11:11 13/11/2014

Nếu dán tem bia, mỗi năm mất 2.000 tỷ đồng

Tại hội thảo góp ý về dự thảo Nghị định Quản lý sản xuất, kinh doanh bia do Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam tổ chức ngày 12/11, nhiều doanh nghiệp vẫn tỏ ra rất băn khoăn về quy định dán tem đối với mặt hàng này.

Tại hội thảo góp ý về dự thảo Nghị định Quản lý sản xuất, kinh doanh bia do Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) tổ chức ngày 12/11, nhiều doanh nghiệp vẫn tỏ ra rất băn khoăn về quy định dán tem đối với mặt hàng này.

Theo ông Trần Đình Thanh, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco), về mặt kỹ thuật, việc dán tem bia sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp vì phải đầu tư thêm máy móc, trong khi việc cung cấp thiết bị ở lĩnh vực này khá hạn chế.

Nhiều ý kiến cho rằng không nên thực hiện dán tem bia. Ảnh minh họa.


“Hiện nay, có rất ít hãng sản xuất thiết bị dán tem trên chai bia do trên thế giới chỉ có 3-4 nước áp dụng dán tem mặt hàng này như Albania, Thổ Nhĩ Kỳ…” - ông Thanh nêu thực tế.

Còn ông Phan Đăng Tuất, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty Bia Sài Gòn, nếu phải dán tem thì tính riêng với bia Sài Gòn sẽ tốn 920 tỷ đồng/năm, trung bình 696 đồng/lít bia. Điều này sẽ khiến cho giá thành sản phẩm tăng lên và người tiêu dùng phải chi nhiều tiền hơn.

Về phía cơ quan quản lý nhà nước, ông Huỳnh Vương Nam, Trưởng Phòng Thuế giá trị gia tăng, Vụ Chính sách Thuế (Bộ Tài chính), cho biết, Bộ Tài chính đã đề nghị Bộ Công Thương làm rõ thêm yếu tố công nghệ khi thực hiện chủ trương này. Đồng thời, cần lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp, VBA để đánh giá tác động của việc dán tem bia.

“Chi phí dán tem dù thuộc về ai thì nhà nước cũng sẽ mất một phần ngân sách”, ông Nam cho biết. Theo ông Nam, dán tem bia sẽ gây tốn kém thêm mỗi năm từ 1.500 - 2.000 tỉ đồng nên mức độ ảnh hưởng của nó đến thu ngân sách và người tiêu dùng cần được đánh giá kỹ.

Ông Nguyễn Thanh Hà, Giám đốc Công ty Luật S&B đề nghị bỏ điều 8 trong dự thảo Nghị định về dán tem, vì hiện nay đã có quy định gắn nhãn hàng hóa, và trong khi lưu hành trên thị trường, nhãn hàng hóa đã tuân thủ luật sở hữu trí tuệ. Việc gắn mã số, mã vạch cũng đã đảm bảo vấn đề nhãn hàng hóa nên không cần đưa thêm quy định về dán tem.

Tại hội thảo, đại diện Bộ Công Thương (đơn vị soạn thảo nghị định), ông Bùi Trường Thắng, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ cho biết, không doanh nghiệp nào muốn tăng chi phí cho việc dán tem. Tuy nhiên, bia là mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt nên nguy cơ trốn thuế cao, hàng giả hàng nhái nhiều nên dán tem là cần thiết. "Hiện chúng tôi đã báo cáo và chờ Thủ tướng có ý kiến", ông Thắng cho biết.

Trước đó, ngày 4/11, Hiệp hội Bia - rượu - nước giải khát Việt Nam đã có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, trong đó đề nghị không đưa nội dung dán tem bia vào dự thảo Nghị định.


Hoàng Dương