08:08 27/08/2014

Nâng sức cạnh tranh cho ngành ô tô trong nước

Các doanh nghiệp sản xuất ô tô trong nước đang đứng trước rất nhiều thách thức bởi đến năm 2018, thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ các nước ASEAN sẽ là 0%. Trong khi đó, khả năng cạnh tranh của ngành ô tô trong nước vẫn còn rất yếu và bất cập.

Các doanh nghiệp sản xuất ô tô trong nước đang đứng trước rất nhiều thách thức bởi đến năm 2018, thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ các nước ASEAN sẽ là 0%. Trong khi đó, khả năng cạnh tranh của ngành ô tô trong nước vẫn còn rất yếu và bất cập.


Tập trung vào công nghiệp hỗ trợ


Sau 10 năm thực hiện quy hoạch phát triển lần đầu (giai đoạn 2004 - 2014), ngành công nghiệp ô tô trong nước vẫn chưa thành hình. Đặc biệt, tỷ lệ nội địa hóa mới đạt bình quân 7- 10% đối với xe con và 35- 40% đối với xe tải nhẹ. Trong khi đó tỷ lệ này ở Thái Lan và Indonesia đã đạt mức 80%.

 

Ngành sản xuất ô tô trong nước còn gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Anh Tôn – TTXVN


Điểm yếu lớn nhất của ngành công nghiệp ô tô chính là công nghiệp hỗ trợ (CNHT). Theo các doanh nghiệp (DN) sản xuất, lắp ráp ô tô, 80 - 90% nguyên liệu chính cho sản xuất linh kiện ô tô như thép hợp kim, hợp kim nhôm, hạt nhựa... vẫn đang phải nhập khẩu và chịu thuế suất nhập khẩu theo quy định. Chính sự phụ thuộc vào nhập nguyên liệu để sản xuất là một nguyên nhân làm tăng giá thành, giảm sức cạnh tranh của ô tô sản xuất tại Việt Nam.


Ông Trần Bá Dương, Tổng Giám đốc Công ty Ô tô Trường Hải cho biết, để phát triển ngành CNHT tại Việt Nam có thể theo 2 hướng. Thứ nhất, nhà sản xuất ô tô nắm công nghệ, mạnh dạn đàm phán, hỗ trợ các DN vừa và nhỏ, chia sẻ lợi ích với họ để phát triển sản xuất phụ tùng. Thứ hai, nếu không tự phát triển phụ tùng thì phải đàm phán với nhà sản xuất phụ tùng để chia sẻ về công nghệ, tài chính. “Nếu để DN nước ngoài vào mở nhà máy sản xuất thì chỉ có lợi về nhân công, thuê đất. Vì vậy, phải liên doanh với DN sản xuất phụ tùng nước ngoài rồi chia sẻ về lợi nhuận và chuyển giao công nghệ thì mới được”, ông Dương nhận định.


Mục tiêu phát triển CNHT đã được đặt ra từ lâu. Tuy nhiên, quy mô thị trường của ta còn nhỏ nên ảnh hưởng đến giá thành, khiến CNHT ngành công nghiệp ô tô chưa có khả năng cạnh tranh. Chiến lược Phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 được Bộ Công Thương công bố hôm qua (26/8) đã quan tâm nhiều hơn đến khâu then chốt này của ngành ô tô. Theo đó, để khuyến khích phát triển ngành CNHT, sẽ áp dụng mức trần thuế nhập khẩu với các loại linh kiện mà trong nước đã sản xuất bảo đảm đủ chất lượng, số lượng.


Tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng


“DN ô tô Việt Nam đang rất khó khăn vì chưa kịp lớn, chưa kịp mạnh thì đã phải hội nhập. Do đó rất cần sự khuyến khích, hỗ trợ của Nhà nước”, ông Trần Bá Dương cho biết.


Theo ông Dương, cạnh tranh lớn nhất hiện nay của DN Việt Nam trong khu vực ASEAN là với Thái Lan và Indonesia. Để tạo sự cạnh tranh công bằng, bình đẳng giữa ô tô sản xuất trong nước và các sản phẩm nhập khẩu, cần đồng bộ chính sách thuế, tín dụng.


Theo ông Bùi Ngọc Huyên, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Ô tô Xuân Kiên (Vinaxuki), chính sách đối với ngành ô tô hiện nay chưa đồng nhất, mỗi bộ, ngành một ý kiến khác nhau. “Bộ Công Thương muốn có công nghiệp ô tô nhưng nói đến giảm thuế thì Bộ Tài chính không đồng ý. Chính sách trong sản xuất và tín dụng cũng chưa đồng bộ. Các ngân hàng thương mại chỉ cho vay vốn ngắn hạn, cùng lắm là trung hạn đến 3 năm. Nhưng sản xuất ô tô mà vay vốn từ 1- 3 năm thì không làm được”, ông Huyên chỉ ra.


“Trong điều kiện thị trường chưa lớn thì cần có những ưu đãi phù hợp với thông lệ quốc tế. Để phát triển công nghiệp ô tô, chúng ta không hoàn toàn bảo hộ thị trường nhưng phải khuyến khích sản xuất trong nước và có “hàng rào” kĩ thuật phù hợp để kiểm soát hàng nhập khẩu thì DN nước ngoài mới mạnh dạn đầu tư vào Việt Nam”, ông Trần Bá Dương đề xuất.


Hiện nay, cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) chưa bảo đảm công bằng giữa xe CKD (xe lắp ráp trong nước) và xe CBU (xe nhập khẩu nguyên chiếc). Cụ thể, đối với xe nhập khẩu, chỉ bị đánh thuế trên phần giá trị nhập khẩu, còn xe trong nước bị đánh thuế trên cả phần thương mại (khuyến mại, xúc tiến thương mại để bán xe). Thuế suất thì giống nhau nhưng giá trị để tính thuế của xe CKD thì cao hơn xe CBU. Từ đó, mức thuế phải nộp của xe CBU cao hơn khiến giá xe sản xuất trong nước cao hơn.


Về vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Quân, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng, Bộ Công Thương, cho biết, việc xem xét để giảm khoảng cách về giá giữa xe CKD và xe CBU là một trong những nhiệm vụ mà Bộ Công Thương và Bộ Tài chính sẽ tiếp tục nghiên cứu thông qua việc tính thuế TTĐB với 2 loại xe này, nhằm tạo ra sân chơi bình đẳng cho xe nhập khẩu và xe sản xuất trong nước.


Hoàng Dương