04:23 06/04/2011

NATO gặp khó khăn trong cuộc chiến Libi

Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ngày 6/4 cam kết “sẽ làm mọi việc để bảo vệ người dân Libi” tại thành phố lớn thứ ba Misrata. Người phát ngôn NATO Carmen Romero khẳng định với phóng viên hãng AFP rằng “Misrata là ưu tiên số một” của NATO.

Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ngày 6/4 cam kết “sẽ làm mọi việc để bảo vệ người dân Libi” tại thành phố lớn thứ ba Misrata. Người phát ngôn NATO Carmen Romero khẳng định với phóng viên hãng AFP rằng “Misrata là ưu tiên số một” của NATO.

Biểu tình phản đối cuộc tấn công Libi của liên quân ở Tripôli ngày 6/4.


Tuyên bố trên được đưa ra sau khi NATO bị lực lượng đối lập tại Libi chỉ trích là quá chậm trễ trong hành động tấn công lực lượng chính phủ Libi. Phe đối lập cảnh báo sẽ đề nghị HĐBA LHQ đình chỉ chiến dịch của liên quân tại Libi nếu NATO không khẩn trương thực hiện nhiệm vụ. Phát biểu tại một cuộc họp báo ở thành phố Benghazi cùng ngày, ông Abdel Fattah Younes, người đứng đầu lực lượng nổi dậy tại Libi, nói: “Hoặc NATO sốt sắng thực thi công việc của mình, hoặc chúng tôi sẽ đề nghị HĐBA LHQ đình chỉ hoạt động của họ tại Libi”. Theo ông Younes, sự lề mề của NATO đã tạo điều kiện cho các lực lượng trung thành với nhà lãnh đạo Moamer Kadhafi giành ưu thế. Ông Younes nói rằng “NATO đã trở thành một vấn đề nhức nhối đối với chúng tôi”.

Trước đó, Tướng Marc Van Uhm của NATO thừa nhận, “các cuộc không kích của NATO ở thành phố Brega của Libi đã làm một số dân thường thiệt mạng”. Tuy nhiên, ông Van Uhm không đưa ra con số thương vong cụ thể. Tướng Van Uhm cũng cho biết sau 16 ngày không kích dữ dội, liên quân đã phá hủy 30% tiềm lực quân sự của nhà lãnh đạo Moamer Kadhafi. Kể từ khi bắt đầu tiếp quản chỉ huy chiến dịch quân sự ở Libi, NATO đã tiến hành tổng cộng 851 lần xuất kích, trong đó có 334 lần xuất kích tấn công hoặc phát hiện mục tiêu. Theo ông Van Uhm, riêng trong ngày 6/4, liên quân đã tiến hành 14 đợt tấn công, trong đó có “một số vụ” đánh trúng các hệ thống phòng không, xe tăng và xe bọc thép tại Misrata.

Theo nguồn tin NATO, nỗ lực nhằm phá hủy hỏa lực của lực lượng chính phủ Libi gặp khó khăn do lực lượng này đã đổi chiến thuật, chỉ sử dụng xe tải hoặc xe hạng nhẹ đồng thời ngụy trang toàn bộ các loại vũ khí hạng nặng và xe tăng. NATO xác nhận Misrata hiện là mục tiêu số một của NATO vì thành phố này đang bị quân đội chính phủ Libi bao vây. Brega cũng là một mục tiêu của NATO do quân đội Libi vẫn đang chiếm ưu thế tại chiến trường này.

Liên quan tới NATO, tờ Người Bảo vệ của Anh số ra ngày 6/4 dẫn nguồn tin từ các quan chức liên minh quân sự này xác nhận rằng, NATO hiện lâm vào tình trạng thiếu máy bay tấn công để thực hiện chiến dịch can thiệp tại Libi. Một quan chức NATO giấu tên cho biết hiện Anh đã cam kết cung cấp thêm 4 máy bay Tornado nhưng áp lực vẫn đang tiếp tục đè nặng lên vai các nước châu Âu khác, đặc biệt là Pháp, kể từ khi Mỹ quyết định rút máy bay tấn công hôm 4/4.

Cũng trong ngày 6/4, một quan chức Mỹ cho biết đặc phái viên nước này Chris Stevens đã tới Benghazi để tìm hiểu thêm về phe đối lập Libi và thảo luận về cách thức Oasinhtơn có thể giúp lực lượng này đáp ứng các nhu cầu tài chính. Chuyến thăm của ông Stevens phản ánh một nỗ lực của chính quyền Tổng thống Barack Obama nhằm tăng cường mối quan hệ của Oasinhtơn với lực lượng chống chính phủ Libi.

Phó Thủ tướng Nga Sergey Ivanov ngày 6/4 đã tuyên bố sự bất ổn tại Trung Đông đang đe dọa lợi ích của Liên bang Nga, nhưng Mátxcơva không tham gia vào việc giải quyết cuộc xung đột tại Libi. Phó Thủ tướng Ivanov cho rằng hiện không ai có thể trù liệu được cuộc chiến tại Libi sẽ diễn ra theo kịch bản nào; tuy nhiên, không loại trừ khả năng Nga có thể tham gia vào quá trình phục hồi Libi sau xung đột. Nga coi tình hình không ổn định tại những nước Trung Đông và Bắc Phi, kể cả việc giá dầu mỏ tăng đột ngột, là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia Nga vì giá dầu mỏ ổn định mới đáp ứng lợi ích của Nga.

Trong khi đó, với tỷ lệ 90 phiếu thuận và 10 phiếu chống, Thượng viện Mỹ cùng ngày đã thông qua nghị quyết tuyên bố quyết định can thiệp quân sự vào Libi của Tổng thống Obama vi phạm Hiến pháp Mỹ. Tuy đây là một nghị quyết mang tính biểu tượng song có ảnh hưởng lớn trên phương diện chính trị. Nghị quyết nhắc lại luận điểm của Tổng thống Obama hồi năm 2007, thời ông còn là thượng nghị sĩ, rằng theo Hiến pháp Mỹ, tổng thống không có quyền tự ý cho phép phát động tấn công quân sự trong tình huống không liên quan tới việc ngăn chặn một mối đe dọa hiện hữu hoặc sắp xảy ra đối với nước Mỹ. “Đạo luật các quyền chiến tranh” của Mỹ cho phép tổng thống sử dụng vũ lực để đáp trả một cuộc tấn công nhằm vào nước Mỹ, vào các vùng lãnh thổ của Mỹ hoặc các lực lượng vũ trang nước này. Tuy nhiên, luật trên qui định tổng thống phải thông báo cho quốc hội trong vòng 48 tiếng và binh sĩ Mỹ phải bắt đầu rút trong vòng 60 ngày sau đó, trừ phi nhận được sự cho phép đặc biệt của quốc hội để có thể tiếp tục triển khai.

Hồng Hạnh