05:08 22/05/2012

NATO thách thức Nga về "lá chắn tên lửa"

Ngày 21/5 (giờ Việt Nam), Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) diễn ra tại thành phố Chicago (Mỹ) đã kết thúc ngày làm việc đầu tiên.

Ngày 21/5 (giờ Việt Nam), Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) diễn ra tại thành phố Chicago (Mỹ) đã kết thúc ngày làm việc đầu tiên.

 

Triển khai lá chắn tên lửa


Các nhà lãnh đạo NATO đã nhất trí khởi động giai đoạn đầu của hệ thống phòng thủ tên lửa liên châu Âu, bất chấp sự phản đối từ phía Nga.


Tại hội nghị, Tổng thống Mỹ Barack Obama và các đồng minh đã tuyên bố có thể sẽ cử một tàu chiến Mỹ mang theo các máy bay đánh chặn tới Địa Trung Hải và thiết lập một hệ thống rađa cảnh báo sớm tại Thổ Nhĩ Kỳ dưới sự chỉ huy của NATO từ một căn cứ đóng ở Đức.


 

Toàn cảnh Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Chicago. Ảnh: AFP/TTXVN

 

Trong khi Nga luôn kịch liệt phản đối hệ thống "lá chắn tên lửa" này đồng thời coi đây là một mối đe dọa an ninh, NATO vẫn nhấn mạnh rằng "lá chắn tên lửa" của khối không nhằm vào Nga mà chỉ nhằm "phòng thủ trước các tên lửa được phóng đi từ các nước thù địch". Phát biểu tại một cuộc họp báo, Tổng Thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen cho biết liên minh này đã mời Nga cùng hợp tác về hệ thống phòng thủ tên lửa và lời mời này vẫn còn giá trị.


Trong một dấu hiệu đe dọa làm "tái sinh" cuộc Chiến tranh lạnh, Nga đã cảnh báo rằng nước này có thể sẽ đáp trả hệ thống phòng thủ của NATO bằng cách lắp đặt các tên lửa tầm ngắn Iskander ở Kaliningrad gần Phần Lan - quốc gia thành viên của NATO và Liên minh châu Âu (EU).


Hệ thống lá chắn tên lửa của NATO do Mỹ đứng đầu dự định triển khai ở châu Âu được chia làm 4 giai đoạn và sẽ đưa vào hoạt động đầy đủ vào năm 2018. Hiện tại, Tây Ban Nha đã đồng ý tiếp nhận 4 tàu Aegis của Mỹ tại một cảng ở Rota, trong khi Ba Lan và Rumani nhất trí cho phép triển khai các tên lửa SM-3 trong những năm tới.

 

Bàn kế hoạch rút khỏi Ápganixtan


Bên cạnh vấn đề lá chắn tên lửa ở châu Âu, Hội nghị thượng đỉnh NATO lần này cũng tập trung vào kế hoạch rút quân khỏi Ápganixtan vào cuối năm 2014.


Phát biểu khai mạc hội nghị, Tổng Thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen cho biết, các nhà lãnh đạo NATO đã nhất trí cam kết ủng hộ lộ trình rút binh lính NATO khỏi Ápganixtan đúng kế hoạch vào cuối năm 2014, chuyển giao vai trò chính trong đảm bảo an ninh trên toàn lãnh thổ Ápganixtan cho Lực lượng an ninh quốc gia Ápganixtan từ giữa năm 2013 và sau năm 2014 vẫn tiếp tục hỗ trợ nhiều mặt cho chính phủ và người dân Ápganixtan. Ông Rasmussen kêu gọi vai trò đặc biệt quan trọng của nước láng giềng Pakixtan trong nỗ lực của NATO nhằm bảo đảm sự ổn định tại Ápganixtan. Trong khi đó, Tổng thống Obama kêu gọi các đồng minh NATO và các đối tác của NATO tại Ápganixtan đóng góp khoảng 1,3 tỷ USD vào quỹ hỗ trợ trị giá 4 tỷ USD mỗi năm cho Ápganixtan sau năm 2014.


Cùng ngày 21/5, Hội nghị thượng đỉnh NATO đã ra tuyên bố chung được nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ của 28 nước thành viên thông qua trước đó một ngày. Tuyên bố chung tái khẳng định cam kết của NATO về quan hệ đồng minh xuyên Đại Tây Dương và cho biết NATO sẽ tìm cách sử dụng "phòng thủ thông minh" như một cách thức đối phó với những thách thức an ninh phức tạp trong bối cảnh khó khăn về tài chính.


Thái Hùng (P/v TTXVN tại Mỹ) - Minh Hạnh