05:09 28/05/2014

Nên sửa chính sách nhà công vụ

Sáng 27/5, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự thảo Luật Nhà ở; dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản.

Sáng 27/5, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự thảo Luật Nhà ở; dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản.

 

Trong phiên thảo luận, chính sách nhà ở công vụ được nhiều đại biểu cho ý kiến. Đa số các đại biểu cho rằng, nên bỏ chính sách này, chuyển sang hỗ trợ bằng cán bộ phụ phí để họ tự đi thuê nhà ở, tránh gây bất bình đẳng và lãng phí nguồn lực của Nhà nước.


Đại biểu Phạm Xuân Thường (Thái Bình) cho biết: “Nhiều người có nhà công vụ ở một cơ quan, khi chuyển sang cơ quan khác lại có nhà công vụ khác. Sau đó, họ chuyển nhượng nhà công vụ, hoặc có người nghỉ hưu vẫn sở hữu nhà công vụ. Trong khi đó, hàng năm Nhà nước phải đầu tư nhiều tiền để xây nhà công vụ”.


Nhưng “ở những vùng sâu, vùng xa nơi cần có nhà công vụ cho các cán bộ chịu nhiều thiệt thòi như giáo viên vùng sâu, vùng xa thì không có nhà để ở, mà chỉ đầu tư cho nhà công vụ cán bộ cấp cao ”, ông Thường nói về sự bất công.


Cùng quan điểm trên, đại biểu Vũ Trí Thực (Quảng Ninh) cho rằng: “Chính sách nhà công vụ đang bị lạm dụng, nhiều cán bộ coi như tài sản riêng. Do vậy, cần quy định rõ ràng, khi nào được ở, khi nào phải giao lại. Thực tế, chủ yếu là cán bộ cấp cao được giao nhà công vụ, vì vậy các cán bộ này cần gương mẫu trong vấn đề này, có nhiều người còn bán cả nhà công vụ nhiều lần”.


Cùng quan điểm trên đại biểu Đỗ Thị Hoàng (Quảng Ninh) cho biết: “Không ít đại biểu Quốc hội chuyên trách vừa có nhà công vụ, lại có đất công vụ… dẫn tới cơ chế chính sách không đảm bảo công bằng. Do vậy, cần chuyển theo cách Nhà nước hỗ trợ trong tiền lương và phụ cấp. Riêng khu vực miền núi thì Nhà nước cần đầu tư xây nhà công vụ”.


Mua bán lòng vòng


Đa số các đại biểu cho rằng, trường hợp mua bán nhà giữa các cá nhân với nhau đang diễn ra rất phổ biến. Trong dự thảo Luật Nhà ở quy định thời điểm chuyển quyền sở hữu nhà ở là thời điểm bên mua đã thanh toán đủ tiền mua. Đại biểu Phạm Xuân Thường (Thái Bình) cho rằng: “Mua, bán động sản như xe máy còn phải sang tên, nếu quy định như vậy với bất động sản sẽ không quản lý được việc mua, bán nhà đất. Buông lỏng quản lý, người dân sẽ không cần tới cơ quan Nhà nước để đăng ký quyền sử dụng. Việc mua bán qua hàng chục người sẽ xảy ra mà không ai sang tên, không quản lý được, thất thu thuế của Nhà nước”.


Cùng quan điểm trên, đại biểu Lê Minh Hiền (Khánh Hòa) nhận xét: “Mua bán nhà mà không yêu chính chủ sẽ dẫn tới tình trạng đầu cơ, mua xong không chuyển quyền sở hữu. Khi ra tòa việc xử lý tranh chấp rất khó. Ngoài ra, sẽ dẫn tới tình trạng trốn thuế trước bạ. Hoặc dùng bất động sản để thế chấp rất khó vì chỉ có chủ sở hữu mới thế chấp được”.


Một vấn đề khác về quyền sở hữu nhà cũng được các đại biểu quan tâm, đó là quy định thế chấp nhà ở trong tương lai. Theo dự thảo thì cả chủ đầu tư và người mua nhà chung cư đều có thể đem căn nhà hình thành trong tương lai đi thế chấp. Quy định như vậy sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro, vì cùng một tài sản được đem đi thế chấp hai lần.


Đại biểu Lê Minh Hiền (Khánh Hòa) cho rằng: “Nhà ở hình thành trong tương lai tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có điều kiện có vốn tín dụng. Nhưng nếu cho vay vốn cả hai bên chủ đầu tư và người mua sẽ xảy ra rất nhiều rủi ro. Vụ án Minh Phụng Epco là một ví dụ cho trường hợp này”.
Đại biểu Phạm Xuân Thường (Thái Bình) đề nghị: “Cần thí điểm, kiểm chứng, nghiên cứu kỹ hơn trước khi đưa vào luật”.


Hữu Vinh