12:11 03/12/2011

Nga cảnh báo: Không được coi Nghị quyết lên án Xiri là cớ cho hành động quân sự

Nga đã chỉ trích nghị quyết lên án Xyri của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, cho đây là điều "không thể chấp nhận" đồng thời cảnh báo không được sử dụng điều này làm cớ cho một hành động quân sự

Ngày 2/12, Nga đã chỉ trích nghị quyết lên án Xyri của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, cho đây là điều "không thể chấp nhận" đồng thời cảnh báo không được sử dụng điều này làm cớ cho một hành động quân sự. Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Nga khẳng định: "Quan điểm được thông qua trong văn kiện (của Hội đồng Nhân quyền LHQ), trong đó có cả những ngôn từ úp mở ám chỉ khả năng can thiệp quân sự của nước ngoài với cái cớ bảo vệ người dân Xyri, là không thể chấp nhận được đối với phía Nga". Tuyên bố cho rằng bản dự thảo nghị quyết được các nước phương Tây đệ trình đã bị chính trị hóa và mang tính thiên vị. Nó không thể hiện những bước đi mới nhất của nhà chức trách Xyri nhằm ổn định tình hình, thực hiện cải cách và tiến hành đối thoại dân tộc. Tuyên bố nêu rõ Nga phản đối việc sử dụng các cơ chế bảo vệ nhân quyền để can thiệp vào công việc nội bộ của Xyri nhằm đạt những mục đích chính trị trái với quy định của luật pháp quốc tế và vi phạm Hiến chương LHQ.

Người dân Xyri tham gia tuần hành ủng hộ chính phủ ở thủ đô Damascus, ngày 2/12. Ảnh AFP/TTXVN


Cùng ngày, Đại sứ Nga tại LHQ Vitaly Churkin nhận xét cộng đồng quốc tế đã bị nhận những thông tin "một chiều" về tình hình Xyri. Đại diện của Nga tại Văn phòng LHQ và các tổ chức quốc tế khác ở Giơnevơ (Thụy Sĩ), ông Valery Loshchinin lên tiếng cảnh báo "những can thiệp bất hợp pháp của lực lượng bên ngoài, kể cả với lí do bảo vệ nhân quyền, sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng và khó lường". Theo quan chức này, Nga vẫn được nghe rằng xung đột ở Xyri tiếp tục bị khích động bởi các lực lượng bên ngoài, những nhóm vũ trang và khủng bố được tổ chức, cung cấp vũ khí và tài chính từ nước ngoài.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cho rằng nghị quyết của Hội đồng Nhân quyền LHQ chứng tỏ chế độ của Tổng thống Xyri Bashar al-Assad đang bị cô lập hơn bao giờ hết và "hứng chịu sức ép quốc tế lớn chưa từng có".

Trước đó, tại khóa họp đặc biệt ngày 2/12 ở Giơnevơ, với 37 phiếu thuận, 6 phiếu trắng và 4 phiếu chống (của Nga, Trung Quốc, Cuba và Êcuađo), các thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ đã thông qua nghị quyết lên án những vi phạm nhân quyền và tự do của nhà chức trách Xyri, và ám chỉ tới một báo cáo trình lên Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon về những vụ vi phạm này. Hội đồng Nhân quyền cũng đã quyết định thiết lập quy chế báo cáo viên đặc biệt theo dõi tình hình nhân quyền tại Xyri.

Tại Xyri, hàng vạn người đã tuần hành trong các cuộc biểu tình trên khắp đất nước vào ngày 2/12, kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ thiết lập một vùng đệm để bảo vệ dân thường, trong bối cảnh bạo lực tiếp diễn làm ít nhất 5 người thiệt mạng. Người đứng đầu Tổ chức giám sát nhân quyền Xyri Rami Abdel Rahman cho biết những cuộc biểu tình lớn nhất đã diễn ra ở tỉnh Hômxơ miền Trung và ở thành phố Hama miền Bắc.

Trong diễn biến liên quan, Liên minh châu Âu (EU) cùng ngày đã mở rộng danh sách trừng phạt đối với Xyri, đưa vào danh sách này cả các bộ trưởng tài chính và kinh tế, các công ty dầu mỏ quốc doanh và hai tổ chức truyền thông. Ngay sau đó, hãng dầu mỏ quốc tế Shell đã tuyên bố ngừng các hoạt động tại Xyri vì tình hình bất ổn cũng như bởi hai đối tác của Shell mới bị đưa vào danh sách trừng phạt, cấm đoán của EU.


TTXVN/Tin Tức