn đàn Thái Bình Dương thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS). Trong một bài bình luận trên Bản tin định kỳ PacNet của CSIS, các chuyên gia trên đã đưa ra một số nhận xét sau:

Tất nhiên, cũng không thể nói rằng hợp tác Nga-Trung đã không có sự phát triển đáng kể. Cuối năm ngoái, hai nước đã ký một hợp đồng năng lượng trị giá 400 tỷ USD. Hai bên cũng đã đồng ý giao dịch với nhau bằng đồng tiền riêng của mỗi nước, thay vì sử dụng đồng USD của Mỹ. Sau đó 1 tháng, trong một tuyên bố chung tại Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ tư về Phối hợp hành động và Các biện pháp xây dựng lòng tin ở châu Á (CICA), lãnh đạo hai nước đã cam kết tăng cường mối quan hệ đối tác chiến lược của họ. Cả Nga và Trung Quốc cũng đã thường xuyên phủ quyết hoặc làm dịu đi những nghị quyết của Liên Hợp Quốc do Mỹ bảo trợ về cuộc nội chiến ở Syria và vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên.

Trung Quốc và Nga có sự cạnh tranh địa chiến lược ở khu vực Trung Á. Trong Ảnh: Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) và Tổng thống Nga Putin.


Nhưng nỗi sợ hãi về mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc đã bị cường điệu quá mức. Ẩn bên trong mối quan hệ này có một sự cạnh tranh ngấm ngầm giữa hai nước. Moskva và Bắc Kinh có lẽ đang hưởng “tuần trăng mật” nhưng đây là một “cuộc hôn nhân gượng ép”. Không có nơi nào khác cung cấp một mảnh đất màu mỡ hơn cho cuộc cạnh tranh địa chiến lược giữa hai nước bằng khu vực ngoại biên chung của họ, Trung Á, nơi được cho là khu vực "nước ngoài ở gần" của Nga.

Có một thực tế là sự hiện diện và tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh ở Trung Á – bao gồm các nước như Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan – ngày càng tăng lên. Chiến lược hướng Tây này của Trung Quốc được Chủ tịch Tập Cận Bình khởi xướng trong sáng kiến “Vành đai kinh tế Con đường Tơ lụa mới” của ông, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của Trung Á đối với sự phát triển và kinh tế của Trung Quốc. Trung Á là giàu tài nguyên và vì gần với Trung Quốc nên cung cấp một cơ hội lớn về nhập khẩu năng lượng giá rẻ và đáng tin cậy. Bắc Kinh đang đầu tư hàng tỷ USD trong lĩnh vực năng lượng bao gồm một loạt các hợp động với Kazakhstan trị giá 16 tỷ USD.

Trung Quốc cũng cho Turkmenistan vay và viện trợ 8 tỷ USD và được cho là cung cấp cho Tajikistan ít nhất 1 tỷ USD. Năm ngoái, Trung Quốc đã nâng cấp mối quan hệ với Kyrgyzstan lên tầm chiến lược. Có lẽ quan trọng hơn, Bắc Kinh coi các quốc gia Trung Á như là những đồng minh quan trọng trong cuộc chiến chống lại lực lượng Hồi giáo cực đoan vốn kích động sự bất ổn sắc tộc ở khu vực phía tây của nước này. Cuối cùng, khi Mỹ tái cân bằng tới Đông Á, Trung Quốc buộc phải tìm cách mở rộng không gian chiến lược của mình tới phía tây.

Trong khi đó, nếu Ukraine được coi là "sân trước" của Nga, thì Trung Á phải được xem là "sân sau" của nước này. Moskva có mối quan hệ chính trị, kinh tế và lịch sử lâu dài với các chính phủ ở Trung Á. Nga cũng đã tìm cách củng cố những mối quan hệ này thông qua những sáng kiến hội nhập khu vực như Cộng đồng các quốc gia độc lập, Liên minh Hải quan và Liên minh kinh tế Á-Âu. Đặc biệt, Moskva cần phải duy trì kiểm soát việc xuất khẩu nguồn tài nguyên và năng lượng ở Trung Á để bảo vệ vị thế của riêng mình trên thị trường này: Trung Á là một đối thủ cạnh tranh tiềm năng đối với lĩnh vực xuất khẩu năng lượng của Nga, nhân tố sống còn của nền kinh tế nước này. Quyền sở hữu mạng lưới đường ống dẫn khí thời Xô-viết cũ của Moskva cho phép nước này kiểm soát về lĩnh vực xuất khẩu năng lượng ở Trung Á. Nga cũng có khả năng nâng cao chất lượng sản phẩm của mình bằng cách pha trộn với nguồn dầu có chất lượng cao từ Kazakhstan, trong khi duy trì việc kiểm soát về giá cả và nguồn cung.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) trong chuyến công du Trung Á gần đây.


Ở mức độ nào đó, những lợi ích của Nga và Trung Quốc đã hội tụ với nhau tại khu vực này. Những mối quan ngại an ninh phi truyền thống như chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo cũng đã khiến hai nước xích lại gần nhau, dẫn đến việc hợp tác sâu rộng hơn trong Tổ chức Hợp tác Thượng hải (SCO). Nhưng sự can dự sâu hơn của Trung Quốc vào khu vực Trung Á dẫn đến sự cạnh tranh là không thể tránh khỏi. Với Nga, sự cạnh tranh sẽ ngày càng khốc liệt hơn.

Khi mà các nước Trung Á giàu năng lượng khai thác các tuyến đường cung ứng mới, chẳng hạn như đường ống dẫn dầu Trung Quốc-Kazakhstan, Nga có nguy cơ bị mất đi ảnh hưởng của mình với sự xuất hiện của đối thủ cạnh tranh mới. Những lợi nhuận thấp hơn từ việc xuất khẩu năng lượng kết hợp với những thách thức kinh tế và sự mất giá của đồng tiền sẽ ảnh hưởng đến vấn đề tăng trưởng kinh tế của Nga. Mặc dù, về kinh tế, Nga vẫn còn quan trọng đối với các nước Trung Á khi lượng kiều hối từ những người lao động Trung Á ở Nga gửi về vẫn cần thiết để duy trì nền kinh tế của họ.

Tuy nhiên, sự can dự ngày càng tăng trong lĩnh vực kinh tế của Trung Quốc tạo cho các quốc gia Trung Á một cơ hội để đa dạng mối quan hệ kinh tế của các nước này. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Tajikistan, Kazakhstan, Turkmenistan và Kyrgyzstan. Thương mại của Trung Quốc với khu vực này đạt 46 tỷ USD năm 2012, gần như gấp đôi so với Nga. Đối mặt với một Trung Quốc mạnh hơn về kinh tế, Nga sẽ phải sử dụng nhiều nguồn lực hơn để theo kịp và giữ Trung Á trong quỹ đạo của mình. Do đó, tình trạng trì trệ về kinh tế và khả năng xảy ra bất ổn kéo dài ở khu vực sân trước của Nga có thể là một thách thức đối với Moskva.

Nhiều người coi việc buôn bán vũ khí là một ví dụ điển hình về một mối quan hệ hợp tác mạnh mẽ giữa Nga và Trung Quốc. Tuy nhiên, trong khi Nga bán nhiều loại vũ khí cho Trung Quốc, nước này cũng bán với số lượng lớn hơn cho Ấn Độ, đối thủ cạnh tranh chiến lược của Trung Quốc. Bên cạnh đó, Nga từ chối bán vũ khí tiên tiến cho Trung Quốc nhằm bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình và vì sợ rằng quân đội Trung Quốc có thể trở nên quá mạnh. Kết quả là, việc buôn bán vũ khí đã trở thành một nguồn cơn của sự căng thẳng giữa hai nước và số lượng cũng đã giảm đáng kể trong những năm gần đây.

Việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan có thể cũng sẽ tạo ra một khoảng trống ở Nam Á, nguy cơ đe dọa sự ổn định của các quốc gia xung quanh nước này. Nhiều nhân tố nguy hiểm của Taliban là những tay súng người Trung Á. Chính phủ các nước Trung Á đã bày tỏ lo ngại về sự trở về của các tay súng này để tiếp tục cuộc thánh chiến. Nhằm tìm cách ngăn chặn sự lây lan đó, Trung Quốc và Nga sẽ phải lấp khoảng trống ở cả Nam Á và Trung Á. Điều này có thể dẫn đến triển vọng cạnh tranh quyết liệt hơn về việc ai sẽ đảm bảo an ninh khu vực. Vấn đề thực sự là ở bất cứ nơi nào cũng bắt gặp sự cạnh tranh giữa Nga và Trung Quốc. Ví dụ, ở vùng Viễn Đông của Nga, Moskva lo ngại sự “xâm lấn” của Bắc Kinh. Vì ở xa thủ đô và có dân cư thưa thớt, vùng Viễn Đông của Nga đã thu hút ngày càng nhiều thương nhân Trung Quốc.

Trung Quốc đang bắt đầu khẳng định lại mình như là một cường quốc lục địa, trong khi Nga phải đấu tranh để duy trì ưu thế kinh tế và chính trị ở Trung Á. Đối mặt với sự cạnh tranh lớn của Mỹ ở Đông Á, Bắc Kinh đang chuyển hướng về phía tây để tận dụng lợi thế về những gì mà nước này cho là khoảng trống ở Trung Á. Cuộc cạnh tranh địa chiến lược lớn phiên bản thế kỷ 21 thực sự đang diễn ra.


Công Thuận (Theo CSIS)