04:09 27/04/2011

Nga phản đối leo thang can thiệp vào Libi

Ngày 26/4, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố Mátxcơva sẽ không ủng hộ một nghị quyết mới của HĐBA LHQ về Libi nếu nghị quyết này dẫn tới “sự leo thang nội chiến bằng bất kỳ biện pháp nào, trong đó có sự can thiệp của nước ngoài”.

Ngày 26/4, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố Mátxcơva sẽ không ủng hộ một nghị quyết mới của HĐBA LHQ về Libi nếu nghị quyết này dẫn tới “sự leo thang nội chiến bằng bất kỳ biện pháp nào, trong đó có sự can thiệp của nước ngoài”. Tuy nhiên, phát biểu với hãng tin Interfax, Ngoại trưởng Lavrov khẳng định Nga có thể ủng hộ một nghị quyết mới của LHQ nếu nghị quyết đó “kêu gọi ngay lập tức chấm dứt mọi bạo lực, đổ máu, sử dụng vũ lực và hành động quân sự, đồng thời kêu gọi tất cả các bên lập tức ngồi vào bàn đàm phán”.

Một chiếc xe tăng của quân chính phủ Libi bị phá hủy sau các trận không kích của NATO tại Misrata. Ảnh: AFP/TTXVN

Liên minh châu Phi (AU) cùng ngày cho biết Ngoại trưởng Libi Abdelati Obeidi và hai đại diện của phe đối lập đã đến Êtiôpia để thảo luận với các quan chức AU về một giải pháp khả thi cho cuộc xung đột tại quốc gia Bắc Phi này. Ngoài ra, hai bên còn có các cuộc thảo luận riêng với đại diện LHQ và Liên minh châu Âu (EU). Ủy viên AU phụ trách Hòa bình và An ninh Ramtane Lamamra cho biết đây là lần đầu tiên phe đối lập tham dự một cuộc gặp do AU tổ chức vì trước đó, lực lượng này đã bác bỏ sáng kiến hòa bình của tổ chức này với lý do không có điều khoản nhà lãnh đạo Libi Moamer Kadhafi phải từ bỏ quyền lực.

Trong khi đó, theo phóng viên TTXVN tại Luân Đôn, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Liam Fox và Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Anh, Tướng David Richards, ngày 26/4 đã đến Mỹ để bàn thảo về chiến dịch can thiệp quân sự tại Libi. Cũng trong ngày 26/4, văn phòng Thủ tướng Italia Silvio Berlusconi tuyên bố Italia sẽ tham gia các cuộc không kích của NATO tại Libi.
Ngày 26/4, lực lượng trung thành với nhà lãnh đạo Kadhafi đã mở một cuộc tấn công lớn nhằm chiếm lại thành phố cảng Misrata. Mặc dù tuyên bố vẫn kiểm soát thành phố này nhưng phe đối lập cũng phải thừa nhận họ đang bị quân đội chính phủ bao vây và tấn công quyết liệt. Các nhân chứng tại Misrata cho biết vẫn nghe thấy tiếng súng trường và rốckét tại các khu vực cửa ngõ vào thành phố này.

Phương Tây gia tăng sức ép chống Xyri

Trong khi đó, Mỹ ngày 26/4 cho biết đang cân nhắc áp đặt “các biện pháp trừng phạt có chủ đích” đối với chính phủ Xyri. Người phát ngôn Nhà Trắng Tommy Vietor khẳng định, Oasinhtơn tiếp tục tìm kiếm các biện pháp và đang cân nhắc một loạt những lựa chọn, trong đó có những biện pháp trừng phạt có mục đích như phong tỏa tài sản và cấm các thỏa thuận buôn bán với Mỹ. Trước đó, Bộ Ngoại giao Mỹ đã ra lệnh cho người thân của nhân viên cũng như một số nhân viên không giữ nhiệm vụ khẩn cấp trong sứ quán của nước này rời khỏi Xyri.

Hãng thông tấn SANA của Xyri ngày 26/4 dẫn nguồn tin chính phủ nước này cho biết việc Xyri triển khai quân đội tại thành phố Daraa ngày 25/4 là để đáp ứng các yêu cầu của người dân nhằm chấm dứt tình trạng “giết chóc, phá hoại và đe dọa của các phần tử khủng bố”. Theo chính phủ Xyri, các đơn vị quân đội triển khai tại Daraa có nhiệm vụ khôi phục an ninh và ổn định đời sống thường nhật của người dân. Hiện tại, các đơn vị này đang truy tìm các nhóm, phần tử quá khích đụng độ với các lực lượng an ninh và có thể sẽ bắt giữ một số phần tử này cũng như tịch thu vũ khí và đạn dược.

Phe đối lập Yêmen chấp nhận kế hoạch chuyển giao quyền lực

Tại Yêmen ngày 26/4, phe đối lập đã chấp thuận toàn bộ kế hoạch sửa đổi của Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) nhằm giải quyết khủng hoảng ở Yêmen, theo đó Tổng thống Ali Abdullah Saleh có tối đa 30 ngày để tuyên bố từ chức kể từ khi ký kế hoạch chuyển giao quyền lực này. Dự kiến kế hoạch trên sẽ được chính phủ và phe đối lập ký kết vào đầu tuần tới.

Theo người phát ngôn phe đối lập Yêmen, ông Mohammed Qahtan, lực lượng này đã thông báo quyết định trên cho Chủ tịch GCC Rashid Al-Zayani, trong đó nêu rõ Liên minh Diễn đàn Chung (JMP) của phe đối lập sẽ thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc ngay sau khi Tổng thống Saleh ký kế hoạch chuyển giao quyền lực đã sửa đổi do GCC đề xuất và chính phủ lâm thời này sẽ tuyên thệ nhậm chức trước ông Saleh. Theo ông Qahtan, các đại diện phe đối lập sẵn sàng ký bản kế hoạch này ngay khi được yêu cầu.

Tuy nhiên, việc phe đối lập chấp thuận kế hoạch của GCC cũng không làm dịu những cuộc biểu tình đang leo thang ở Yêmen. Các nhân chứng cho biết hàng trăm nghìn người ở Yêmen ngày 26/4 vẫn tiếp tục xuống đường biểu tình đòi Tổng thống Saleh từ chức ngay lập tức.

H.H