09:06 30/09/2014

Nên sớm dỡ bỏ trần chi phí quảng cáo

Các hiệp hội ngành hàng và các chuyên gia đều cho rằng việc khống chế mức chi phí dành cho quảng cáo, khuyến mãi là “trói chân” doanh nghiệp (DN), không có lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh; đồng thời, kiến nghị sớm dỡ bỏ mức trần này.

Các hiệp hội ngành hàng và các chuyên gia đều cho rằng việc khống chế mức chi phí dành cho quảng cáo, khuyến mãi là “trói chân” doanh nghiệp (DN), không có lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh; đồng thời, kiến nghị sớm dỡ bỏ mức trần này.


Không quản được doanh nghiệp nước ngoài


Hiện nay, mức trần quảng cáo, khuyến mại của các DN được quy định là 10% tổng chi phí của DN. Trong dự thảo Luật Thuế thu nhập DN sẽ được Quốc hội thảo luận tháng 10 tới, mức trần này được điều chỉnh lên 15%. Một trong những lí do của quy định giới hạn mức trần quảng cáo, khuyến mãi trong tổng chi phí của DN là để tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, tránh sự “chèn ép” của DN ngoại với DN nội. Tuy nhiên, quy định này không những không quản được các DN nước ngoài (FDI) tại Việt Nam mà quy định trần quảng cáo còn đang gây tác dụng ngược với chính các DN trong nước.

 

Các DN kiến nghị dỡ bỏ trần chi phí quảng cáo, khuyến mãi để được tự chủ hơn trong hoạt động kinh doanh. Ảnh: Hoàng Dương

Trong bối cảnh hiện nay, DN Việt Nam đang phải cạnh tranh gay gắt với DN nước ngoài nên việc quảng cáo là điều quan trọng. Các DN của Việt Nam chủ yếu là các DN vừa và nhỏ, vốn ít, so với các DN FDI thì DN trong nước ở thế bất lợi hơn nhiều. Do đó, việc khống chế mức trần quảng cáo không tạo được sự bình đẳng, bởi 10% trong tổng chi phí của DN FDI lớn hơn rất nhiều 10% trong tổng chi phí của DN nội địa.


Cách đây 3 tháng, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã thực hiện một cuộc trưng cầu ý kiến 800 DN về quy định trần quảng cáo, khuyến mại. Đa số DN đều cho rằng, nếu còn giữ quy định về trần quảng cáo thì mức 10 hay 15% đều không có ý nghĩa gì đối với DN. Theo bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng Thư ký VCCI , việc dỡ bỏ mức trần chi phí quảng cáo sẽ mang lại lợi ích cho Việt Nam ở cả 3 góc độ: cho nền kinh tế, cho người tiêu dùng và cho cộng đồng DN.

Không những thế, bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam còn cho biết, các DN FDI không thiếu “chiêu” để lách luật. “Ví dụ, chi phí sản xuất một clip quảng cáo chiếm tới 80% toàn bộ chi phí quảng cáo. Tuy nhiên, họ sản xuất clip này ở nước ngoài và khi về Việt Nam thì chỉ là thuê phương tiện phát sóng, truyền tải nên chi phí giảm rất nhiều”, bà Hà nói. Mặt khác, khi chúng ta khống chế chi phí quảng cáo thì các công ty nước ngoài thuê các kênh truyền hình nước ngoài để quảng cáo và các kênh này được phát sóng ở Việt Nam mà không thể kiểm soát được.


Đồng tình với quan điểm trên, ông Phạm Thành Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Hà Nội, cho rằng, việc áp giá trần quảng cáo gây ảnh hưởng lớn nhất đến các DN vừa và nhỏ bởi họ không thể đầu tư làm những quảng cáo hay, chất lượng cao, không thu hút được người tiêu dùng. Trong khi đó, những DN FDI đa số không thuê công ty quảng cáo ở Việt Nam mà làm sẵn ở nước ngoài. Sau đó, họ chỉ thuê kênh quảng cáo ở Việt Nam, bên cạnh đó lại phát quảng cáo qua các kênh khác có tính phổ biến rộng của thế giới như tài trợ các giải thể thao… cả thế giới đều xem. “Cùng chịu mức giới hạn trần nhưng các DN FDI vẫn có lợi thế hơn DN trong nước rất nhiều là điều vô lý”, ông Minh nói.


Không nên giới hạn trần quảng cáo


Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam cho biết, qua khảo sát tại 50 nước, hiện chỉ còn có Việt Nam và Trung Quốc còn giữ trần quảng cáo, khuyến mại. Tuy nhiên, quy định ở Trung Quốc mềm dẻo hơn Việt Nam ở chỗ, nếu chi phí quảng cáo, khuyến mại năm nay không dùng hết thì có thể chuyển vào năm sau.


Trước lo ngại nếu dỡ bỏ trần thì quảng cáo sẽ tràn lan, không trung thực, chi phí đội lên sẽ đổ vào người tiêu dùng, bà Loan cho rằng, hiện các DN đang hoạt động trong cơ chế thị trường. Nếu chi quá mức, giá hàng cao, người tiêu dùng sẽ quay lưng lại sản phẩm và DN sẽ không tồn tại được. Mặt khác, nếu DN gian dối trong quảng cáo sẽ có các công cụ pháp lý khác để quản lý như: cơ quan quản lý thị trường, luật quản lý cạnh tranh… Do đó, không nên vì một vài hành động tiêu cực mà giới hạn việc quảng cáo của DN.


Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cũng cho rằng DN sẽ tự biết điều tiết, cân đối các chi phí của mình. Nếu quảng cáo mà không đạt được mục tiêu kinh tế thì chắc chắn họ không bỏ tiền. “Cơ quan quản lý không phải tính toán hộ DN điều này”, chuyên gia này cho hay.


Đại diện các ngành hàng có doanh thu cao cũng lên tiếng đề nghị dỡ bỏ trần quảng cáo. Ông Lê Bá Cơ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bia, rượu, nước giải khát cho rằng, nên để DN chủ động chi phí quảng cáo. Sự chủ động của các DN sẽ bảo đảm sự cân bằng chi phí thu chi, tạo điều kiện cạnh tranh lành mạnh theo đúng nghĩa. Còn theo TS Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản, nếu bỏ giới hạn trần quảng cáo thì sẽ khuyến khích khả năng sáng tạo, kinh doanh và thu lợi nhuận của DN. Cùng với đó, Nhà nước cũng không thất thu bởi khoản chi của DN này đồng thời là khoản thu của DN khác và Nhà nước vẫn đánh thuế với khoản thu này.


Hoàng Dương - Thu Hồng