06:22 26/06/2014

Nga tìm đối tác quân sự thay thế Ukraine

Theo báo chí Nga, Phó Thủ tướng Kyrgyzstan Valeri Dil vừa kết thúc chuyến thăm Nga với lời hứa của Moskva sẽ tích cực giúp đỡ Kyrgyzstan hiện đại hóa quân đội trong 2 năm tới.

Theo báo chí Nga, Phó Thủ tướng Kyrgyzstan Valeri Dil vừa kết thúc chuyến thăm Nga với lời hứa của Moskva sẽ tích cực giúp đỡ Kyrgyzstan hiện đại hóa quân đội trong 2 năm tới.

 

Cảnh sát đặc nhiệm Kyrgyzstan trong cuộc diễn tập ở Kant, cách thủ đô Bishkek khoảng 20 km. Ảnh: AFP/TTXVN

Thông tin này được giới chức quân sự sở tại vui mừng đón nhận, nhất là giới lãnh đạo ngành công nghiệp quốc phòng, vì ngành này đang rơi vào tình trạng đình trệ sản xuất.


Các nhà quan sát cho rằng để xác định tương lai hợp tác kỹ thuật - quân sự giữa Moskva và Bishkek, trước hết cần đánh giá năng lực của ngành công nghiệp quốc phòng Kyrgyzstan, khả năng và những lĩnh vực sản xuất mà nước này có thể mang lại lợi ích cho Nga.


Theo thông tin của giới nghiên cứu quân sự, tại thời điểm Liên Xô sụp đổ, Kyrgyzstan được xem là quê hương của các sản phẩm vi điện tử, thiết bị cho tàu ngầm, silicon siêu sạch để chế tạo các thiết bị điện tử và sản xuất ngư lôi, đầu đạn… Trong khi đó, sau 23 năm độc lập, phần lớn các ngành sản xuất này đều dừng hoạt động do không được đầu tư và không có hợp đồng. Rất nhiều nhà máy, công xưởng và thiết bị sản xuất đã được dỡ bán dưới dạng phế liệu cho Trung Quốc hoặc Iran.


Hiện Kyrgyzstan chỉ còn giữ lại được một số hạng mục sản xuất song cũng ở trong tình trạng rất báo động. Nhà máy Dastan, một trong những trung tâm sản suất chi tiết chế tạo ngư lôi và nhà máy mang tên Lenin, chuyên sản xuất các loại đầu đạn là hai trong số cơ sở sản xuất hiếm hoi còn có thể khôi phục hoạt động. Theo lời Phó thủ tướng Valeri Dil, trong các cuộc hội đàm, Nga bày tỏ sự quan tâm hợp tác với hai nhà máy nói trên.


Được biết, các cuộc đàm phán về hợp tác kỹ thuật - quân sự giữa Moskva và Bishkek đã được tiến hành từ lâu. Năm 2001, hai nước đạt được thỏa thuận chuyển giao việc cổ phần hóa các xí nghiệp quốc phòng lớn nhất của Kyrgyzstan cho Nga và đổi lại việc thanh toán nợ. Theo tính toán, bằng cách này, các xí nghiệp quốc phòng của Kyrgyzstan sẽ có thêm đơn đặt hàng, tạo ra việc làm và thu nhập cho ngân sách. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân, lần lượt các thỏa thuận đều nằm trên giấy.


Do vậy, quân đội Kyrgyzstan được đánh giá là một trong những lực lượng vũ trang yếu nhất ở Trung Á, kể cả về số lượng quân nhân, sự lạc hậu cơ sở hạ tầng quân sự lẫn tính chuyên nghiệp. Để hiện đại hóa tổng thể, Kyrgyzstan cần một lượng tài chính không nhỏ mà ngân sách nước này hiện không thể đáp ứng và cũng chưa thể tìm thấy một nguồn tiền trong tương lai. Nghĩa là Kyrgyzstan cần đến những nguồn viện trợ hoặc đầu tư từ bên ngoài.


Trong hợp tác quốc tế, Kyrgyzstan hiện có quan hệ với Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ và Nga. Các nước này ít nhiều đều có hình thức viện trợ không hoàn lại cho Kyrgyzstan hoặc cung cấp miễn phí các phương tiện giao thông, liên lạc và các loại phụ tùng, song chỉ mang tính tượng trưng chứ không thể giúp quân đội nước này thay đổi hiện trạng. Trong bối cảnh như vậy, việc ông Valeri Dil trở về với lời cam kết của Nga giúp đỡ hiện đại hóa quân đội nước này với nguồn trợ giúp lên đến 2 tỷ USD rõ ràng là một tin vui, mặc dù số tiền này chưa đủ để hiện đại hóa toàn bộ lực lượng vũ trang của Kyrgystan.


Các nhà phân tích cho rằng trước những diễn biến gần đây ở Ukraine, đặc biệt khi Kiev sẽ ký thỏa thuận liên kết với châu Âu vào ngày hôm nay (27/6) và trong tương lai có thể sẽ cắt đứt vĩnh viễn các mối quan hệ với không gian hậu Xôviết, Nga đang có nhu cầu cấp thiết tìm kiếm các đối tác mới thay thế Ukraine trong hợp tác kỹ thuật - quân sự để nền công nghiệp quốc phòng của Nga hoạt động ổn định và tiếp tục giữ vị thế là một trong các nền sản xuất vũ khí hiện đại nhất thế giới.


Để thực hiện mục tiêu này, Nga hướng trước hết đến các nước cộng hòa thuộc Liên Xô trước đây vốn có chung hạ tầng sản xuất và nền tảng công nghệ được thừa hưởng từ Liên Xô. Trong đó, Belarus, Kazakhstan và Kyrgyzstan nổi lên là những đối tác triển vọng. Bên cạnh đó, đây cũng gần như là bước đi bắt buộc bởi sau cuộc khủng hoảng Crimea, Mỹ và phương Tây đã chấm dứt hoàn toàn sự hợp tác quân sự với Nga như một hình thức cấm vận.


Cao Cường