06:06 16/06/2014

Nếu Brazil không thể đăng quang...

... Đó có phải là điều mà người Brazil sợ xảy ra nhất trong một World Cup được tổ chức ở nhà?

... Đó có phải là điều mà người Brazil sợ xảy ra nhất trong một World Cup được tổ chức ở nhà?


Guilherme đã trợn mắt nhìn tôi khi được hỏi câu đó, trên chuyến bay từ Salvador tới Rio de Janeiro. Anh bảo, sau thảm họa Maracana 1950, đã có quá nhiều người Brazil tự tử, hoặc ném tivi qua cửa sổ. Không ai muốn điều đó sẽ xảy ra một lần nữa. Người sinh viên ở Rio ấy nói thêm: “Trong đời, điều gì cũng có thể sẽ xảy ra, trừ việc Brazil mất chức vô địch ngay trong nhà mình”.


Guilherme có lẽ đúng. Khi World Cup còn chưa diễn ra, những cuộc đình công, biểu tình, các phong trào chống giải đấu này đã bùng nổ ở mọi ngóc ngách của đất nước. Dường như những người chống đối chỉ đợi đến thời điểm quan trọng như thế này để cho thế giới thấy điều gì đang xảy ra trên đất nước họ.


Luiz Ruffato, một trong những nhà văn nổi tiếng nhất nước này, nói trên một nhật báo Italy: “Chúng tôi là nền kinh tế thứ bảy của thế giới, nhưng cũng là nước đứng thứ ba về tình trạng bất công. Chúng tôi có hơn nửa triệu người bị tù đầy, hầu hết là thanh niên, người da đen, người mù chữ. Tình trạng buôn lậu ma túy thì lan tràn và cảnh sát thì tha hóa...”.


Như nhiều người khác, Ruffato rất yêu bóng đá, rất điên cuồng với tình yêu dành cho Brazil, nhưng ông không muốn World Cup được tổ chức trên đất nước mình. Guilherme cũng thế. Vào thời điểm khủng hoảng kinh tế hiện nay, anh muốn Chính phủ đầu tư nhiều hơn cho các trường đại học và người nghèo có thêm phúc lợi.


Brazil đã thắng trận ra quân trước Croatia, nhưng người Brazil vẫn chưa hài lòng. Họ cho rằng, Neymar và các đồng đội phải cố gắng hơn nữa. Họ còn 5 trận nữa để vào đến chung kết, để rồi từ đó xóa đi trong tất cả cơn ác mộng thua Uruguay ngay tại Maracana vào tháng 7/1950.


Guilherme bảo: “Tôi tin là 100% những người Brazil anh hỏi đều trả lời rằng Brazil sẽ vô địch thế giới và chừng nào Brazil còn thắng và vào sâu trong giải, thì niềm tin ấy vẫn còn đứng vững. Chúng tôi sẽ có một tháng để sống trong hy vọng. Còn sau đó thì...”.


Một sứ mệnh chưa bao giờ lớn như thế.


Trương Anh Ngọc (từ Rio de Janeiro)