05:00 18/05/2011

NATO thực hiện chiến tranh tâm lý tại Libi

NATO đã tiến hành chiến dịch tâm lý chiến nhằm thuyết phục các binh sĩ quân đội Libi rời bỏ hàng ngũ ngay từ khi liên quân bắt đầu chiến dịch quân sự tấn công cách đây 7 tuần.

NATO đã tiến hành chiến dịch tâm lý chiến nhằm thuyết phục các binh sĩ quân đội Libi rời bỏ hàng ngũ ngay từ khi liên quân bắt đầu chiến dịch quân sự tấn công cách đây 7 tuần.

Tòa nhà cơ quan an ninh Libi tan hoang sau đợt không kích ngày 17/5 của NATO. Ảnh:AFP- TTXVN


Hãng tin AFP (Pháp) cho biết, ngày 17/5, Tư lệnh NATO Mike Bracken đã tuyên bố với báo giới từ sở chỉ huy của NATO ở Naples (Italia) rằng: Ngay từ đầu chiến dịch tấn công Libi, NATO đã thuyết phục các binh sĩ quân đội Libi từ bỏ vũ khí, rời quân ngũ và trở về nhà. NATO cũng kêu gọi binh sĩ Libi tránh xa các cơ sở quân sự là mục tiêu không kích của lực lượng này.

Tư lệnh Bracken cho biết thêm, gần đây, NATO đã tăng cường chiến dịch tâm lý chiến bằng cách rải truyền đơn và sử dụng các hệ thống phát thanh trên không để thuyết phục binh sĩ Libi. Theo ông Bracken, đến nay NATO đã rải khoảng 140.000 tờ truyền đơn xuống lãnh thổ Libi.

Trong khi đó, ngày 17/5 có tin một quan chức cao cấp trong chính phủ Libi có thể đã đào tẩu sang Tuynidi. AFP dẫn một nguồn tin giấu tên trong chính phủ Tuynidi cho biết, ông Shukri Ghanem - Bộ trưởng Dầu mỏ, Chủ tịch công ty dầu mỏ quốc gia của Libi đã rời đất nước từ ngày 14/5 và hiện đang sống trong một khách sạn ở hòn đảo du lịch miền nam Djerba của Tuynidi. Đây là quan chức cấp cao thứ 2 trong chính phủ rời bỏ đất nước, sau Ngoại trưởng Mussa Kussa – nhân vật đã đào tẩu sang Anh hồi tháng 3 vừa qua.

Cùng ngày, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết, Libi sẵn sàng tuân thủ đầy đủ Nghị quyết 1973 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) với điều kiện lực lượng chống đối cũng có hành động tương tự và NATO chấm dứt các cuộc không kích.

Trong cuộc gặp đặc phái viên chính phủ Libi Muhammad Ahmed al-Sharif ngày 17/5, Ngoại trưởng Lavrov đã đề nghị Tripôli thực hiện đầy đủ các nghị quyết của HĐBA LHQ, gồm chấm dứt sử dụng vũ lực chống lại dân thường và hợp tác với LHQ trong việc phân phối hàng viện trợ nhân đạo đến tất cả các vùng ở Libi. Nga cũng đã yêu cầu cử các quan sát viên quốc tế được tất cả các bên công nhận đến Libi để giám sát tiến trình này. Đáp lại, đặc phái viên chính phủ Libi khẳng định, Tripôli sẵn sàng thực hiện các yêu cầu trên nếu lực lượng chống đối có hành động tương tự và NATO ngừng không kích vào quốc gia này.

Người dân Anh biểu tình ở Luân Đôn ngày 17/5 để phản đối việc chính phủ Anh tham chiến ở Libi. Ảnh:AFP- TTXVN


Liên quan đến việc công tố viên trưởng của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) đề nghị ICC ra lệnh bắt giữ nhà lãnh đạo Libi Moamer Kadhafi, chính phủ Libi ngày 17/5 đã bác bỏ đề nghị này. Một ngày trước, công tố viên trưởng ICC – ông Luis Moreno-Ocampo đã yêu cầu ICC phát lệnh truy nã ông Kadhafi cùng con trai thứ hai của ông Kadhafi là Seif al-Isalm và người đứng đầu cơ quan tình báo Libi vì vi phạm "tội ác chống lại loài người". Ông Moreno-Ocampo tuyên bố có bằng chứng chứng tỏ chính ông Kadhafi đã ra lệnh tấn công người dân vô tội.

Phát ngôn viên của chính phủ Libi, ông Moussa Ibrahim cho rằng, công tố viên trưởng ICC chỉ "dựa vào tin tức báo chí để đánh giá tình hình ở Libi" nên đã đưa ra những kết luận không chính xác. Ông Ibrahim khẳng định, chính phủ Libi chưa bao giờ ra lệnh giết dân thường hay sử dụng lính đánh thuê để chống lại người dân. Ông Ibrahim cho biết chính quyền Libi đã kêu gọi cộng đồng quốc tế điều tra sự thật đang diễn ra tại Libi, nhưng lời đề nghị này không được lắng nghe. Chính phủ Libi tiếp tục kêu gọi ngừng ngay lập tức tất cả các hành vi bạo lực ở nước này và để nước này thực hiện tiến trình chính trị cho phép mọi người dân Libi quyết định tương lai của đất nước mà không phụ thuộc vào ý đồ của nước ngoài.

Cũng trong ngày 17/5, NATO tiếp tục tăng cường không kích thủ đô Tripôli. Phóng viên AFP có mặt tại Tripôli cho biết, toà nhà cơ quan an ninh và trụ sở cơ quan chống tham nhũng của Libi, nằm gần dinh thự của ông Kadhafi, đã trúng đạn và bốc cháy. Một số nhân viên của cơ quan chống tham nhũng đã bị thương. Quân đội Anh cũng xác nhận, máy bay chiến đấu Tornado của Không quân Hoàng gia và tên lửa Tomahawk đã được huy động tham gia đợt không kích này.

Phát ngôn viên chính phủ Libi - ông Ibrahim cho rằng, lực lượng đối lập ở Libi đã chỉ dẫn cho NATO tấn công toà nhà cơ quan chống tham nhũng hòng phá huỷ các hồ sơ liên quan đến một số cựu quan chức chính phủ đã chạy sang phe đối lập.

Trong khi đó, kết quả một cuộc thăm dò dư luận, do một viện nghiên cứu thuộc Đại học Garyounis ở thành phố Benghazi thực hiện tại khu vực nằm dưới sự kiểm soát của lực lượng chống chính phủ cho thấy, gần 50% số người được hỏi phản đối bất kỳ hành động can thiệp trên bộ nào của lực lượng quốc tế, trong khi chỉ có 13% đồng ý can thiệp quân sự trên bộ ở phạm vi rộng. 87% người được hỏi chỉ chấp nhận bộ binh nước ngoài có mặt ở Libi để tư vấn kỹ thuật hay huấn luyện quân sự. 80% người dân chấp nhận bộ binh nước ngoài đảm bảo an toàn cho hàng viện trợ nhân đạo nhưng phản đối sự hiện diện của họ với quy mô lớn.

Dương Anh