11:17 10/11/2014

Nga coi hợp tác với châu Á-Thái Bình Dương là ưu tiên chiến lược

Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố Nga và các nước thuộc khu vực châu Á-Thái Bình Dương cần phải tận dụng tiềm năng hợp tác để đem lại lợi ích cho cả hai bên.

Nga và các nước thuộc khu vực châu Á-Thái Bình Dương cần phải tận dụng tiềm năng hợp tác để đem lại lợi ích cho cả hai bên. Đây là tuyên bố Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa ra ngày 10/11 tại Hội nghị thượng đỉnh Doanh nghiệp Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) đang diễn ra ở Bắc Kinh, Trung Quốc.

Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: TTXVN


Người đứng đầu nước Nga nhấn mạnh Nga cũng là một phần của khu vực châu Á-Thái Bình Dương, cần phải tận dụng những ưu thế cạnh tranh mà trung tâm các nguồn lực kinh tế, công nghệ và đầu tư phát triển mang tính chiến lược này đem lại. Tổng thống Putin khẳng định hợp tác với các nước thuộc khu vực châu Á-Thái Bình Dương là phương hướng ưu tiên chiến lược đối với Moskva. Nga sẵn sàng làm tất cả để phát triển mối quan hệ hợp tác song phương và đa phương với khu vực tiềm năng này.

Nhà lãnh đạo Nga cho biết Moskva cũng đã vạch ra hàng loạt biện pháp nhằm đẩy mạnh phát triển hợp tác với các nước thuộc khu vực châu Á-Thái Bình Dương, bao gồm tăng cường phát triển thương mại và những điều kiện ưu đãi để đầu tư. Trao đổi thương mại giữa Nga và các nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương chiếm gần 25% tổng kim ngạch trao đổi thương mại của xứ sở Bạch dương. Sắp tới, Moskva dự định tăng chỉ số này lên 40%, đồng thời áp dụng những biện pháp cụ thể nhằm mở rộng địa bàn xuất khẩu của Nga, tăng thị phần các mặt hàng công nghệ cao và không phải nguyên liệu thô.

Theo ông Putin, Nga ủng hộ ý tưởng thành lập khu vực thương mại tự do châu Á-Thái Bình Dương, đồng thời nêu rõ một trong những mục tiêu chiến lược của Liên minh kinh tế Âu-Á, mà Nga là một thành viên, là tham gia tích cực hơn nữa trong tiến trình hội nhập vào khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Ngoài ra, Tổng thống Nga cũng thông báo kế hoạch hiện đại hóa các tuyến đường sắt Baikal - Amur và xuyên Siberia, coi đó là cơ sở cho "chiếc cầu xuyên lục địa” nối liền châu Âu với châu Á.


TTXVN/Tin tức