12:06 26/12/2014

Nga khẳng định đồng ruble ngừng rớt giá

Phát biểu tại cuộc họp Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga ngày 25/12, Bộ trưởng Tài chính Anton Siluanov khẳng định cuộc “khủng hoảng” đồng ruble đã tạm qua đi. Trong bối cảnh giá dầu thô hồi phục nhẹ, đây có thể coi là một yếu tố tích cực đối với nền kinh tế Nga.

Phát biểu tại cuộc họp Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga ngày 25/12, Bộ trưởng Tài chính Anton Siluanov khẳng định cuộc “khủng hoảng” đồng ruble đã tạm qua đi. Trong bối cảnh giá dầu thô hồi phục nhẹ, đây có thể coi là một yếu tố tích cực đối với nền kinh tế Nga.

Lấy lại đà tăng

Trong phiên giao dịch ngày 26/12, tỉ giá giữa đồng ruble và đồng USD hầu như không thay đổi và dao động quanh ngưỡng 52,6 RUB/1 USD. Sau 6 kì giao dịch liên tiếp, đồng nội tệ của Nga đã lấy lại được hơn 50% giá trị so với thời điểm “rớt” xuống mức thấp kỉ lục 81 RUB/USD vào “Ngày thứ Ba đen tối” hôm 16/12. Đồng tiền của Nga đã tìm được lại mức cân bằng và tăng giá trở lại so với các ngoại tệ mạnh khác. Bộ trưởng Tài chính Anton Siluanov cũng cho biết, so với mức giá dầu mỏ hiện nay, đồng ruble đang bị đánh giá thấp hơn giá trị thực.

Đồng ruble đã tạm ngừng rớt giá.


Tuy nhiên, theo đánh giá chung những khó khăn phía trước đối với nền kinh tế Nga vẫn chưa sớm dừng lại, nhất là khi tỉ lệ lạm phát tăng cao và biến động khó lường trên thị trường dầu mỏ thế giới. Ông Andrei Belousov, phụ tá kinh tế của Tổng thống Nga cho biết, tỉ lệ lạm phát tại Nga có thể lên mức 11% vào cuối năm nay, vượt mốc “tâm lý” 10%, lần đầu tiên tiệm cận lạm phát phi mã kể từ thời điểm nổ ra khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 - 2009. Giá cả một số mặt hàng như thịt bò, cá đã tăng 40 - 50% trong vài tháng trở lại đây, sau khi Moskva áp lệnh cấm nhập khẩu một số sản phẩm thịt, nông sản từ phương Tây để trả đũa lệnh cấm vận của Mỹ, Liên minh châu Âu (EU).

Các tổ chức định mức tín nhiệm cũng liên tiếp đưa ra những đánh giá bất lợi đối với Nga. Hãng Standard &Poor (S&P) cho biết “gần như chắc chắn” sẽ hạ mức tín nhiệm của Nga xuống dưới ngưỡng “không khuyến khích đầu tư” trong 90 ngày.

Giá dầu đi về đâu?

Trong phiên giao dịch ngày hôm qua (26/12), giá dầu trên thị trường châu Á tăng do những bất ổn gia tăng tại Libya. Tại Singapore, giá dầu ngọt nhẹ New York giao tháng 2/2015 tăng 10 xu Mỹ lên 55,94 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ hạn cũng tăng 9 xu Mỹ lên 60,33 USD/thùng. Giao dịch dầu mỏ ở châu Á thưa thớt hơn so với bình thường do các thị trường tài chính chủ chốt của khu vực, trong đó có Hong Kong và Australia, đóng cửa nghỉ lễ. Trước đó, hôm 25/12, Phó Thủ tướng Nga Arkady Dvorkovich tuyên bố Moskva có thể giảm sản lượng khai thác dầu từ năm 2015, do giá dầu thấp và thiếu vốn đầu tư cho ngành này. Ông Dvorkovich dự báo giá dầu sẽ ở mức ngang bằng hoặc thấp hơn hiện nay, sau đó sẽ tăng lên khoảng 80 USD/thùng.

Diễn biến giá dầu sẽ có ảnh hưởng mạnh đến triển vọng kinh tế Nga trong năm 2015, khi dầu mỏ và khí đốt là nguồn thu chính của nước này. Bộ Tài chính Nga đã chuẩn bị kịch bản suy giảm kinh tế nếu giá dầu dao động trong khoảng 40 - 60 USD/thùng. Theo đó, nếu giá dầu ở mức 60 USD/thùng, GDP của Nga được dự báo sẽ giảm 5%. Còn mức dưới 40 USD/thùng sẽ làm cho đà suy thoái trầm trọng hơn, có thể lên đến âm 9%.

Các yếu tố chủ chốt để giá dầu lấy lại đà tăng ổn định trong trung và dài hạn vẫn chưa xuất hiện. Nhu cầu yếu từ các nước nhập khẩu cùng với việc các thành viên Tổ chức xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) không cắt giảm sản lượng là những trở ngại chính của giá dầu. Là một thành viên lớn nhất của OPEC, Saudi Arabia được cho là ngầm hợp tác với phương Tây ghìm giá dầu nhằm siết chặt kinh tế Nga. Tuy nhiên, nước này cũng đã cảm nhận được những tác động dội ngược đầu tiên sau khi dự toán ngân sách năm 2015 vừa được thông qua cho thấy nước này có thể sẽ thâm hụt ngân sách cao kỷ lục 38,6 tỷ USD trong năm tới. Đáng chú ý, ngân sách này được Riyadh tính toán trên cơ sở giá dầu ở mức 80 USD/thùng, cao hơn nhiều so với hiện nay. 

Hoài Thanh