07:09 16/07/2011

Nặng gánh

Lần đầu tiên trong lịch sử, đầu tàu kinh tế thế giới đứng trước nguy cơ vỡ nợ công. Thoạt nghe, điều này có vẻ như không thực tế vì Mỹ là một trong những nước tài trợ lớn nhất thế giới.

Lần đầu tiên trong lịch sử, đầu tàu kinh tế thế giới đứng trước nguy cơ vỡ nợ công. Thoạt nghe, điều này có vẻ như không thực tế vì Mỹ là một trong những nước tài trợ lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, hiểm họa này thực sự đang ngày càng đến gần khi các số liệu chính thức của chính phủ Mỹ cho thấy, nợ liên bang của Mỹ đã lên tới 14.290 tỷ USD, tức là chỉ còn 10 triệu USD nữa là nợ công của Mỹ kịch mức trần 14.300 tỷ USD mà quốc hội nước này cho phép.

Bội chi ngân sách liên tục tăng là một trong những nguyên nhân chính làm nợ công tăng vọt. Lần Mỹ đạt bội thu ngân sách gần nhất cách đây đã 10 năm, vào năm 2001, với mức thặng dư ngân sách đạt khoảng 127 tỷ USD. Tuy nhiên, ngay năm tiếp theo, Mỹ lại rơi vào tình trạng bội chi do ảnh hưởng từ việc Tổng thống Mỹ thời đó là George W. Bush cắt giảm thuế và phát động hai cuộc chiến tại Irắc và Ápganixtan. Đến năm 2008, năm cuối cùng của chính quyền Bush, bội chi ngân sách liên bang lên tới 454,8 tỷ USD và nợ công tăng thêm 4.900 tỷ USD.

Tiếp quản một di sản kinh tế không lấy gì làm thuận lợi từ người tiền nhiệm, sau ba năm Tổng thống Barack Obama bước vào Nhà Trắng, khoản nợ này nhanh chóng phình to. Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, bên cạnh việc tăng mạnh chi tiêu dành cho các chương trình phúc lợi xã hội, Tổng thống Obama cũng không thể thoát khỏi bài toán khó giải mà người tiền nhiệm đã khởi xướng và mắc kẹt ở đó, là chi phí dành cho các hoạt động quân sự của Mỹ ở nước ngoài tiếp tục tăng trong khi nền kinh tế phục hồi chậm chạp. Ngoài hai cuộc chiến kéo dài gần chục năm qua tại Irắc và Ápganixtan, ngân sách Mỹ còn phải gánh thêm chi phí quân sự tại nhiều điểm nóng như Libi, Pakixtan... với các khoản tiền lên tới hàng trăm tỷ USD. Nền kinh tế lớn nhất thế giới chưa hồi phục hoàn toàn sau khủng hoảng lại phải gồng mình trước gánh nặng vừa thực hiện các gói kích thích kinh tế khổng lồ vừa tiếp tục vung tiền cho các hoạt động quân sự trên khắp thế giới.

Trước đó, tình trạng nợ công tăng quá nhanh đã buộc quốc hội Mỹ phải biểu quyết cho phép chính phủ nâng mức trần nợ công từ 12.400 tỷ USD lên 14.300 tỷ USD, mức cao nhất từ trước tới này. Tuy nhiên, chỉ sau chưa đầy 6 tháng, Nhà Trắng và quốc hội lại một lần nữa phải thảo luận về việc "lập thêm một kỷ lục mới" trong việc nâng giới hạn mức vay của chính phủ. Hiện nay, Nhà Trắng và đảng Cộng hòa vẫn đang tranh cãi quyết liệt về các điều khoản trong thỏa thuận nâng hạn ngạch nợ công và chưa xuất hiện một tín hiệu tích cực nào trong quá trình thương lượng này. Tổng thống Mỹ đã cảnh báo nước Mỹ sẽ đứng bên bờ vực suy thoái kinh tế, các cơ quan chính phủ sẽ tê liệt nếu như chính phủ và quốc hội không thông qua được quyết định nâng mức trần nợ công vào thời hạn chót là ngày 2/8 tới.

Cẩm Tuyến