04:15 14/04/2015

Nga chạy đua giành lợi ích tại Iran

Việc Nga bỏ lệnh cấm cung cấp tên lửa S-300 cho Iran là tín hiệu cho thấy nước này đang nỗ lực tranh giành lợi ích từ phía Tehran sau khi đạt được thỏa thuận hạt nhân tạm thời.

Ngày 13/4, Nga đã mở đường cho việc vận chuyển hệ thống tên lửa S-300 cho Iran và bắt đầu chương trình "đổi hàng hóa lấy dầu". Đây là tín hiệu cho thấy Moskva có thể chiếm vị trí dẫn đầu trong cuộc chạy đua tranh giành lợi ích từ việc gỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với Tehran.


Ngoại trưởng các nước P5+1 và Iran tại vòng đàm phán ở Lausanne, Thụy Sĩ. Ảnh: AFP/TTXVN


Điện Kremlin cho biết Tổng thống Vladimir Putin vừa ký sắc lệnh dỡ bỏ lệnh cấm chuyển giao hệ thống phòng thủ tên lửa S-300 cho Iran, xóa bỏ được rào cản chính giữa hai nước sau khi Moskva hủy hợp đồng với Iran năm 2010 dưới sức ép của phương Tây. Động thái này được đưa ra sau khi các cường quốc thế giới, trong đó có Nga, đạt được thỏa thuận tạm thời với Iran trong tháng 4/2015 nhằm kiềm chế chương trình hạt nhân của nước này.

Một quan chức chính phủ cấp cao cho biết Nga đã bắt đầu cung cấp lương thực, trang thiết bị và vật liệu xây dựng cho Iran để đổi lấy dầu thô theo một thỏa thuận trao đổi hàng hóa. Một vài nguồn tin tiết lộ với hãng tin Reuters hơn một năm trước rằng thỏa thuận trị giá lên tới 20 tỷ USD đang được bàn bạc và có thể sẽ bao gồm việc Nga mua 500.000 thùng dầu/ngày từ Iran. Mặc dù sau đó các quan chức hai nước đã đưa ra các phát biểu trái ngược nhau xung quanh việc liệu thỏa thuận đó được ký kết hay chưa, song ngày 13/4 Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov đã chính thức xác nhận rằng thỏa thuận này đang được thực thi.

Phát biểu trước các nghị sĩ ở Thượng viện về các cuộc đàm phán với Iran, ông Ryabkov nói: "Tôi muốn mọi người chú ý vào thỏa thuận đổi hàng hóa lấy dầu, vốn sẽ được thực hiện ở quy mô tương đối lớn. Để đổi lấy dầu thô của Iran, chúng ta chuyển cho họ các sản phẩm nhất định. Hành động này không bị cấm đoán hay hạn chế theo các biện pháp trừng phạt hiện tại". Tuy nhiên, ông Ryabkov đã từ chối cho biết thêm chi tiết. Bộ Nông nghiệp và Bộ Năng lượng Nga cũng như phía Iran không đưa ra bình luận nào.

Iran là đối tác mua lúa mỳ lớn thứ 3 của Nga và hai nước cũng thảo luận về thỏa thuận trao đổi này trong hơn 1 năm qua. Nga hy vọng sẽ thu về nhiều lợi ích kinh tế và thương mại nếu một thỏa thuận cuối cùng được đưa ra dựa trên bản thỏa thuận khung đạt được ở Lausanne, Thụy Sĩ giữa Iran và Nhóm P5+1. Đến trước ngày 30/6/2015, các bên phải cùng nhau thảo luận về một thỏa thuận chi tiết mang tính kỹ thuật mà theo đó Iran sẽ hạn chế chương trình hạt nhân của họ và cho phép các thanh sát viên quốc tế đến thanh tra các cơ sở hạt nhân để đổi lấy việc gỡ bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế.

Nữ phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Marie Harf cho biết ngày 13/4 vừa qua, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã bày tỏ quan ngại với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov về việc Moskva bán hệ thống tên lửa cho Tehran. Tuy nhiên, theo bà Marie Harf thì các quan chức Mỹ không cho rằng hành động của Nga sẽ làm tổn hại đến sự thống nhất giữa các cường quốc trong đàm phán hạt nhân.

Ông Lavrov cho rằng thỏa thuận đạt được ở Lausanne khiến cho lệnh cấm chuyển giao S-300 cho Iran của Moskva không còn giá trị và rằng bởi đó chỉ là hệ thống phòng thủ nên sẽ không đe dọa đến kẻ thù của Iran là Israel. Ông nói: "Kết quả của việc hủy bỏ hợp đồng trước đây đó là chúng tôi không nhận được khoản tiền như lẽ ra chúng tôi được hưởng. Chúng tôi nhận thấy rằng không cần phải tiếp tục lệnh cấm trong bối cảnh các cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân của Iran đạt tiến triển và thỏa thuận sắp tới chắc chắn sẽ mang tính hợp pháp". Năm 2010, Mỹ và Israel đã thuyết phục Nga hủy bỏ việc bán tên lửa cho Iran trước khi Moskva thi hành việc này, và nói rằng hệ thống S-300 có thể được sử dụng làm lá chắn cho các cơ sở hạt nhân của Iran khỏi các cuộc không kích trong tương lai.

Tên lửa phòng không S300 của Nga. Ảnh: AFP/TTXVN


Leonid Ivashov, một vị tướng về hưu của quân đội Nga và hiện đứng đầu Trung tâm Phân tích Địa Chính trị có trụ sở ở Moskva, cho rằng động thái này là một phần của cuộc chạy đua tìm kiếm các hợp đồng trong tương lai với Iran. Hãng thông tấn RIA dẫn lời ông Ivashov: "Nếu giờ chúng ta lại trì hoãn và để Iran chờ đợi, thì ngày mai, khi các biện pháp trừng phạt được hoàn toàn gỡ bỏ, Washington và các đồng minh của họ sẽ chiếm được thị trường rộng lớn của Iran".

Thứ trưởng Ngoại giao Ryabkov cho biết Nga hy vọng rằng sự hậu thuẫn vững chắc cho Iran sẽ được đền đáp thông qua hợp tác năng lượng một khi các biện pháp trừng phạt quốc tế nhằm vào Tehran được gỡ bỏ. Ông nói: "Cần phải có hai người cho điệu nhảy tango. Chúng tôi đã sẵn sàng cung cấp các dịch vụ của chúng tôi và tôi chắc chắn rằng nó sẽ mang lại khá nhiều lợi ích nếu so sánh với các nước khác. Chúng tôi không bao giờ bỏ mặc Iran trong tình huống khó khăn... Tôi cho rằng triển vọng hợp tác của chúng ta, cả trong lĩnh vực dầu mỏ và khí đốt, là không thể bị đánh giá thấp". Ông cũng nhắc lại quan điểm của Moskva rằng lệnh cấm bán vũ khí cho Iran cần được dỡ bỏ một khi thỏa thuận hạt nhân cuối cùng được ký kết.

Được biết, các biện pháp trừng phạt đã khiến xuất khẩu dầu mỏ của Iran sụt giảm từ 2,5 triệu thùng/ngày năm 2012 còn khoảng 1,1 triệu thùng/ngày. Theo nhận định của giới phân tích, Iran khó có thể gia tăng lượng xuất khẩu dầu mỏ trước năm 2016.


TTK