01:16 23/01/2012

Nét ca trù ngày xuân

Năm nay đã 84 tuổi nhưng nghệ nhân Ca trù Nguyễn Thị Thiệp, thôn Thanh Tương, xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh vẫn luôn tâm huyết, đau đáu với việc lưu giữ và truyền dạy ca trù.

Năm nay đã 84 tuổi nhưng nghệ nhân Ca trù Nguyễn Thị Thiệp, thôn Thanh Tương, xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh vẫn luôn tâm huyết, đau đáu với việc lưu giữ và truyền dạy ca trù. Hiện nay, cụ Thiệp cũng là một trong số rất ít người ở Bắc Ninh còn hiểu sâu về Ca trù và là người tiên phong nguyện tìm người để truyền nghề nhằm ươm mầm những nghệ sỹ tương lai cho Ca trù.


Nghệ nhân Ca trù Nguyễn Thị Thiệp sinh ra trong một gia đình có truyền thống 5 đời hát Ca trù. Cụ đi hát từ năm 13 tuổi và cho đến nay, với khả năng nhạc cảm, thẩm âm và trí nhớ mẫn tiệp, cụ Thiệp có thể hát thuần thục được hàng trăm bài với nhiều chất giọng khác nhau… Dù đã ở cái tuổi thất thập cổ lai hi nhưng cụ Thiệp vẫn rất say mê và nặng lòng với Ca trù.


Đào nương già Nguyễn Thị Thiệp (ngồi giữa). Ảnh: Báo Bắc Ninh


Bất kể ở đâu có người yêu mến ca trù, cụ Thiệp đều sẵn sàng, đem lời ca, tiếng hát đầy nhiệt huyết truyền dạy. Trong ngôi nhà giản dị, ngồi quây quần bên các ca nương, Nghệ nhân ca trù Nguyễn Thị Thiệp cho biết: Tôi đã từng đi dạy ở khắp các tỉnh, thành, đến nay tôi cũng truyền dạy được gần 100 học trò theo học hát ca trù. Tôi chỉ có một suy nghĩ làm sao truyền dạy ca trù cho thế hệ trẻ để tiếp tục duy trì và gìn giữ loại hình nghệ thuật này.


Chính sự nặng lòng và đau đáu trong tiềm thức việc lưu giữ Ca trù - Một loại hình nghệ thuật đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện cho nhân loại cần bảo vệ khẩn cấp, từ năm 2002 đến nay cụ Nguyễn Thị Thiệp đã đi khắp nơi dạy hát và tìm người chân truyền. Hiện nay, các thế hệ ca nương trên địa bàn tỉnh được cụ Thiệp dạy ngày một đông hơn. Không ít trong số đó giờ đây là những tài năng đầy triển vọng, tiếp bước con đường bảo tồn, gìn giữ của thế hệ nghệ nhân đi trước.


Trong cái rét của tiết trời mùa xuân, các cụ trong câu lạc bộ Ca trù Thanh Khương người khăn gấm, người mặc áo tứ thân ngồi đối diện hai bên trực diện để hát và nghe hát. Để lưu giữ loại hình nghệ thuật truyền thống này, các cụ trong CLB còn tập hợp những em nhỏ có năng khiếu hát ca trù để cho nghe và truyền dạy. Do đó, Câu lạc bộ ca trù Thanh Khương đã nhanh chóng thu hút được đông đảo hội viên tham gia. Với hình thức học từng bài, từng cách gõ phách, đánh đàn, đến nay CLB đã hát thành thục nhiều làn điệu.


Nói về nghệ nhân Ca trù Nguyễn Thị Thiệp , Ca nương Ngô Thị Sáu, Thanh Tương, Thanh Khương, huyện Thuận Thành cho biết: Hát ca trù không giống hát quan họ, hát chèo và khó hát, từ ngày tôi theo học cụ Thiệp, bất kể ngày đêm cụ vẫn nhiệt tình giảng dạy. Tôi muốn học hát ca trù để giữ gìn bản sắc văn hoá quê hương quê tôi. Ca nương Nguyễn Thị Tỉnh, phố Dâu, Thanh Khương cho biết : Tôi mới theo học hát ca trù được vài tháng nay, tôi tìm thấy ở cụ lòng say mệ nhiệt tình, cụ là người có trình độ nhận biết ca trù cao, kiến thức sâu rộng nên tôi tìm đến để học hát ở cụ, mong được kế tục nét văn hoá từ các cụ xưa để lại.

Không chỉ là người ươm mầm những nghệ sỹ tài năng cho ca trù, cụ Thiệp còn có những đóng góp tích cực vào sự phát triển Ca trù của tỉnh Bắc Ninh. Tại các kỳ Liên hoan Ca trù toàn quốc, cụ Thiệp đã dành được nhiều giải thưởng cao quý.


Đặc biệt cuối năm 2011, cụ Thiệp đã vinh dự được Bộ VHTT&DL tặng kỷ niệm chương vì sự nghiệp VHTT&DL và là người duy nhất của tỉnh Bắc Ninh được Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam tặng Bằng công nhận danh hiệu Nghệ sỹ dân gian. Có được thành quả này, Nghệ nhân Nguyễn Thị Thiệp đã phải trải qua rất nhiều thời gian luyện rèn vất vả công phu với niềm khát khao cháy bỏng lưu giữ và bảo tồn.


Dưới sự dìu dắt của những con người đầy lòng nhiệt huyết với Ca trù như Nghệ nhân Nguyễn Thị Thiệp, hy vọng rằng một lớp ca nương trẻ sẽ tiếp bước con đường gìn giữ Ca trù của những nghệ nhân đi trước. Góp phần bảo tồn và gìn giữ cho vùng đất Kinh Bắc ngàn năm văn hiến một di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc.


Thái Hùng